Chủ nhân mới của chiếc ngai vàng Hyundai, vĩnh biệt vị thế "theo đuôi" và "át chủ bài" Việt Nam

13/09/2021 10:23
Đầu năm 2021, cổ phiếu của Hyundai Motor Co. đã tăng tới 25%, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1988. Sự tăng trưởng đầy tích cực này giúp chủ tịch Tập đoàn ô tô Hyundai Chung Eui-sun và cha mình, ông Chung Mong-Koo, kiếm thêm 2 tỷ USD chỉ trong một ngày. Đây là gia tộc giàu thứ hai ở Hàn Quốc, chỉ sau gia tộc họ Lee sở hữu tập đoàn Samsung.

"Không bao giờ là thất bại, tất cả là thử thách" là câu nói nổi tiếng của doanh nhân, nhà tư bản công nghiệp Chung Ju-yung, người sáng lập nên tập đoàn công nghiệp nặng Hyundai vào năm 1947. Từ một ga-ra sửa xe nhỏ, Hyundai trải qua 74 năm thành lập, phát triển và "truyền ngôi" đến đời thứ 3 để giờ đây trở thành một trong những đại tập đoàn gia đình (chaebol) lớn nhất tại Hàn Quốc.

Theo dữ liệu từ Korea Exchange, tính đến tháng 9/2020, tổng giá trị vốn hóa thị trường của Hyundai Motor Co. và các công ty thành viên khác là 85.9 tỷ USD. Giá trị thương hiệu toàn cầu của Hyundai đạt 14.3 tỷ USD, đạt mức cao bất chấp sự suy thoái trong kinh doanh do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Chủ nhân mới của chiếc ngai vàng Hyundai, vĩnh biệt vị thế theo đuôi và át chủ bài Việt Nam - Ảnh 1.

Trụ sở của Hyundai Motor ở Seoul, tập đoàn gia đình lớn thứ 2 tại Hàn Quốc (Ảnh: Hyundai Motor)

Trong khi đó, với bảng xếp hạng 50 người giàu nhất Hàn Quốc năm 2021 do tạp chí Forbes bình chọn, chỉ riêng gia tộc họ Chung sở hữu tập đoàn Hyundai đã đóng góp 02 "hậu duệ mặt trời" nổi bật, và cũng chính là 2 cha con trong cùng gia đình. Đó là ông bố Chung Mong-Koo xếp thứ 8 với 5.9 tỷ USD và cậu con trai Chung Euin-sun theo sau với vị trí thứ 12 với 3.9 tỷ USD.

"XE ỦI" CHUNG MONG-KOO

Người có dấu ấn đậm nét nhất cho tất cả thành công của Hyundai từ khi nhận "cây quyền trượng" truyền ngôi từ cha mình - cũng là người sáng lập nên Hyundai -  cho đến thời điểm cuối năm 2020 không ai khác chính là người đàn ông có nickname "Xe ủi" Chung Mong-Koo.

Chủ nhân mới của chiếc ngai vàng Hyundai, vĩnh biệt vị thế theo đuôi và át chủ bài Việt Nam - Ảnh 2.

Ông Chung Mong-Koo hiện là Chủ tịch danh dự của tập đoàn Hyundai Motor của Hàn Quốc (Ảnh: Hyundai Motor)

Thời điểm ông Koo nắm giữ vị trí thuyền trưởng thì quy mô của Hyundai vẫn còn rất khiêm tốn với vị trí của một nhà sản xuất ô tô "hạng hai" ở xứ sở kim chi mà thôi. Thế nhưng, bằng tài năng và sự quyết tâm của mình, ông Koo đã lèo lái đưa Hyundai đột phá để trở thành một một trong những nhà sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới với những thương hiệu phổ biến như Hyundai Elantra, Hyundai Tucson, Hyundai Santa Fe, Hyundai Genesis…

Để chiếm lĩnh thị trường bên ngoài Hàn Quốc, ông Koo không ngừng thực hiện chủ trương "vươn ra biển lớn" từ rất sớm. Ngay sau đảm nhận vị trí chủ tịch tập đoàn Hyundai Motor vào năm 2000, ông Koo đã ngay lập tức quyết định xây dựng hàng loạt các nhà máy sản xuất ô tô Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ và Cộng hòa Czech…

Tuy nhiên, người đàn ông được biết đến với biệt danh "Xe ủi" vì cá tính mạnh mẽ và tính cách "thẳng như ruột ngựa" này cũng đã từng phải chịu án tù 3 năm vì tội tham ô và hối lộ.

