Về tình hình kinh tế xã hội năm 2018, theo Uỷ ban Kinh tế, đã diễn ra tương đối toàn diện. Tuy nhiên, Uỷ ban này đề nghị Chính phủ cần phân tích rõ hơn nguyên nhân khách quan, chủ quan trong việc đạt được các kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2018. Theo đó, làm rõ những yếu tố tích cực có tính chất đột biến và dài hạn để phục vụ tốt cho công tác điều hành kinh tế -xã hội năm 2019 và các năm tiếp theo.
Bên cạnh đó cần đánh giá kỹ kết quả, đóng góp của ngành du lịch trong thời gian qua để có những kinh nghiệm, bài học tốt góp phần phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Uỷ ban cũng đề nghị đánh giá đầy đủ thực trạng, nguyên nhân chủ quan của 11 nhóm vấn đề hạn chế chủ yếu, nhất là vấn đề mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới, cơ cấu lại một số ngành, lĩnh vực kinh tế chưa có nhiều chuyển biến rõ nét, còn yếu tố thiếu bền vững…
Về thu chi ngân sách, Uỷ ban cho biết việc thực hiện thu ngân sách nhà nước tăng cao và vượt khoảng 8% so với dự toán của Quốc hội, đặc biệt thu ngân sách trung ương là năm vượt dự toán sau 3 năm liên tiếp hụt thu. Chi NSNN, theo cơ quan này, cơ bản tuân thủ kỷ luật tài chính, đảm bảo kinh phí thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bội chi NSNN giảm so với dự toán, bằng 3,46% GDP.
Tuy nhiên, Uỷ ban cho biết nhiều ý kiến cho rằng kết quả thực hiện thu ngân sách năm 2018 còn thiếu tính bền vững, việc tăng thu phụ thuộc nhiều vào các nguồn thu ngắn hạn mà chưa thực sự phát huy từ các yếu tố cạnh tranh nội tại của nền kinh tế.
Do vậy, Uỷ ban này đề nghị báo cáo rõ hơn về việc tăng sản lượng khai thác khá lớn so với số đã báo cáo Quốc hội (tăng 240.000 tấn dầu thô). Bên cạnh đó, chất lượng công tác phân tích dự báo về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước để xây dựng dự toán ngân sách năm sau còn hạn chế, chậm được cải thiện.
Về hoạt động chi ngân sách nhà nước, Uỷ ban đề nghị làm rõ tình hình tồn ngân Kho bạc Nhà nước và biện pháp sử dụng hiệu quả nguồn vốn này, các biện pháp cơ cấu lại hệ thống quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Số chuyển nguồn vốn đầu tư công khá lớn, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm (chỉ đạt 75,8% so với dự toán Quốc hội giao) dẫn đến nguồn vốn đầu tư công tồn dư lớn, hiệu quả thấp. Một số nhiệm vụ chi giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường không đạt dự toán ở một số địa phương. Công tác triển khai chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm, có thể gây khó khăn, bị động trong quá trình tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình.
Về hoạt động doanh nghiệp, theo Uỷ ban, số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, hoạt động hoặc giải thể tăng cao, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và và doanh nghiệp ở các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn.
Bên cạnh đó, việc kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI còn thiếu hiệu quả, chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa tích cực về công nghệ và tạo ra năng lực sản xuất mới cho nền kinh tế, tình trạng chuyển giá, lỗ giả lãi thật, trốn thuế, gây thất thu ngân sách, tác động không tốt đến môi trường đầu tư của một số doanh nghiệp vẫn còn tồn tại, chưa được xử lý nghiêm và hiệu quả.
Do vậy, Uỷ ban cho biết có ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện chính sách ưu đãi đầu tư với doanh nghiệp FDI từ đó hoàn thiện thể chế chính sách về đầu tư nước ngoài.
Về môi trường kinh doanh, Uỷ ban cho biết theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, những cải cách của các Bộ, ngành, địa phương đã bước đầu đi vào cuộc sống nhưng còn chậm và không đều trên các lĩnh vực, có cải cách chưa mang lại hiệu quả thực chất, chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đầu tư tư nhân khó bứt phá bởi năng lực hoạt động, việc tiếp cận các nguồn tài chính còn hạn chế, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa phát triển…