Đó là chia sẻ của Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Lại Xuân Thanh về việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư toàn bộ cảng hàng không, không nên chỉ kêu gọi một hạng mục riêng biệt bởi không phải Cảng hàng không nào cũng mang lại nguồn lợi trực tiếp.
Sân bay Vân Đồn là mô hình xã hội hóa tốt. Nhà nước nên xã hội hoá kêu gọi đầu tư toàn bộ cảng, không nên chỉ kêu gọi một hạng mục riêng biệt.
Ngoài ra, ông Thanh cho biết, ACV chuẩn bị sẵn nguồn vốn đảm bảo việc đầu tư xây mới, nâng cấp, mở rộng hệ thống Cảng hàng không, trong đó có nhà ga T3 của sân bay Tân Sơn Nhất , cùng với giai đoạn 1 của dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành.
PV: Hàng không Việt Nam những năm qua được đánh giá có độ tăng trưởng “nóng”, việc đó đã tác động như thế nào đến hạ tầng hàng không, thưa ông?
Ông Lại Xuân Thanh: Theo dự báo, Việt Nam vẫn là một trong những thị trường hàng không trong thời gian tới có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới và câu hỏi đặt ra là vừa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, kinh tế xã hội vùng địa phương phục vụ du lịch... thì câu chuyện phát triển hàng không bền vững rất quan trọng.
Phát triển bền vững vận tải hàng không yêu cầu tất cả các khâu từ quản lý Nhà nước đến hạ tầng gồm sân bay, quản lý bay, dịch vụ hàng không, nhà ga, sân đỗ... để đảm bảo sự phát triển hàng không.
ACV ưu tiên tập trung đồng bộ dây chuyền hàng không và là một đơn vị tham gia vào một trong những mắt xích này. ACV được Nhà nước giao đầu tư xây dựng quản lý khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng sân bay đối với 22 Cảng hàng không. Trước mắt, ACV sẽ tập trung quản lý khai thác, duy trì hệ thống hiện tại khai thác một cách đồng bộ thông suốt đảm bảo an ninh, an toàn hàng không.
Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Lại Xuân Thanh: ACV luôn ủng hộ chủ trương xã hội hoá nhưng cần theo mô hình của Vân Đồn. |
Để phục vụ phát triển bền vững và lâu dài đó chính là đầu tư phát triển theo Quyết định 236/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong đó nêu rõ, ACV vẫn giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư xây dựng quản lý khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng sân bay. |
Để đầu tư phát triển phải có nguồn lực, Nhà nước đã có chính sách huy động mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng trong đó có hàng không. ACV vẫn phải đóng vai trò chủ đạo với tư cách một Tổng công ty lớn của Nhà nước được lập ra nhằm mục đích đầu tư kết cấu hạ tầng Cảng hàng không. ACV tự tin đã chuẩn bị sẵn nguồn lực để đáp ứng định hướng, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng Cảng hàng không, sân bay sắp tới.
PV: Hiện nay, có nhiều nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư vào hạ tầng hàng không. Tuy nhiên, việc xã hội hóa hàng không dường như vướng nhiều cơ chế, rào cản khiến nhà đầu tư khó có thể chen chân và chùn bước. Ông nghĩ gì về thực tế này?
Ông Lại Xuân Thanh: Xã hội hoá phải đảm bảo hài hòa lợi ích, lợi ích của các nhà đầu tư và lợi ích của xã hội. ACV luôn ủng hộ chủ trương xã hội hoá nhưng cần theo mô hình của Vân Đồn. Nhà nước nên xã hội hoá kêu gọi đầu tư toàn bộ cảng, không nên chỉ kêu gọi một hạng mục riêng biệt.