Theo đó, ông Chung Mong-Koo bị cáo buộc chỉ đạo thành lập quỹ đen trị giá hơn 137 triệu USD để điều chuyển cổ phần bất hợp pháp giữa những thành viên trong gia đình, và tìm cách chuyển quyền kiểm soát tập đoàn cho cho con trai là Chung Eui-Sun.

Song, ông Koo chỉ phải ngồi tù vài tháng và sau đó được tuyên trắng án bởi người ta cho rằng, ông Koo và "đế chế" Hyundai của mình có sức ảnh hưởng quá lớn đối với đời sống kinh tế - xã hội của Hàn Quốc, và sẽ có một "sự đổ vỡ" khủng khiếp nếu kết án tù ông.

Chủ nhân mới của chiếc ngai vàng Hyundai, vĩnh biệt vị thế theo đuôi và át chủ bài Việt Nam - Ảnh 3.

Ông Chung Mong-Koo trong vòng vây của phóng viên báo chí sau phiên tòa tháng 2/2007 (Ảnh:AFP)

Cho đến nay, ông Koo vẫn được xem là một trong những doanh nhân hàng đầu của xứ sở kim chi nhờ những đóng góp đặc biệt cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp ô tô vào nền kinh tế quốc gia.

Tháng 10/2020, sau hơn 20 năm lãnh đạo tập đoàn Hyundai Motor, ông Chung Mong-Koo chính thức chuyển giao toàn quyền lãnh đạo nhà sản xuất ô tô lớn nhất Hàn Quốc cho cậu con trai duy nhất của mình là Chung Eui-sun, còn bản thân vẫn giữ chức vụ chủ tịch danh dự.

Trên bảng xếp hạng Forbes, ông Chung Mong-Koo xếp thứ 8 trong danh sách 50 người giàu nhất Hàn Quốc năm 2021 với khối tài sản ròng là 5.9 tỷ USD vào tháng 6/2021.

CHỦ NHÂN MỚI CỦA CHIẾC NGAI VÀNG TẠI HYUNDAI

Ngày 14/10/2020 đã đi vào lịch sử của Hyundai Motor khi tập đoàn sản xuất ô tô lớn nhất Hàn Quốc này chứng kiến sự thay đổi chủ nhân của chiếc "ngai vàng" đầy quyền lực.

Với sự thống nhất cao trong một cuộc họp bất thường, tất cả thành viên hội đồng quản trị đã nhất trí bầu ông Chung Eui-sun làm Chủ tịch tập đoàn Hyundai Motor thay thế cha mình là ông Chung Mong-Koo đã quyết định "nghỉ hưu" vì lý do sức khỏe. Tuy nhiên, việc ông Chung Eui-sun "lên ngôi" không có gì là bất ngờ đối với công chúng và giới truyền thông xứ Hàn bởi việc cha truyền con nối là "chuyện thường ngày ở huyện" tại các chaebol (tập đoàn gia đình) ở xứ sở kim chi.

Chủ nhân mới của chiếc ngai vàng Hyundai, vĩnh biệt vị thế theo đuôi và át chủ bài Việt Nam - Ảnh 4.

Mặc dù phải đứng dưới cái bóng quá lớn của cha mình suốt một thời gian dài tại tập đoàn Hyundai Motor, tuy nhiên, ông Chung Eui-sun được giới lãnh đạo trong lĩnh vực sản xuất xe ô tô đánh giá là "có bản sắc riêng với đầu óc cởi mở, tư duy cải cách và tinh thần sáng tạo".

Điều này thể hiện rõ ở việc ông đã vượt qua được thách thức của "sức ỳ tâm lý" khi biến Hyundai từ một nhà sản xuất ô tô chuyên chạy "theo đuôi" các hãng xe khác để bứt phá trở thành một thương hiệu dẫn đầu xu thế với hàng loạt mẫu xe hiện đại chiếm lĩnh phân khúc xe ô tô trung – cao cấp, tách biệt hoàn toàn với dòng xe phổ thông giá bình dân mà các hãng xe đến từ Trung Quốc đang làm mưa làm gió trên thị trường.

"Trên cương vị Chủ tịch của Kia Motor, ông Chung Eui-sun tỏ ra tỏa sáng, được đào tạo kỹ càng nhằm chuẩn bị cho hành trình kế thừa đội ngũ lãnh đạo cấp cao thuộc thế hệ thứ ba của Hyundai". Đây là nhận xét của ông Park Yoo-kyung, giám đốc công ty APG Asset Management của Hà Lan có trụ sở tại Hong Kong, một doanh nghiệp có cổ phần trong các công ty trực thuộc của tập đoàn Hyundai.

