Theo báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng, tại Hà Nội, giá nhà chung cư tăng khoảng 4 - 5% so với cuối năm 2021, trong khi tại TP.HCM tăng khoảng 1 - 2% so với cuối năm 2021.
Cụ thể, với căn hộ bình dân (mức giá từ 25 - 30 triệu đồng/m2), các dự án nhà ở thương mại tại khu vực trung tâm của các đô thị hầu như không có căn hộ mức giá dưới 25 triệu đồng/m2. Căn hộ có mức giá này chỉ có tại một số ít các dự án tại khu vực xa trung tâm như các quận/huyện như tại Hà Nội.
Có thể kể đến dự án Anland Premium Dương Nội, Hà Nội giá 30 triệu đồng/m2, One 18 Ngọc Lâm giá 26 triệu đồng/m2, Eurowindow River Park giá khoảng 25 triệu đồng/m2. Tại TP.HCM tương đối hiếm dự án có giá dưới 30 triệu đồng/m2. Tại Đà Nẵng, dự án The Ori Garden (Quận Liên Chiểu) có giá khoảng 21 triệu đồng/m2.
Với phân khúc căn hộ chung cư trung cấp (mức giá khoảng 30 - 50 triệu đồng/m2), đây vẫn tiếp tục là sản phẩm chủ đạo trên thị trường. Tại Hà Nội, Sunshine Garden (Hai Bà Trưng) có giá khoảng 37,1 triệu đồng/m2, Hapulico Complex (Thanh Xuân) có giá khoảng 33,8 triệu đồng/m2, Sunshine City (Bắc Từ Liêm) có giá khoảng 41,8 triệu đồng/m2. Tại TP HCM, An Gia Skyline (quận 7) có giá khoảng 38,6 triệu đồng/m2, Happy Valley (quận 7) có giá khoảng 47,6 triệu đồng/m2. Tại Đà Nẵng, dự án Wyndham Soleil Đà Nẵng (quận Sơn Trà) có giá khoảng 33 triệu đồng/m2…
Bên cạnh đó, một số dự án có vị trí đặc biệt, trung tâm có mức giá quảng cáo, chào bán rất cao như dự án Thảo Điền Green tại quận 2, TP.HCM có giá khoảng 100 triệu đồng/m2, dự án Empire City – The Monarch tại Khu đô thị Thủ Thiêm có giá khoảng 200 triệu đồng/m2, dự án The Filmore Da Nang tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng có giá khoảng 110 triệu đồng/m2…
Theo Savills Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm, tại Hà Nội, phân khúc căn hộ không có dự án nào “ra hàng”.
Tại TP.HCM cũng trong tình trạng tương tự, nhưng có 2.150 căn mở bán mới đến từ các giai đoạn tiếp theo của sáu dự án hiện hữu, giảm 62% theo quý và 3% theo năm. Trong quý 1/2022, có 20 dự án đang tạm dừng bán trong đó đa số các dự án dừng để điều chỉnh giá bán cho các đợt mở bán sắp tới.
Hầu hết các dự án sơ cấp có giá không đổi hoặc tăng; một số dự án hiện hữu có mức tăng giá lên đến 6%, trong khi các dự án có giai đoạn mới tăng giá tới 10% so với giai đoạn trước.
Giá ở tất cả các hạng dự kiến sẽ tiếp tục tăng do các dự án tạm ngưng bán dự kiến sẽ mở bán trở lại vào quý 2/2022. Savills đưa ra dự đoán, một số dự án mở bán giai đoạn tiếp theo sẽ có mức tăng lên tới 15% nhờ sự thành công của các đợt mở bán trước và tiến độ xây dựng tốt.
Tại một cuộc hội thảo về bất động sản diễn ra gần đây, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho hay, đã có hiện tượng chủ đầu tư không muốn bán dự án đợi giá lên mới bán.
Theo vị này, nhu cầu thị trường rất lớn, đặc biệt phân khúc nhà giá rẻ, hiện nay không "sợ" xây nhà ra không bán được mà "sợ" không có hàng bán.
"Nhiều người nói nhà giá rẻ thì ít nhưng nhà giá cao vẫn còn nhiều. Có chủ đầu tư còn hàng nhưng không bán, chờ lên giá mới bán. Chứng tỏ số liệu tồn kho không biết có phải tồn kho không khi mà doanh nghiệp thực tế không muốn bán mà chờ giá tăng lên 5 triệu đồng/m2 mới bán. Điều này do ảnh hưởng bởi câu chuyện đấu giá đất", ông Khởi nêu thực tế.
Theo ông Khởi, giá bất động sản trong 2 năm Covid-19 vừa qua đi ngược chiều với nguồn cung. Giá bất động sản tiếp tục tăng trong đại dịch, đặc biệt phân khúc đất nền. Bình quân khu vực và bình quân 1 số tỉnh, cuối 2021 giá dự án tăng 5-7%, giá nhà ở riêng lẻ tăng 15-20%, đất nền tăng 20-30%, có nơi tăng 50% trong năm 2021.
Ông Khởi cho hay, nguyên nhân đầu tiên khiến giá bất động sản tăng cao do thực trạng mất cân đối cung - cầu khi nguồn cung ngày càng giảm, nhu cầu ngày càng tăng. Điểm nghẽn về cơ chế chính sách chưa được tháo gỡ khiến cho một số dự án bị tồn đọng kéo dài 3, 4 năm.
"Giá bất động sản tăng chủ yếu do cung ít cầu cao. Trong khi đó, dòng tiền chảy vào bất động sản lớn khi đầu tư kinh doanh gặp khó khăn", ông Khởi nhận định.
Do vậy, khi bàn về giải pháp cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ông Khởi nhấn mạnh tới việc tháo gỡ điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, quy định. Dù vừa qua, Chính phủ, Quốc hội đã ban hành chính sách, cơ chế nhằm tháo gỡ nhưng vẫn còn tồn tại một số điểm nghẽn để giải bài toán về nguồn cung.