Hạng mục mở rộng hầm Hải Vân (thuộc dự án hầm Đèo Cả) bao gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 thực hiện sửa chữa, nâng cấp hầm Hải Vân số 1, tuyến đường dẫn và đường qua đèo Hải Vân. Giai đoạn 2 thực hiện mở rộng hầm Hải Vân số 2 và xây dựng tuyến đường dẫn mới.
Giai đoạn 1 của hạng mục mở rộng hầm Hải Vân đã hoàn thành được hơn 1 năm (với giá trị hơn 1.200 tỷ đã được nghiệm thu và kiểm toán). Thi công được 50% hầm Hải Vân 2 và đã ứng gần 300 tỷ đồng cho công tác quản lý, vận hành hầm Hải Vân 1 từ 2016 đến nay.
Với khối lượng công việc đã thực hiện và nguồn vốn đầu tư rất lớn nhưng đến nay cơ sở, cơ chế cho việc hoàn vốn cho Dự án là không có, dự án không có 1 trạm thu phí. Trong khi hợp đồng ký với Bộ GTVT chủ đầu tư được thu tại hai trạm thu phí là Nam Hải Vân từ 01/01/2017, trạm La Sơn - Tuý Loan từ đầu năm 2019 để hoàn vốn cho dự án và có kinh phí vận hành quản lý.
Trạm thu phí Nam Hải Vân không được thu do trạm Bắc Hải Vân đang thu cho Dự án hầm Phước Tượng – Phú Gia đặt ngay tại cửa Bắc hầm Hải Vân. Bộ trưởng Bộ GTVT đã báo cáo Quốc hội không thu phí tại trạm La Sơn – Túy Loan để hoàn vốn cho đầu tư xây dựng hầm Hải Vân.
Chủ đầu tư dự án đề nghị trả lại công tác vận hành hầm Hải Vân cho Nhà nước.
Ông Lưu Xuân Thủy – Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Công ty CPĐT Đèo Cả cho biết, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam thỏa thuận với nhà đầu tư về kinh phí quản lý, vận hành hầm Hải Vân (văn bản số 11242/BGTVT ngày 4/10/2017). Đến nay, sau nhiều lần làm việc, Tổng cục đường bộ Việt Nam vẫn chưa xác định được kinh phí để thỏa thuận với nhà đầu tư. Hầm Hải Vân đã vận hành hơn 12 năm nay bằng nguồn ngân sách Nhà nước, chi phí nhà đầu tư hiện nay vận hành cũng chỉ ngang bằng khi vận hành của Tổng cục Đường bộ Việt Nam trước đây.
“Tôi sẽ báo cáo HĐQT Công ty đề nghị Đại hội đồng cổ đông thông qua việc giao trả lại công tác quản lý, vận hành hầm Hải Vân cho Tổng cục đường bộ Việt Nam từ ngày 01/07/2018” - ông Lưu Xuân Thủy nói.
Ông Thủy cũng cho biết thêm, hạng mục hầm Hải Vân có tổng vốn đầu tư khoảng 8.300 tỷ đồng, đã hoàn thành giai đoạn 1 và thực hiện quản lý, vận hành từ năm 2016, đồng thời đã thi công hơn 50% chiều dài hầm Hải Vân 2 (3.200md/6.300md).
Trong khi đó, Dự án BOT Phước Tượng – Phú Gia với chi phí đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng với hai hầm dài chưa đến 500 m, thì lại được nghiễm nhiên đặt trạm thu phí tại cửa hầm Hải Vân (đặt ngoài phạm vi dự án mà họ thực hiện). “Phải chăng Bộ GTVT đang bảo trợ, dung túng cho sự bất bình đẳng này?” – ông Thủy đặt câu hỏi./.