Với tầm nhìn dài hạn và thái độ "dám nghĩ lớn - chơi lớn" của mình, ông Chung Eui-sun đã thành công khi "thổi" thương hiệu xe ô tô giá rẻ Kia ngày càng phát triển và được ưa chuộng trên thị trường trong nước cũng như nước ngoài.

Chủ nhân mới của chiếc ngai vàng Hyundai, vĩnh biệt vị thế theo đuôi và át chủ bài Việt Nam - Ảnh 5.

Ông Chung Eui-sun (thứ 2, từ bên phải sang) có công lớn trong việc đưa Hyundai thoát khỏi "lời nguyền" là nhà sản xuất xe ô tô bình dân để vươn lên thành hãng xe hơi hạng sang mang thương hiệu Genesis (Ảnh: Yonhap News)

Bên cạnh đó, ông cũng chính là "kiến trúc sư trưởng" đã có công giới thiệu thành công ra thị trường dòng xe cao cấp của Hyundai mang tên Genesis trong giai đoạn đảm nhận vị trí Phó chủ tịch Công ty Hyundai Motor. Đây là thương hiệu con chuyên về dòng xe cao cấp cạnh tranh "ngang cơ" với dòng xe sang Lexus của Toyota, Acura của Honda, Lincoln của Ford, Cadillac của General Motors hay Infiniti của Nissan.

Khi quay trở lại Hội chợ triển lãm xe hơi Detroit được tổ chức ở Mỹ vào năm 2011, ông Chung Eui-sun đã "tái định vị" hướng đi mới cho thương hiệu Hyundai của mình bằng khái niệm mang tên: "cao cấp hiện đại" (modern premium).

Cũng trong dịp này, Hyundai Motor chính thức ra mắt câu slogan mới: "New Thinking. New Possibilities" được sử dụng thống nhất trên phạm vi toàn cầu cho đến tận bây giờ.

"Mục tiêu của chúng tôi không phải là trở thành công ty sản xuất xe hơi lớn nhất mà là công ty sản xuất xe hơi được yêu thích nhất", ông Chung Eui-sun tuyên bố.

Chủ nhân mới của chiếc ngai vàng Hyundai, vĩnh biệt vị thế theo đuôi và át chủ bài Việt Nam - Ảnh 6.

Và để hiện thực hóa chiến lược đầy táo bạo này, vị Phó chủ tịch điều hành tập đoàn Hyundai Motor đã liên tục "trình làng" ra thị trường các mẫu xe ô tô thân thiện với môi trường, đồng thời không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác làm ăn với các công ty như Aptiv - nhà sản xuất phụ tùng ô tô chuyên về xe tự lái của Ireland và Grab, một trong những hãng xe công nghệ lớn nhất châu Á.

Khác với tính khí thất thường và đầy ngẫu hứng của cha mình, ông Chung Eui-sun lại là một con người điềm tĩnh, ấm áp và dễ gần trong đời thường, dù ông luôn tỏ vẻ nghiêm nghị và hiếm khi nở nụ cười mỗi khi xuất hiện trước công chúng. Và trong khi những vị lãnh đạo cấp cao trong các doanh nghiệp tại Hàn Quốc luôn bị cuốn vào vòng xoáy của hội chứng "nghiện việc" thì người đàn ông này lại biết cách thu xếp thời gian bận rộn của mình để có những giây phút quây quần vui vẻ cùng vợ và 3 đứa con vào những dịp cuối tuần.

Động thái "truyền ngôi" của ông Chung Mong-Koo cho con trai mình vào cuối năm 2020 diễn ra trong bối cảnh phức tạp của đại dịch Covid-19 khiến không chỉ tập đoàn Hyundai Motor mà cả các nhà sản xuất ô tô lớn khác trên thế giới đều đang lao đao với những khó khăn về tài chính gây tác động đến doanh thu bán xe toàn cầu.

Doanh số bán hàng của Hyundai Motor và Kia đã giảm 13% so với cùng kỳ năm 2019, chỉ đạt 6,35 triệu chiếc. Đây là mức thấp nhất Hyundai và Kia kể từ năm 2010 (với số lượng 5,74 triệu chiếc) và thấp hơn nhiều so với kế hoạch đặt ra vào tháng 1/2019 với 7,54 triệu chiếc.

Chính vì vậy, người ta đang đặt kỳ vọng lớn vào vị lãnh đạo mới của tập đoàn Hyundai Motor với những hướng đi mới đầy đột phá như: lập kế hoạch đầu tư 100 nghìn tỷ won trong 5 năm tới nhằm nỗ lực chuyển đổi từ một nhà sản xuất ô tô truyền thống thành một "công ty giải pháp di động" với việc phát triển công nghệ xe tự lái và công nghệ xe bay trong bối cảnh bị hãng xe điện Tesla cạnh tranh gay gắt.

