Chủ tịch UBDN tỉnh Bến Tre, ông Cao Văn Trọng đã khẳng định như thế tại hội nghị môi trường đầu tư kinh doanh qua kết quả xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 khu vực đồng bằng sông Cửu Long vừa được tổ chức tại tỉnh này.
Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp
Trong phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ cho biết qua xếp hạng PCI cho thấy thế mạnh của vùng đồng bằng sông Cửu Long rõ nhất là tiếp cận đất đai dễ dàng, chi phí không chính thức thấp. Chỉ số cạnh tranh bình đẳng được đánh giá cao, hầu như không có sự phân biệt nào giữa doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Tuy nhiên, ông Lam cũng lưu ý, chỉ số chi phí gia nhập thị trường không còn nhiều tỉnh đứng đầu, tính minh bạch cũng chỉ có một tỉnh trong số 15 tỉnh, thành đứng đầu. Ngoài ra còn có một số hạn chế phát sinh như tình trạng mất cắp tài sản của doanh nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp đang hoạt động chỉ chiếm 8% tổng số doanh nghiệp cả nước, trong khi dân số toàn vùng trên 17 triệu.
Cụ thể hơn về con số này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết nếu chia số doanh nghiệp trên 10 ngàn dân thì đồng bằng sông Cửu Long đứng thứ hai từ dưới lên, 24 doanh nghiệp trên 10 ngàn dân.
Bên cạnh một số điểm sáng như tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, ông Tuấn cũng nhấn mạnh chi phí không chính thức là điểm mạnh truyền thống của vùng, bình quân doanh nghiệp phải chi trả chi phí không chính thức cả nước là 55%, vùng đồng bằng sông Cửu Long là 47%, trong đó thấp nhất là Bến Tre 38%.
Bên lề hội nghị, bình luận về con số này Chủ tịch UBDN tỉnh Bến Tre, ông Cao Văn Trọng nói doanh nghiệp địa phương không có thói quen đưa phong bì khi đến gặp chính quyền giải quyết công việc. Nhưng doanh nghiệp nơi khác đến, nhất là từ miền Bắc vào thì vẫn có thói quen đưa phong bì (chi phí không chính thức).
Ông Trọng quả quyết, chính quyền tỉnh này không "đòi" doanh nghiệp phải có phong bì khi giải quyết công việc mà luôn đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. PCI năm 2017 tăng 7 hạng so với 2016, từ 12 lên thứ 5 so với 2016 và 2018 tiếp tục tăng hạng lên vị trí thứ 4 không phải do năng lực cá nhân chủ tịch hay lãnh đạo tỉnh mà do sự yêu mến của doanh nghiệp.
Mỗi năm Bến Tre tổ chức 4 diễn đàn đối thoại với doanh nghiệp, cà phê doanh nhân được tổ chức hàng tháng, Chủ tịch thường xuyên trực tiếp tiếp dân và doanh nghiệp để lắng nghe và giải quyết vướng mắc, ông Trọng trao đổi.
Luôn xem doanh nhân là nhà tư vấn
Tại hội nghị, kinh nghiệm hay của một số tỉnh trong khu vực cũng được chia sẻ.
Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp, bà Phạm Ngọc Đào cho biết, chủ trương đồng hành với doanh nghiệp ở tỉnh này lan toả ra bộ máy từ sở ngành tới địa phương, đó là chìa khoá hỗ trợ doanh nghiệp tốt nhất.
Dù Đồng Tháp luôn ở top 5 bảng xếp hạng PCI nhưng bà Đào cho biết mỗi khi PCI công bố xong thì tỉnh đều tìm giải pháp để cải thiện những chỉ số còn thấp và đều mời doanh nhân đến thảo luận. Tại đây Chủ tịch tỉnh giao cụ thể cho các sở phụ trách các chỉ số, từ đó có giải pháp phù hợp.
Đồng Tháp luôn xem doanh nghiệp là nhà tư vấn chứ không phải doanh nghiệp đến chính quyền chỉ để giải quyết khó khăn, vì họ không chỉ nói đến khó khăn của một mình họ mà đó còn là khó khăn chung. Lãnh đạo tinh công khai số điện thoại, e-mail để người dân và doanh nghiệp phản ánh trực tiếp thông tin, đó cũng là giải pháp hiệu quả, bà Đào trao đổi.
Trao đổi ngay sau đó, ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, dù xếp hạng PCI vẫn top 10, nhưng tỉnh vẫn rất lo, năm nào cũng phân tích kỹ, nhất là chỉ tiêu thành phần thấp để cải thiện.
Ông Quang cũng chia sẻ một kinh nghiệm là trước đây doanh nghiệp có khó khăn thì họ đến uỷ ban, sau đó chưa hài lòng họ đến hội đồng nhân dân, đến tỉnh uỷ, rồi lên đến đoàn đại biểu Quốc hội. Sau đó Chủ tịch Quang có bàn với lãnh đạo tỉnh là tiếp dân và giải quyết công việc của doanh nghiệp thì có cả 4 cơ quan trên.
Để giảm chi phí cho doanh nghiệp, ông Quang cho biết thông tin về các dự án phải minh bạch, từ nguồn vốn rồi thời gian đầu tư và việc gì cấp trên cũng phải gương mẫu để cấp dưới nhìn vào.
Trao đổi kinh nghiệm về tiếp cận đất đai, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh An Giang Nguyễn Trọng Thành cho biết trước đây tỉnh này có 4 khó khăn lớn là đất manh mún, nếu tích tụ để phát triển công nghệ cao thì rất khó. Hai là ngân sách không được dồi dào, mở rộng các khu công nghiệp khó. Ba là dân số đông nên đất đô thị có giá cao, chi phí lớn nên doanh nghiệp ngại tiếp cận, có tâm lý e ngại và so sánh với các tỉnh lân cận. Khó nữa là ở một số dự án vừa cho chủ trương đầu tư xong thì đất lên giá.
Từ thực tế này An Giang đề ra giải pháp mang tính dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai, tạo quỹ đất cho cả giai đoạn 5 năm, từ 2016 đến 2020, chuyển từ bị động sang chủ động để có mặt bằng nhanh cho doanh nghiệp.
An Giang cũng đa dạng hoá nguồn vốn, không chỉ trông vào ngân sách để có quỹ đất sạch, rồi xây dựng đề án thuê lại đất của nông dân để cho doanh nghiệp thuê lại, ông Bằng trao đổi.
Từ kinh nghiệm của nhiều tỉnh, Giám đốc dự án PCI quốc gia, ông Đậu Anh Tuấn đúc kết: môi trường kinh doanh sẽ tốt hơn nếu mỗi tỉnh có nhiều quan chức đầu ngành "mất ngủ" vì trăn trở với công việc thuộc trách nhiệm của mình, vì mỗi công việc đều gắn với trách nhiệm cá nhân.