Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra lộ trình cho các nhà mạng là ngày 15/9 các nhà mạng sẽ thực hiện chuyển đổi thuê bao 11 số về 10 số và yêu cầu các nhà mạng phải đảm bảo cho quá trình chuyển đổi này.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ có 5 doanh nghiệp viễn thông chuyển đổi mã mạng lần này. Cụ thể, thuê bao 11 số của mạng Viettel gồm các đầu số 0162, 0163, 0164, 0165, 0166, 0167, 0168, 0169 sẽ chuyển thành 032, 033, 034, 035, 036, 037, 038, 039.
Thuê bao 11 số của mạng MobiFone gồm các đầu số 0120, 0121, 0122, 0126, 0128 sẽ chuyển thành 070, 079, 077, 076, 078.
Thuê bao 11 số của mạng VinaPhone gồm các đầu số 0123, 0124, 0125, 0127, 0129 sẽ chuyển thành 083, 084, 085, 081, 082.
Thuê bao 11 số 0188, 0186 của Vietnamobile sẽ được đổi sang đầu số 056, 058. Thuê bao 11 số 0199 của Gtel sẽ được đổi sang đầu số 059. Việc chuyển đổi sẽ bắt đầu từ ngày 15/9/2018 và kết thúc vào ngày 30/6/2019.
Trong đợt chuyển đổi SIM 11 số thành 10 số, hiện tại, nhiều người dùng cho rằng giới đầu cơ SIM số đẹp của các nhà mạng là được lợi hơn cả.
Sau chính thức nhận được thông tin chuyển đổi các đầu số, nhiều người sử dụng các đầu SIM 11 số bắt đầu thấy… “đau đầu” mong chờ một giải pháp từ ngành ngân hàng hỗ trợ việc chuyển đổi các đầu số đã đăng ký các dịch vụ ngân hàng, tín dụng đi kèm với tài khoản thanh toán như SMS Banking, thông báo biến động số dư, mã OTP, Mobile Banking…
Tuy nhiên, trước thông tin vừa qua về việc các chủ thuê bao sẽ phải chủ động đến các điểm giao dịch của ngân hàng mình sử dụng để tự đăng ký thay đổi thông tin số thuê bao liên lạc thì nhiều người dùng chỉ còn cách… “than trời” vì chắc chắn sẽ tốn rất nhiều thời gian, chưa kể những rắc rối phát sinh để thay đổi lại toàn bộ các thông tin của mình liên quan đến các ngân hàng đang sử dụng.
“Trước đây tôi đã trót dùng một đầu số 11 số để đăng ký lập các tài khoản ở nhiều ngân hàng khác nhau để tiện nhận các thông báo chỉ về một đầu mối. Nếu như bây giờ các ngân hàng yêu cầu khách hàng phải tự đi đăng ký lại hết thì công việc kinh doanh của tôi chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Có thể nói như vậy vì khi số điện thoại chuyển đổi xuống 10 số thì thông báo của ngân hàng không biết có tự động chuyển tới số điện thoại của tôi nữa hay không dù tôi có ra từng ngân hàng đăng ký lại? Trong khi công việc của tôi không thể dừng lại các giao dịch trong nhiều ngày được. Những thiệt hại đó ai sẽ chịu trách nhiệm?”, anh Lê Vũ (Cầu Giấy, Hà Nội) lo lắng.
Trong khi đó với những người dùng SIM 11 số để giao dịch qua ngân hàng hiện tại đang "méo mặt" vì phải tự đi chuyển đổi thông tin thuê bao.
Trong khi đó, anh Vũ Văn Minh (Đống Đa, Hà Nội) cũng đang rất lo lắng khi nhận được thông tin tự mỗi khách hàng sẽ phải đến các ngân hàng đăng ký lại sau khi chuyển đổi SIM 11 số sang 10 số.
“Tôi đã sử dụng hai số điện thoại đầu số 11 số để dùng một số dịch vụ ví điện tử. Công việc của tôi chủ yếu là kinh doanh Online nên sẽ ảnh hưởng không nhỏ vì nói việc chuyển đổi số điện thoại ở đầu các ngân hàng còn liên quan đến hàng loạt các khách hàng của tôi.
Tôi sẽ phải thông báo lại cho khách toàn bộ, chưa kể hàng loạt các nhãn hiệu của tôi hiện đang kinh doanh cũng phải làm lại. Trong khi đó, việc hàng loạt người đến cùng đăng ký chuyển đổi tại ngân hàng chắc chắn sẽ ùn ứ hệ thống. Chưa kể đến những trục trặc trong giao dịch sẽ tốn không ít thời gian”, anh Minh lo âu về ngày phải đổi SIM 11 số sang 10 số sắp tới.
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, lo lắng là tâm trạng chung của rất nhiều người dùng... “trót” dùng SIM 11 số để đăng ký các dịch vụ liên quan đến ngân hàng vì nhiều người cho rằng, trong trường hợp này, nếu các ngân hàng chủ động xây dựng một hệ thống hỗ trợ khách hàng có thể chuyển đổi thông tin sẽ nhanh hơn thay vì yêu cầu khách hàng đi đến các ngân hàng “xác minh” và chuyển đổi lại các thông tin kê khai liên quan đến số điện thoại chuyển đổi sẽ rất phiền phức.
“Trong quá trình chuyển đổi từ 11 số sang 10 số, tiền của tôi vẫn còn trong tài khoản sẽ ra sao? Nếu có trục trặc, nhầm lẫn sẽ xử lý như thế nào? Tài khoản đã đăng ký mobile banking cần xử lý thế nào? Phương án này khách hàng gặp khó khăn gì? Có nguy cơ nào tiềm ẩn hay không? Đó là những vấn đề mà chúng tôi quan tâm bởi không thể chỉ nói “khách hàng tự đi đăng ký lại” mà không có các phương án giải quyết rủi ro cho khách hàng được”, chị Phạm Mai Trang (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết.
Trước những thắc mắc và lo lắng của nhiều khách hàng, đại diện một ngân hàng lớn có hội sở tại Hà Nội cho rằng, việc tự đến thay đổi số điện thoại thực tế hơi bất tiện cho người dùng. Tuy nhiên, người dùng cũng cần có sự chia sẻ bởi về nguyên tắc thì ngân hàng không được tự ý thay đổi thông tin khách hàng. Ngân hàng bắt buộc phải có ý kiến từ phía khách hàng do đó không còn cách nào khác là người dùng phải tự đi chuyển đổi thông tin cho chính mình để đảm bảo quyền lợi.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải cho biết, do vấn đề pháp lý, các thuê bao di động 11 số, sau khi chuyển về 10 số phải ra ngân hàng cập nhật lại số điện thoại kết nối các dịch vụ ngân hàng, thay vì việc các ngân hàng chủ động cập nhật thuê bao mới chuyển đổi cho khách hàng.
Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cũng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc nhiều lần với Ngân hàng Nhà nước. Ban đầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng dự kiến sẽ chuyển đổi tự động cho khách hàng. Tuy nhiên, sau khi xem xét toàn bộ các vấn đề pháp lý, việc này không thực hiện được bởi theo quy định, việc thay đổi số điện thoạt kết nối ngân hàng phải xuất phát từ người sử dụng. Vì vậy, những khách hàng đang sử dụng thuê bao di động 11 số để kết nối các dịch vụ ngân hàng như internet banking, dịch vụ SMS banking phải chủ động đến các điểm giao dịch thay đổi đầu số liên lạc.