Bên cạnh đó, Hyundai cũng đang đầu tư vào những lĩnh vực mới, bao gồm điện khí hóa, pin nhiên liệu hydro và robot nhằm đa dạng hóa hướng phát triển của mình trong giai đoạn đầy thách thức phía trước.

VIỆT NAM - THỊ TRƯỜNG TRỌNG ĐIỂM CỦA HYUNDAI CHO TOÀN KHU VỰC ĐÔNG NAM Á

Ban đầu, Hyundai chủ yếu tập trung vào việc nhập khẩu và phân phối các sản phẩm của mình vào thị trường Việt Nam từ năm 2009. Nhiều người tiêu dùng Việt thời bấy giờ vẫn phải "ngóng dài cổ" chờ đợi để được sở hữu những dòng xe bán chạy của thương hiệu xe ô tô này như i10, Elantra, Santa Fe nhập nguyên chiếc từ nước ngoài vào Việt Nam thông qua hệ thống các đại lý phân phối, trong đó có Hyundai Thành Công.

Trong các năm 2015 và 2016, thị phần xe du lịch do tập đoàn Thành Công phân phối đạt trên 18%, đứng thứ 2 tại thị trường Việt Nam và có sự tăng trưởng cao nhất cùng số lượng xe bán ra thị trường lớn nhất với các thị trường khác trong khu vực giúp đơn vị này được đánh giá cao nhờ thành tích kinh doanh ấn tượng của mình.

Nhờ vậy, vào tháng 3/2017, tập đoàn Hyundai Motor đã quyết định lựa chọn tập đoàn Thành Công của Việt Nam là đối tác duy nhất trong khu vực để hợp tác liên doanh sản xuất lắp ráp các dòng xe du lịch, đồng nghĩa với việc Hyundai Thành Công trở thành đơn vị duy nhất tại Việt Nam sản xuất, lắp ráp và phân phối tất cả các dòng xe mang thương hiệu Hyundai. Liên doanh mới của Thành Công với Hyundai Motor có tên gọi Hyundai Thành Công xe thương mại (HTCV)

"Sự hợp tác giữa tập đoàn ô tô Hyundai và tập đoàn Thành Công sẽ giúp chúng tôi cùng nhau tạo nên một sức mạnh hợp lực, một thương hiệu Hyundai thống nhất tại Việt Nam", ông Ik Tae Kim, Tổng giám đốc liên doanh HTCV cho biết.

Theo đại diện của HTCV, động thái này nằm trong chiến lược mở rộng sản xuất của tập đoàn Hyundai Motor trên thị trường toàn cầu. Khu vực Đông Nam Á luôn được Hyundai Motor đánh giá là một thị trường quan trọng và có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai khi các thị trường khu vực khác đang có dấu hiệu bão hòa.

Chủ nhân mới của chiếc ngai vàng Hyundai, vĩnh biệt vị thế theo đuôi và át chủ bài Việt Nam - Ảnh 7.

Phó Chủ tịch Tập đoàn Hyundai Motor Chung Eui-Sun tham quan dây chuyền lắp ráp tại Nhà máy Hyundai Thành Công Ninh Bình (Ảnh: TC Motor)

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch tập đoàn Thành Công đồng thời là Chủ tịch liên doanh HTCV cho biết, nhà máy sản xuất và lắp ráp xe thương mại Hyundai nằm trong tổ hợp sản xuất ô tô quy mô lớn tại Ninh Bình với công suất sản xuất khoảng 40.000 xe/năm. Nhà máy này được chuyển giao những công nghệ sản xuất, lắp ráp hiện đại bậc nhất của Hyundai trên toàn cầu với các công đoạn đều sử dụng Robot tự động, bán tự động giúp chất lượng xe xuất xưởng đồng đều, chính xác, đảm bảo theo tiêu chuẩn của Hyundai Motor.

Không chỉ dừng lại ở đó, tháng 9/2020, liên doanh này chính thức động thổ dự án đầu tư xây dựng nhà máy Hyundai Thành Công số 2 (HTMV 2) tại KCN Gián Khẩu (Gia Viễn, Ninh Bình) với tổng vốn đầu tư trên 3.200 tỷ đồng có công suất 100.000 xe/năm, giúp nâng tổng công suất sản xuất và lắp ráp xe Hyundai tại Việt Nam lên 170.000 xe/năm.

Chủ nhân mới của chiếc ngai vàng Hyundai, vĩnh biệt vị thế theo đuôi và át chủ bài Việt Nam - Ảnh 8.

