Được biết, các hạng mục trong công trình "biểu diễn rối nước, biểu diễn thực cảnh" được thiết kế, xây dựng theo kiến trúc làng quê Bắc Bộ đặc trưng như: cổng làng, cây đa, lũy tre làng, đường lát gạch, các ngôi nhà cổ được phục dựng nhằm tạo ra không gian của làng quê Việt Nam. Khán đài với quy mô 1.800 chỗ ngồi và có bố trí khu VIP, tổ hợp các gian bán hàng lưu niệm, phòng trưng bày sản phẩm nghệ thuật rối nước, khu ẩm thực làng quê, hệ thống cây xanh cảnh quan và công trình phụ trợ.
Các công trình xây dựng kết hợp với công nghệ âm thanh, ánh sáng, thiết bị trình diễn đặc thù và khung cảnh núi Thầy thơ mộng đã tạo nên chương trình nghệ thuật đặc sắc mang đậm đà bản sắc văn hóa Việt kết hợp công nghệ biểu diễn tiên tiến với tên gọi "Tinh Hoa Bắc Bộ".
Tổng kinh phí ước tính cho dự án lên tới hàng trăm tỷ đồng gồm: kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng, thuê đất, đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan, hệ thống sân khấu, khán đài, âm thanh, ánh sáng, đạo cụ, quảng cáo, chi phí lương cho hơn 300 diễn viên...vvv…
Cũng theo đại diện công ty TCHN, ý tưởng này xuất phát từ mong muốn tạo ra được một sản phẩm văn hoá - du lịch, chuyển tải những hình ảnh đầy tự hào về văn hoá, phong tục tập quán, vốn nhân văn, đặc sắc, với bề dày truyền thống hàng nghìn năm của con người Việt Nam nói chung và Bắc Bộ nói riêng đến với công chúng trong nước và quốc tế.
Để triển khai ý tưởng này, công ty TCHN đã rất nhiều lần mời các đạo diễn, các nhà biên kịch, các chuyên gia nghệ thuật nổi tiếng của thế giới đến Việt Nam để cùng bàn thảo phương án đầu tư chương trình thực cảnh tại dự án. Sau khi làm việc với một số đạo diễn, Công ty TCHN thấy rằng đạo diễn Việt Tú với sức trẻ, hy vọng sẽ có thể thực hiện được ý tưởng và sự đầu tư rất lớn cho nghệ thuật của chủ đầu tư.
Sân khấu biểu diễn nghệ thuật dân tộc ngoài trời.
Tập đoàn Tuần Châu cho biết đã đầu tư gần cả nghìn tỷ đồng vào nhiều hạng mục để xây dựng chương trình này.
Ngày 16/11/2015, công ty TCHN và công ty Cổ phần Đầu tư Tổng hợp Truyền thông DS (Công ty DS), do ông Nguyễn Việt Tú làm Tổng giám đốc, đã ký hợp đồng nguyên tắc số 0111/2015/HĐNT/DS với nội dung công ty DS nhận tư vấn, thiết kế mỹ thuật, dàn dựng chương trình dự án trình diễn thực cảnh "Ngày xưa" (được tạm hiểu là "Thuở ấy. Xứ Đoài" - thực ra đó là tên của sân khấu thực cảnh, không phải tên vở diễn) cho công ty TCHN.
Trong quá trình triển khai, công ty TCHN cho biết đã thanh toán đầy đủ thù lao theo hợp đồng cùng các chi phí phát sinh khác đã được hai bên thống nhất cho công ty DS, cụ thể bao gồm chi phí hợp đồng và phụ lục trị giá 7,4 tỷ đồng, đã thanh toán cho công ty DS 7,3 tỷ đồng và 5,9 tỷ đồng các chi phí phục vụ cho biểu diễn.
Công ty TCHN xin khẳng định ý tưởng đưa chương trình thực cảnh trên thế giới về Việt Nam đầu tiên và ý tưởng vở diễn thực cảnh tại dự án Khu du lịch, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội là của Tuần Châu và Công ty DS chỉ là đơn vị được thuê để thực hiện ý tưởng này. Về bản chất, đây là hoạt động sáng tác tác phẩm sân khấu dựa trên ý tưởng và theo yêu cầu của chủ đầu tư - Công ty TCHN. Do đó, theo quy định tại khoản 2 điều 21 Luật Sở hữu trí tuệ Công ty TCHN mới là chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm sân khấu này.
Tuy nhiên, đạo diễn Việt Tú cho rằng Tinh hoa Bắc Bộ đã "đánh cắp" ý tưởng từ vở diễn thực cảnh Ngày xưa (hay còn gọi là Thuở ấy xứ Đoài) mà anh từng cộng tác thực hiện với Tuần Châu Hà Nội trước đó và khẳng định anh mới là chủ nhân ý tưởng sân khấu thực cảnh đầu tiên ở Việt Nam.
Một cảnh tại sân khấu biểu diễn nghệ thuật dân tộc ngoài trời.
Màn trình diễn Tinh hoa Bắc Bộ.
Theo đại diện chủ đầu tư, ông Nguyễn Việt Tú đã tự ý đăng ký bản quyền chủ sở hữu chương trình"Ngày xưa" (đang được hiểu là "Thuở ấy. Xứ Đoài") cho cá nhân ông Tú trên nền tảng đầu tư của Công ty TCHN. Đồng thời, Công ty DS cùng cá nhân ông Việt Tú đã đơn phương tiến hành công bố tác phẩm mà không xin ý kiến của Công ty TCHN. Điều này đã vi phạm nghiêm trọng đến quyền tài sản của công ty TCHN.
Các hành vi của Công ty DS đã khiến Công ty Tuần Châu Hà Nội không khai thác được sản phẩm mà đã mất rất nhiều công sức, vốn đầu tư và phải thuê đơn vị khác xây dựng chương trình thay thế là vở diễn thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ với giá trị đầu tư hơn 5,9 tỷ đồng, Cục bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cấp giấy chứng nhận quyền tác giả số 3642/2017/QTG ngày 31/07/2017 đối với kịch bản chương trình Tinh hoa Bắc Bộ để chương trình này được đưa ra công diễn chính thức.
Theo thông tin từ TAND TP Hà Nội, phiên tòa sơ thẩm vụ kiện tranh chấp bản quyền vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ giữa nguyên đơn là Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội và bị đơn Công ty Cổ phần Đầu tư Tổng hợp Truyền thông DS do đạo diễn Nguyễn Việt Tú làm giám đốc đã được đưa ra xét xử công khai vào chiều 14/3.