Covid-19 tái xuất hiện với làn sóng mạnh chưa từng có ở Việt Nam, khiến cho việc thực hiện “mục tiêu kép” gặp thử thách hơn bao giờ hết.
“Phải dính mới hiểu, được thở tốt nhường nào”
Trần Thị Thái (tên nhân vật được thay đổi) là một bệnh nhân Covid-19. Đến nay, Thái đã phải cách ly, điều trị hơn 1 tháng.
Trò chuyện với PV. VietNamNet qua điện thoại, Thái kể về đến Việt Nam ngày 27/5 và thực hiện cách ly y tế theo quy định. Ngày 28/5, Thái được làm xét nghiệm, ngày 29 có kết quả. Người cùng phòng với Thái dương tính nên được đưa đi chữa trị, còn Thái vẫn âm tính. Vài ngày sau, Thái bắt đầu sốt, đau đầu, khó ngủ, đau toàn thân, tiêu chảy.
“Em chỉ ngủ và ngủ, đau toàn thân, đi bộ không nổi, không muốn ăn, không ngửi được mùi. Tiêu chảy 5 ngày liên tục”, Thái kể lại những ngày phát triệu chứng.
Covid-19 bùng phát dữ dội trong cộng đồng. Ảnh: Đoàn Bổng |
Xét nghiệm lại, Thái bị dương tính với Covid-19. Hiện cô vẫn phải tiếp tục điều trị vì xét nghiệm vẫn còn dương tính, dù vài lần trước đó đã âm tính.
Khi làn sóng Covid-19 lần thứ tư trở lại, đã không ít người chủ quan cho rằng, dịch bệnh này không nguy hiểm và “mặc kệ” các biện pháp phòng dịch được ngành y tế khuyến cáo
Trong khi đó, những số liệu kinh hoàng về số người chết vì Covid-19 ở Ấn Độ, Mỹ, Brazil, một loạt các nước châu Âu trước đây, Indonesia ... tiếp tục đổ về. Hơn 4 triệu người trên thế giới đã bỏ mạng vì nhiễm Covid-19.
Phải chăng, họ đã quên rằng ba giai đoạn trước, Việt Nam chống dịch tốt, số bệnh nhân ít nên được cứu chữa kịp thời, nguồn lực y tế vẫn đầy đủ. Thế giới có nhiều nước hàng chục triệu ca, y tế quá tải, thì tỷ lệ bị nặng hay tử vong cao hơn là bình thường. Nếu số lượng người nhiễm bệnh ở Việt Nam như các nước, hệ thống y tế vốn đã mong manh liệu có “vỡ trận"?
Diễn biến dịch Covid-19 ở Việt Nam tính đến trưa ngày 9/7 |
Ngay như các tỉnh bị ‘bùng dịch’ nặng như Bắc Giang, Bắc Ninh, rồi TP.HCM gần đây, để khống chế dịch thì đều cần huy động lực lượng từ các tỉnh khác chi viện. Nếu dịch lan tràn ra khắp nơi, ai sẽ chi viện được cho ai nữa?
Nằm trong phòng bệnh, Thái cũng tỏ ra hoang mang khi xem mạng xã hội, nhiều người quan điểm rằng Covid-19 không nguy hiểm. Thái nói thẳng: "Đừng bảo không nguy hiểm. Em chưa bao giờ bị thế, giống chết đi rồi hồi sinh. Nếu không kiểm soát tốt có thể biến chứng. Mà giờ chủng mới còn nguy hiểm hơn. Ai có bệnh nền nhanh 'đi' lắm. Khoẻ như em mà lúc đó cũng rất sợ hãi. Cảm giác như cơ thể con người đang lỗi đoạn nào, virus làm cho đoạn đó bùng phát mạnh mẽ hơn, sức khỏe suy sụp luôn".
“Cứ phải dính mới hiểu, mới biết được thở tốt nhường nào”, Thái đúc kết từ trải nghiệm không mong muốn của bản thân.