Tập đoàn Hyundai Motor có nhiều hoạt động phục vụ cộng đồng tại Việt Nam. Trong ảnh là lễ khánh thành trung tâm Hyundai - Koica Dream tháng 2/2016, nơi cung cấp chương trình đào tạo cao đẳng, dạy các kỹ năng ngành xây dựng và công nghệ ô tô cho các học viên Việt Nam (Ảnh: Hyundai)

Với ông Chung Eui-sun thì trước khi chính thức nắm toàn quyền lãnh đạo tập đoàn Hyundai Motor vào tháng 10/2020, ông cũng đã từng 2 lần sang thăm và làm việc tại Việt Nam.

Tháng 4/2017, ông Chung Eui-sun đã đến làm việc với Đại lý Hyundai Phú Mỹ tại KCN Cát Lái (Quận 2, TPHCM). Chuyến đi này cũng đánh dấu lần đầu tiên một vị lãnh đạo cấp cao của Hyundai Motor đến thăm đại lý cung cấp xe thương mại trên toàn cầu.

Chỉ hơn một năm sau đó, vào tháng 6/2018, ông Eui Sun Chung tiếp tục có chuyến viếng thăm tại tập đoàn Hyundai Thành Công và dành thời gian đi tham quan thực tế nhà xưởng cũng như dây chuyền mới lắp đặt của nhà máy Hyundai Thành Công tại tỉnh Ninh Bình. Tại đây, ông bày tỏ sự kỳ vọng rằng, Hyundai Thành Công sẽ sớm trở thành một trong những nhà sản xuất và phân phối xe Hyundai hàng đầu trong khu vực, và là một thành phần quan trọng trong chuỗi cung ứng sản phẩm của Hyundai trên phạm vi toàn cầu.

Tin mới

iPhone của bạn sắp thành "đồ cổ"? Đây là điều bạn cần biết!
31 phút trước
Mọi sản phẩm công nghệ đều có giới hạn vòng đời. Apple cam kết hỗ trợ các thiết bị của mình ít nhất 5 năm sau khi ngừng bán, nhưng sau mốc thời gian này, chúng có thể bị phân loại là “hàng cũ”.
"Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hoà là đẩy lùi sinh hoạt 40-50 năm"
48 phút trước
Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất loại điều hoà nhiệt độ khỏi danh mục mặt hàng chịu thuế trong dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Cuộc chạy đua robot của các 'ông lớn' công nghệ ngày càng nóng, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng vừa nhanh chóng tham gia
35 phút trước
Thị trường này được dự báo sẽ đạt 38 tỷ USD vào năm 2035, với gần 1,4 triệu lô hàng.
FWD Việt Nam: Điểm sáng trong bảng xếp hạng môi trường làm việc 2024
1 phút trước
Công ty Bảo hiểm Nhân thọ FWD tiếp tục được vinh danh trong bảng xếp hạng Top 100 Nơi Làm Việc Tốt Nhất Việt Nam 2024, khẳng định vị thế hàng đầu trong thị trường lao động.
Doanh số tại Việt Nam tăng mạnh, Yamaha kiếm được bao nhiêu tiền?
7 phút trước
Trong Quý III/2024, Việt Nam là thị trường có tăng trưởng doanh số cao thứ 2 trên toàn thế giới của Yamaha.

Tin cùng chuyên mục

Trung Quốc vừa 'mở khóa' kho báu siêu khủng chứa hơn 1.000 tấn vàng, nguy cơ làm rung chuyển thị trường vàng thế giới
14 giờ trước
Mỏ vàng vừa phát hiện tại Trung Quốc ước tính chứa hơn 1.000 tấn vàng, trị giá 83 tỉ USD.
Hàng trăm nghìn tấn báu vật từ Canada đổ bộ Việt Nam với giá rẻ bất ngờ: Chi hàng tỷ USD nhập khẩu, nước ta tiêu thụ 10,4 triệu tấn mỗi năm
1 ngày trước
Nhập khẩu mặt hàng này từ Canada đã tăng mạnh 128% trong 9 tháng đầu năm.
Chỉ mất 3 năm để làm được điều Elon Musk cố gắng suốt 12 năm mới đạt được, Xiaomi làm rung chuyển ngành ô tô toàn thế giới
2 ngày trước
Xe điện của Xiaomi đang khiến cả thế giới ô tô phải bàn tán.
Giá cà phê đã có nhịp điều chỉnh giảm
2 ngày trước
Sau khi tăng vọt vào đầu tuần trước, giá cà phê đã có nhịp điều chỉnh giảm trong phiên giao dịch đầu tuần.