Chiều 20-2, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cùng các sở, ngành liên quan đã có cuộc họp trực tiếp với các chủ đầu tư 7 dự án đang gặp vướng mắc trên địa bàn TP HCM để lắng nghe và xem xét tháo gỡ.
Vướng mắc, đình trệ nhiều năm
Các dự án được UBND thành phố xem xét gỡ vướng gồm: dự án khu trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp đường Bến Nghé (phường Tân Thuận Đông, quận 7); khu liên hợp thể dục thể thao và dân cư Tân Thắng (phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú); dự án chung cư Cửu Long (phường 1, quận 4); khu phức hợp Sóng Việt (khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức), khu nhà ở Thiên Lý (phường Phước Long B, TP Thủ Đức), dự án 30,2 ha phường Bình Khánh (TP Thủ Đức) và dự án chung cư Cô Giang (phường Cô Giang, quận 1). Các dự án này chủ yếu gặp vướng mắc liên quan đến thủ tục mở bán căn hộ, vướng mắc ở khâu tính thuế đất, giấy phép xây dựng, xác định lại giá đất, vướng thanh tra, kiểm tra… Một số dự án đã gặp vướng mắc, đình trệ nhiều năm đến nay vẫn chưa được tháo gỡ.
Điển hình như dự án khu trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp đường Bến Nghé (Asiana Riverside, quận 7) do Công ty TNHH Gotec Việt Nam làm chủ đầu tư từ năm 2018. Dự án có diện tích 10.076,6 m2, gồm 2 block, cao 21 tầng với khoảng 500 căn hộ; đến nay đã hoàn thành phần móng, hầm và tầng 1, đang xây các tầng tiếp theo nhưng chưa được cấp giấy phép đủ điều kiện mở bán. Nguyên nhân là do doanh nghiệp (DN) đã 3 lần nộp hồ sơ đề nghị cấp thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua đối với nhà ở thương mại nhưng đều bị Sở Xây dựng TP HCM trả hồ sơ với lý do rà soát việc chuyển nhượng mục đích sử dụng đất. Đến thời điểm này, các khoản thiệt hại trước mắt của công ty đã lên tới khoảng 1.052 tỉ đồng.
Dự án khu phức hợp Sóng Việt (TP Thủ Đức) do Công ty Quốc Lộc Phát (thành viên của Sơn Kim Land) làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô 4,8 ha, vướng mắc ở khâu cấp xác nhận đủ điều kiện bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai đối với công trình. Nguyên nhân là do vướng mắc quy hoạch chung của khu đô thị mới Thủ Thiêm chứ không phải lỗi của chủ đầu tư.
Dự án 30,2 ha phường Bình Khánh (TP Thủ Đức) do Công ty TNHH Phát triển quốc tế Thế Kỷ 21 làm chủ đầu tư, sau này được Tập đoàn Novaland mua lại với tên thương mại là The Water Bay. Dự án đang bị tạm ngưng xây dựng để thanh tra, kiểm tra. Vào năm 2020, Tập đoàn Novaland từng thông tin đã bỏ vào dự án tới 6.000 tỉ đồng nhưng không được triển khai. Vì thế, DN nhiều lần cầu cứu Bộ Xây dựng cho tiếp tục được thực hiện dự án khu dân cư này.
Dự án chung cư Cô Giang (quận 1) đã được UBND TP HCM trao quyết định chấp thuận đầu tư. Tập đoàn Novaland là nhà phát triển dự án với tên thương mại là Grand Manhattan và đã triển khai thi công tới tầng 28 nhưng lại vướng ở khâu cấp giấy chứng nhận đầu tư và được hưởng ưu đãi là miễn tiền sử dụng đất đối với toàn bộ diện tích đất được giao. Vì đây là dự án thực hiện cải tạo xây dựng lại các chung cư cũ, chủ đầu tư phải bồi thường thêm phần diện tích sử dụng chung.
Dự án khu chung cư Cô Giang (phường Cô Giang, quận 1, TP HCM) đang gặp vướng ở khâu cấp giấy chứng nhận đầu tư và được hưởng ưu đãi là miễn tiền sử dụng đất. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tiếp tục chờ
Dự án khu liên hợp văn hóa thể thao và dân cư Tân Thắng (Celadon City, quận Tân Phú) có quy mô 82,5 ha, được UBND TP HCM chấp thuận cho Công ty CP Đầu tư địa ốc Sài Gòn Thương Tín Tân Thắng làm chủ đầu tư. Sau đó, Công ty CP Gamuda Land mua lại phần lớn cổ phần của Công ty CP Đầu tư địa ốc Sài Gòn Thương Tín Tân Thắng để sở hữu dự án này.
Theo Gamuda Land, khi mua lại cổ phần, chủ đầu tư cũ cho biết miễn thuế và họ chỉ thanh toán phần được công nhận. Tuy nhiên sau đó, thành phố yêu cầu chủ đầu tư mới đóng phần thuế hơn 400 tỉ đồng do DN không trực tiếp chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư mà chỉ mua lại cổ phần nên không được khấu trừ chi phí bồi thường, tái định cư vào tiền sử dụng đất, thuê đất dự án... Do không đồng ý đóng thuế nên dự án bị đình trệ lâu nay, Gamuda Land bị liệt vào danh sách nợ thuế hơn 541 tỉ đồng gồm cả tiền gốc và lãi.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngay sau cuộc họp, ông Nguyễn Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Gotec Việt Nam, nhận xét cuộc họp diễn ra trên tinh thần cầu thị, lãnh đạo thành phố và các sở, ngành đã nghe báo cáo từ DN. "Lãnh đạo thành phố chưa giải quyết ngay các vướng mắc mà hứa sẽ xem xét và trả lời sớm. Dù chưa có lối ra nhưng tôi rất kỳ vọng sẽ có kết quả tốt đẹp, để dự án có thể triển khai tiếp và bán sản phẩm ra thị trường, nếu không sẽ gây thiệt hại rất lớn cho DN" - ông Việt Anh bày tỏ.
Phía Novaland cũng cho biết DN rất kỳ vọng sau cuộc họp, các cấp lãnh đạo thành phố sẽ lắng nghe, tìm cách tháo gỡ khó khăn để các dự án được triển khai, tạo điều kiện DN vượt qua khó khăn. Đại diện Công ty Quốc Lộc Phát cũng cho hay cuộc họp chưa có kết luận gì mà cần chờ thêm ý kiến của lãnh đạo thành phố.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, đa số các vướng mắc của các dự án tại cuộc họp đều là những ca khó nên mới kéo dài và khó giải quyết. Vì vậy, cuộc họp chỉ mới dừng ở mức lắng nghe và xem xét, sau đó mới có kết luận chứ khó mà trả lời ngay cho DN. Chưa kể, có những nội dung vướng thuộc thẩm quyền trung ương nên phải chờ Chính phủ và các bộ, ngành giải quyết.