Năm 2023, tình hình kinh tế và chính trị trên thế giới được dự đoán có nhiều biến động. Do có độ mở lớn, nền kinh tế Việt Nam có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ.
Với kinh nghiệm đưa doanh nghiệp vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng kể từ khi thành lập năm 1995, Chủ tịch Tập đoàn Alphanam Nguyễn Tuấn Hải đã chia sẻ nhiều bài học tại buổi toạ đàm “Kinh tế 2023: Nhận diện và hành động của doanh nhân trẻ”, do Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội (HanoiBA) tổ chức.
"Trứng bỏ nhiều giỏ quá, cuối cùng không biết trứng ở đâu"
Alphanam có xuất phát điểm là một nhà thầu cơ điện, lần đầu đối mặt với khủng hoảng kinh tế vào năm 1997. Khi đó doanh nghiệp còn nhỏ bé, nhưng ông Hải cho biết tinh thần của doanh nhân trẻ đã trỗi dậy “giống như vùng lên ở chân tường”. Ông được trao giải thưởng Sao Đỏ đầu tiên năm 1999 sau những thành tựu đạt được cùng Alphanam.
Từ thách thức lớn đầu tiên này, vị Chủ tịch nhận định nếu doanh nghiệp chỉ làm một lĩnh vực sẽ rất rủi ro.
“ Vì vậy, tôi nghĩ rằng phải chia trứng ra nhiều giỏ, bắt đầu tinh thần mỗi năm xây một nhà máy, mỗi năm mở ra một lĩnh vực để làm đa ngành. Khẩu hiệu đa ngành trở thành kim chỉ nam cho hành động của Alphanam. Sau đó, chứng khoán đại thắng nên càng có nhiều tiền, càng đầu tư nhiều ”, ông Hải kể lại.
Tuy nhiên, tới năm 2013, Alphanam rơi vào thế khó thực sự. Lãi suất lên tới 24%, đặt ra thử thách cho triết lý đa ngành.
“ Từ đó, tôi rất dị ứng với từ đa ngành vì mình phải trả giá cho nó. Trứng bỏ nhiều giỏ quá, cuối cùng không biết trứng ở đâu, mất mát cũng nhiều ”, ông Hải bày tỏ.
Từ năm 2013 đến nay, Alphanam chuyển hướng từ làm đa ngành sang xây dựng chỉ 3-4 trụ cột. Nhờ đó, tập đoàn đã vượt qua được đại dịch Covid-19.
Ông Hải giải thích rằng với mô hình mới này, các trụ cột sẽ nâng đỡ cho nhau. Khi ngành khách sạn - du lịch và bất động sản tổn thất nặng nề, mỗi ngày mất tiền tỷ trả lãi ngân hàng, đồng thời phải trả cả gốc, nếu không có các trụ cột khác hỗ trợ sẽ phải trả giá rất lớn.
“ Tôi quay trở lại với sản xuất - một trong các trụ cột quan trọng để “khơi dòng chảy”. Trong vòng 3 năm Covid, tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất đã lên tới 450%. Tôi rút ra kết luận rằng trong khó khăn phải làm việc tập trung. Lúc đó một nghề thì sống, đống nghề thì chết ”.
“ Như vậy, đa ngành cũng đúng, nhất nghệ tinh - nhất thân vinh cũng đúng. Vấn đề là áp dụng tuỳ mỗi hoàn cảnh khác nhau. Khi khó khăn buộc phải tập trung cao độ, nhưng khi có cơ hội phải lan toả ”, Chủ tịch Alphanam chia sẻ.
Chủ tịch Tập đoàn Alphanam Nguyễn Tuấn Hải phát biểu tại toạ đàm. Ảnh: HanoiBA.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà – Tổng Giám đốc Tập đoàn Bảo Sơn cho biết họ cũng từng giống Alphanam khi đánh giá “đưa trứng vào nhiều giỏ thì an toàn”. Tuy nhiên, sau các cuộc khủng hoảng, Bảo Sơn nhận thấy không nên phát triển nóng mà phải phát triển bền vững, tập trung vào những sản phẩm cốt lõi mà doanh nghiệp đề ra, đồng thời giảm dần đầu tư.
“ Lúc đó, Bảo Sơn vẫn làm bất động sản, nhưng không tập trung vào sản phẩm đầu cơ, mà là sản phẩm thực sự đến tay người tiêu dùng. Nhu cầu thị trường lúc nào cũng có, nên khi đi đúng hướng sản phẩm vẫn ra. Doanh nghiệp sống được là nhờ nguồn tiền lưu thông. Khi có dòng tiền này, sức khoẻ của doanh nghiệp sẽ được đảm bảo ”, bà Hà phát biểu.
"Biến thịt thành lạp sườn"
Tiếp tục chủ đề về bất động sản, ông Hải cho biết Alphanam cũng có những hướng đi riêng.
“ Nói ra thì nhiều người ném đá, nhưng năm nay tôi chỉ tập trung tiêu tiền thôi, không tính đến chuyện làm thế nào để bán được hàng, vì có cố cũng không bán được. Như vậy, tôi đang phải tìm cách biến thịt thành lạp sườn, làm ra những sản phẩm tích trữ được lâu dài và làm sao sống sót được 5 năm nữa mới bán ”, ông Hải chia sẻ thẳng thắn.
“ Vẫn có những phân khúc bất động sản có cơ hội. Tới nay mọi người mới nhắc nhiều đến chuyện sản phẩm phải hướng đến nhu cầu thật, còn chúng tôi đã đi sớm hơn trong việc đó. Bây giờ mọi người cũng mới nói đến chuyện phải xây nhà ở xã hội, thì tháng này chúng tôi có mấy nghìn sản phẩm để bán rồi. Như vậy, tầm nhìn rất quan trọng ”, ông nói thêm.
Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, lời khuyên của ông Hải là nên hợp tác với nhau để tìm kiếm các cơ hội và hợp lực cùng làm. Bên cạnh đó, trong lúc khó khăn, doanh nghiệp phải làm ra sản phẩm trở thành sự lựa chọn tốt nhất của khách hàng nhằm tạo ra dòng tiền. Để làm được điều này, phải có nguồn nhân lực tương ứng.
“ Phải luôn luôn suy nghĩ tích cực rằng trong nguy có cơ, hay nói đơn giản hơn là ớt thì cay, chanh thì chua, nhưng cho vào phở mới ngon. Đây cũng là gia vị để cuộc sống thêm sinh động ”, ông Hải kết luận.