ACV tích lũy thêm nguồn vốn đầu tư khoảng 85.000-87.000 tỷ đồng để đầu tư Nhà ga T3 và sân bay Long Thành. |
Nếu một cảng hàng không mà cắt từng hạng mục thương mại xã hội hóa sẽ dẫn đến ảnh hưởng kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư của ACV. Đơn cử như Cảng hàng không Điện Biên được tỉnh Điện Biên đề xuất tổng số vốn đầu tư xây dựng là khoảng gần 5.500 tỷ đồng trong đó 3.770 tỷ đồng để làm khu bay, còn đề xuất đầu tư công-tư (PPP) nhà ga 1.700 tỷ đồng, rõ ràng Nhà nước phải gánh phần lớn nguồn vốn khu bay, rất khó thu hồi. Nếu được Nhà nước giao, ACV sẵn sàng đảm nhận toàn bộ khu bay và nhà ga. |
Bên cạnh nguyên tắc một cảng hàng không, một nhà khai thác, khi Nhà nước giao quản lý khai thác Cảng hàng không phải có trách nhiệm lập kế hoạch đầu tư phát triển mở rộng, nếu chỉ xã hội hóa một Cảng hàng không có nhà khai thác rồi mà chỉ xã hội hóa hạng mục mang tính thương mại thì rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến sự duy trì phát triển ổn định của cả cảng hàng không, bao gồm tất cả các thành tố khu bay và các hạng mục thương mại khác.
Không phải Cảng hàng không nào cũng mang lại nguồn lợi trực tiếp. Nhà nước phải duy trì toàn bộ các cảng, trong đó có những cảng hàng không địa phương chỉ mang lại hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội cho địa phương chứ không cho lợi ích của chính cảng hàng không đó.
Chuẩn bị sẵn 1,5 tỷ USD đầu tư sân bay Long Thành
PV: Đây có phải lý do ACV vẫn quyết tâm đầu tư vào sân bay Nà Sản, Điện Biên, dù lợi nhuận cực thấp, thậm chí là gánh nặng cho ACV trong tương lai?
Ông Lại Xuân Thanh: ACV là Công ty cổ phần nhưng vẫn là doanh nghiệp Nhà nước, vì Nhà nước chiếm 95,4% vốn nên thực hiện nhiệm vụ chính trị Nhà nước giao đó là phát triển tổng thể mạng lưới kết cấu hạ tầng Cảng hàng không, sân bay chứ không phải chỉ những Cảng hàng không đem lại lợi nhuận tài chính như Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, sắp tới là Cam Ranh, Cát Bi, Phú Quốc... Còn lại vẫn phải duy trì một hệ thống theo đúng quy hoạch của Nhà nước đó là đến năm 2020 có 23 Cảng hàng không, năm 2030 có 28 Cảng hàng không. Hạ tầng được quy hoạch và các hãng hàng không phát triển dựa trên quy hoạch đó.
Mô hình sân bay Long Thành trong tương lai. |
Hàng không về mặt khai thác có 2 đầu (sân bay đi và đến), với vai trò ý nghĩa của một Cảng hàng không như Điện Biên thì bài toán đem lại nguồn lợi tài chính là khó khăn và không biết bao giờ hoàn vốn. Tuy nhiên, Cảng hàng không này có vai trò hết sức to lớn trong việc phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng cho khu vực Tây Bắc. Như vậy, nguồn lực đầu tư có thể là từ ngân sách Nhà nước hoặc bằng các nguồn lực khác để đầu tư hạ tầng. |
PV: Mới đây Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã có văn bản trình Thủ tướng đề xuất cho ACV làm chủ đầu tư xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất. Vậy ACV đã chuẩn bị nguồn đầu tư nhà ga T3 và Cảng hàng không Long Thành như thế nào?
Ông Lại Xuân Thanh: Hiện ACV đã chuẩn sẵn 25.000 tỷ đồng và dự kiến giai đoạn 2019-2025, ACV tích lũy thêm nguồn vốn đầu tư khoảng 85.000-87.000 tỷ đồng để đầu tư Nhà ga T3 và sân bay Long Thành.
Về nguồn vốn cho sân bay Long Thành, trong tổng vốn 3,7 tỷ USD rót vào đầu tư bao gồm khu bay, hệ thống nhà ga, hệ thống công cộng giao thông nội cảng, cấp thoát nước, công trình đảm bảo an ninh an toàn hàng không, giao thông tiếp cận nối với cảng hàng không…ACV đang cân đối nguồn lực và dự kiến dành khoảng 45.000 tỷ (khoảng 1,5 tỷ USD), còn lại có thể vay thương mại, huy động vốn từ các định chế tài chính để đầu tư.
Đối với các hạng mục khác của Cảng hàng không Long Thành, ACV không kiến nghị đảm nhận mà để xã hội hóa, đó là các công trình phục vụ mặt đất, suất ăn hàng không, xăng dầu, bảo dưỡng sửa chữa tàu bay...
PV: Xin cảm ơn ông!