Chủ tịch tỉnh Bình Định quả quyết: "Những trường hợp này, sắp tới kiên quyết thu hồi".
Ông Phạm Anh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã nói như vậy tại Hội nghị công bố Quyết định giao chỉ tiêu đầu tư, phát triển năm 2024 đối với các khu, cụm công nghiệp , đi kèm thông điệp: "Phải làm bài bản, mới tồn tại được".
Hội nghị này, cũng có sự góp mặt của 3 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh, Nguyễn Tự Công Hoàng, Lâm Hải Giang và nhiều Giám đốc Sở, ngành quan trọng, Chủ tịch UBND các địa phương.
Đây là hội nghị diễn ra trong bối cảnh khá đặc biệt, khi Bình Định đã nhận diện được loạt tồn tại trong việc đầu tư, quản lý khu, cụm công nghiệp và là lần đầu tiên tỉnh này, giao chỉ tiêu đầu tư, phát triển cho từng khu, cụm công nghiệp trong tỉnh.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, vừa rồi HĐND tỉnh Bình Định giám sát về khu, cụm công nghiệp và nói rất "nặng" về việc quản lý, đặc biệt là trách nhiệm của chủ đầu tư.
Thậm chí, HĐND tỉnh còn yêu cầu thu hồi ngay một số chủ đầu tư, kể cả UBND cấp huyện và của doanh nghiệp.
Việc này, UBND tỉnh đã nhìn thấy loạt tồn tại và đang cho rà soát lại, với quan điểm "cho tất cả một cơ hội, để làm bài bản, nghiêm túc".
"Phải làm bài bản, nghiêm túc mới tồn tại được. Nếu không, thanh kiểm tra vào phát hiện sai phạm, rất nguy hiểm, nhẹ thì Uỷ ban bị kỷ luật, nặng thì có thể hình thức cao hơn. Còn doanh nghiệp bị thu hồi cũng chịu thiệt thòi, việc này phải hiểu để làm", ông Tuấn nói.
Vẫn theo Chủ tịch Bình Định, hiện nay, theo chỉ đạo của tỉnh, tất cả các doanh nghiệp cơ bản không làm ngoài, phải đưa hết vào cụm, khu công nghiệp.
Tuy nhiên, thực tế tỷ lệ lấp đầy cụm công nghịệp còn quá lâu, có tình trạng nhận xong để đấy, không làm.
Hạ tầng trong khu, cụm công nghiệp cũng làm rất chậm, có nơi không làm. Thậm chí, có doanh nghiệp "xí" đất xong để đấy rồi sang nhượng lại để kiếm tiền chênh lệch. Ông Tuấn gọi, đây là "điều nghiêm cấm", và sắp tới sẽ xử lý nghiêm.
Ông Phạm Anh Tuấn nhắc lại câu chuyện, một số cụm công nghiệp , khi tỉnh mời gọi nhà đầu tư về, lãnh đạo tỉnh, sở ngành địa phương cầu thị xuống tận nơi. Bên ngoài "miệng thì bảo đồng ý", nhưng sau đó lại "xà quần" với doanh nghiệp, khiến họ bỏ đi, không làm nữa.
"Tôi rất bực mình, những trường hợp này, sắp tới kiên quyết thu hồi", ông Tuấn khẳng định.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, vấn đề về giá được đẩy lên cao hơn so với thực tế, dẫn đến việc khó thu hút đầu tư.
Hầu hết việc quản lý khu, cụm công nghiệp , sau khi thu hút được doanh nghiệp, cũng xuất hiện nhiều vấn đề, chỉ trừ khu công nghiệp Becamex là được đầu tư, bài bản.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, với điều kiện như hiện tại, Bình Định không có khả năng phát triển thêm khu, cụm công nghiệp . Do đó, sau khi giao chỉ tiêu đầu tư, tỉnh sẽ phải báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương để trình phương án quản lý, làm căn cứ để cho tỉnh mở thêm khu, cụm công nghiệp .
"Sẽ tập trung vào tỷ lệ lấp đầy, thu hút đầu tư, vấn đề về hạ tầng, môi trường và đặc biệt là giá thuê để đưa vào kê khai giá, ngăn tình trạng các đơn vị quản lý về khu, cụm công nghiệp lợi dụng thu hút đầu tư để nâng giá, sau đó thì không thu hút được doanh nghiệp", ông Tuấn yêu cầu.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh Bình Định nhận định, phải làm thật nghiêm quy chế quản lý trong khu, cụm công nghiệp . Các đơn vị phải tự điều chỉnh, trước khi tỉnh xuống xử lý.
Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh quản lý các khu công nghiệp, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp hoạt động.
Ông Phạm Anh Tuấn cũng giao nhiệm vụ, UBND xã, huyện phải vào cuộc để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Trong chỉ tiêu giao kế hoạch tỉnh giao cho các địa phương có chỉ tiêu giải phóng mặt bằng, nếu không hoàn thành sẽ bị xử lý.
Ông Phạm Anh Tuấn mong muốn các nhà đầu tư quan tâm giúp đỡ hai huyện còn gặp nhiều khó khăn là An Lão và Hoài Ân triển khai, đầu tư thêm các cụm, khu công nghiệp tại địa bàn này, để hai huyện từng bước thu hẹp khoảng cách với các địa phương khác.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh Bình Định khẳng định, UBND tỉnh cùng các sở, ngành sẽ luôn đồng hành, sẵn sàng tạo mọi điều kiện để giúp đỡ các doanh nghiệp, địa phương trong việc thực hiện phát triển kinh tế-xã hội.