Chống dịch quyết liệt để bảo vệ mặt trận kinh tế
Những ý kiến lo lắng các biện pháp phong tỏa biện minh rằng phong tỏa sẽ khiến nhiều người bị đói, tăng trưởng GDP không còn, doanh nghiệp phá sản, kiệt quệ,... Họ dẫn ví dụ ở các nước tỷ lệ tiêm chủng đã trên 50%, trong khi ở Việt Nam, tỷ lệ tiêm chủng chỉ vỏn vẹn vài phần trăm và thường mới tiêm 1 mũi.
Nhìn TP.HCM phải vật lộn đấu tranh giữa chống dịch và bảo vệ sản xuất, duy trì đời sống người dân mới thấy mục tiêu chống dịch bệnh Covid-19 luôn luôn được đề cao và không bao giờ được mất cảnh giác. Các biện pháp thực hiện mục tiêu kép của TP.HCM gặp lực cản quá lớn từ một làn sóng lây nhiễm rộng chưa từng có. Cuối cùng, TP.HCM chấp nhận thực hiện giãn cách xã hội 15 ngày theo Chỉ thị 16, từ 0h ngày 9/7.
Giám đốc một doanh nghiệp viết: "Tôi ủng hộ đóng cửa cách ly tuyệt đối 15- 21 ngày để TP.HCM sớm yên bình trở lại, còn hơn cứ thế này".
Chỉ có chống dịch quyết liệt mới bảo vệ được khu vực sản xuất. Ảnh: Đoàn Bổng |
Khi dịch Covid-19 bùng phát ở Bắc Giang, tấn công các khu công nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cũng đứng trước thời khắc cân não.
Ông từng tâm sự: "Khi dịch vào khu công nghiệp (KCN), điều chúng tôi lo lắng nhất chính là ảnh hưởng tới quá trình sản xuất, đầu tư, vị thế của Bắc Giang trong chuỗi cung ứng toàn cầu... Chúng tôi phải đưa ra chiến lược là ưu tiên kiểm soát dịch, đóng cửa KCN nhưng không phải để làm mỗi việc dập dịch. Trước khi đóng cửa KCN, chúng tôi họp với toàn bộ doanh nghiệp. Các nhà đầu tư ở nước ngoài cũng tham gia họp trực tuyến".
“Có ý kiến cho rằng cần đóng cửa ngay, lại có người phản đối vì lo mất đơn hàng, bị phạt tiến độ, mất lợi thế cạnh tranh, công nhân phân tán,... Khi đó, tôi thuyết phục họ phải dừng sản xuất là để tập trung chống dịch, chữa cái nóng trước. Không thể duy trì sản xuất ổn định trong tình trạng dịch bệnh vẫn đe dọa. Các nhà đầu tư đều đồng tình với phương án này”, ông Lê Ánh Dương nói.
Khi ra quyết định đóng cửa 4 KCN, Bắc Giang cũng chưa thông báo ngày nào hoạt động trở lại. DN chất vấn, lãnh đạo tỉnh cho hay sẽ phấn đấu sau 2 tuần. Sau đúng hai tuần, các DN được hoạt động trở lại có lộ trình.
Giờ đây, Bắc Giang đã kiểm soát được tốc độ lây lan của dịch bệnh, đưa nhịp sống sản xuất, đời sống người dân trở về trạng thái “bình thường mới”.
So sánh giữa Bắc Giang, Bắc Ninh và TP.HCM - đầu tàu kinh tế của cả nước - có thể là một sự khập khiễng nhất định. Nhưng phương châm “chống dịch được đặt lên hàng đầu” của Bắc Giang, Bắc Ninh sẽ là chỉ dấu quan trọng để TP.HCM sớm trở lại sau những ngày thực hiện Chỉ thị 16.
Trong khi chờ vắc xin được tiêm chủng rộng rãi, việc thực hiện 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế và quyết liệt phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này vẫn phải được thực hiện nghiêm túc. Nếu không chính chúng ta phá bỏ thành quả chống dịch đạt được trong suốt hơn 1,5 năm qua. Khi đó, “mục tiêu kép” cũng chẳng thể nào thực hiện nổi.
Lương Bằng