An Khánh JVC thua lỗ triền miên, âm vốn chủ sở hữu
Năm 2017 được đánh giá là năm tích cực thoái vốn nhà nước của Vinaconex, đáng kể nhất phải kể tới thương vụ bán vốn 51% thành công tại Công ty Cấp nước Sông Đà (Viwasupco - VCW). Thương vụ này đã giúp Vinaconex ghi nhận khoản lợi nhuận 714 tỷ đồng, góp phần đưa lợi nhuận cả năm của Tổng công ty này tăng đột biến đạt hơn 1.000 tỷ, gấp 3 lần năm 2016.
Thế nhưng, thương vụ liên kết hợp tác đầu tư vào siêu dự án Splendora (KĐT Bắc An Khánh) quy mô hơn 264ha, tổng mức đầu tư dự tính 2,57 tỷ USD ở phía Tây Hà Nội trong 10 năm qua với Posco E&C của Vinaconex lại đang cho kết quả vô cùng bết bát.
Với tỷ lệ sở hữu 50:50, trong suốt 10 năm qua giữa Vinaconex và Posco E&C không bên nào có tiếng nói quyết định đến số phận của dự án này, thậm chí nhiều năm xảy ra bất đồng trong nội bộ, dự án án binh bất động động,…dẫn tới Liên danh An Khánh JVC nhiều năm làm ăn không hiệu quả, thua lỗ triền miên.
Tại các báo cáo thường niên của Vinaconex, cho thấy lũy kế đến hết năm 2016 số lỗ của An Khánh JVC lên tới con số trên 923 tỷ đồng. Mặc dù Vinaconex không đưa ra thuyết minh rõ ràng nào trong các báo cáo tài chính hợp nhất của mình về khoản đầu tư vào An Khánh JVC, tuy nhiên, khoản mục "dự phòng đầu tư tài chính dài hạn" tại báo cáo tài chính quý 4/2017 của Vinaconex thể hiện con số âm 958 tỷ đồng, rất có khả năng trong đó có khoản dự phòng lỗ ở An Khánh JVC.
An Khánh JVC có vốn điều lệ 680 tỷ đồng, với tỷ lệ sở hữu 50% thì khoản đầu tư vào An Khánh JVC của Vinaconex là 340 tỷ. Tuy nhiên, đây là khoản đầu tư không hiệu quả bởi An Khánh JVC đang thua lỗ bết bát. Theo một nguồn tin đáng tin cậy chúng tôi có được, tính đến 31/12/2016 vốn chủ sở hữu của An Khánh JVC âm hơn 242 tỷ đồng.
Ở một diễn biến khác, nỗ lực thoái gần 22% vốn nhà nước tại Vinaconex hồi cuối năm 2017 do SCIC đại diện quản lý phần vốn nhà nước lại bất thành khi chỉ một phần nhỏ cổ phần được bán đấu giá thành công. Tính đến 5/1/2018 thì SCIC vẫn đang nắm giữ 57,71% tại Vinaconex.
Trong khi đó, việc công ty liên kết của Vinaconex là An Khánh JVC bị âm vốn chủ sở hữu dẫn đến nguy cơ phần vốn nhà nước do Vinaconex đầu tư vào công ty liên kết này được sử dụng không hiệu quả.
Bao giờ Splendora mới đổi vận?
Bên cạnh đó, dư luận còn đặt vấn đề về năng lực triển khai dự án Splendora của Vinaconex. Không chỉ có nguyên nhân khiến Splendora gần như "dậm chân tại chỗ" nhiều năm qua do bất đồng nội bộ ở An Khánh JVC, mà năng lực triển khai dự án của Vinaconex ở dự án này được cho là có vấn đề, khi mà Posco E&C rất muốn triển khai, ngược lại Vinaconex lại chỉ muốn cầm chừng, thậm chí có giai đoạn Vinaconex muốn bán 50% phần vốn của mình tại dự án nhưng đều bất thành.
Thực tế, hoạt động kinh doanh của Vinaconex những năm qua cũng gặp không ít khó khăn. Trong khi đó, với sự khởi sắc của thị trường BĐS 3 năm qua lại là cơ hội cho nhiều đại gia BĐS triển khai rầm rộ dự án ở phía Tây. Có thể tới như dự án Vinhomes Thăng Long của Vingroup, KĐT Lê Trọng Tấn của Geleximco, KĐT Dương Nội của Nam Cường hay mới đây là dự án Vinhomes Mễ Trì của Vingroup…Còn Splendora, gần đây mới loay hoay, dè dặt triển khai giai đoạn 2 với quy mô diện tích "nhỏ giọt" 4,7ha với 77 căn biệt thự.
Gần đây, thị trường xôn xao với thông tin một nửa phần vốn góp tại An Khánh JVC được chuyển nhượng cho một đại gia BĐS, có tiềm lực mạnh ở phía Nam là Công ty CP Đầu tư Địa ốc Phú Long – một thành viên tập đoàn Sovico của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, bà chủ hãng hàng không Vietjet.
Thông tin này khiến nhiều người kỳ vọng Splendora có khả năng "đổi vận", và đều nghĩ rằng Vinaconex đã bán phần vốn của mình, bởi chính Tổng công ty này đã có kế hoạch từ lâu. Thế nhưng, thật bật ngờ 50% vốn mà Phú Long nhận chuyển nhượng lại là từ Posco E&C, Vinaconex vẫn đang nắm giữ 50% phần vốn còn lại.
Lúc này, nhiều người đặt ra câu hỏi: Phú Long và Posco E&C đều là những đơn vị có tiềm lực tài chính mạnh, thế nhưng nếu như Vinaconex vẫn "khoanh tay ngồi nhìn" thì bao giờ Splendora mới "đổi vận"?
Giới chuyên môn cho rằng sự xuất hiện của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tại Splendora đã đem lại luồng gió mới cho dự án. Tuy nhiên, để thay đổi thực sự cục diện tại dự án đầy tham vọng này, có lẽ cần có lời giải ở "bài toán Vinaconex" chứ không phải ở Posco E&C.