Phát biểu trong phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam, ông Nguyễn Trung Chính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) và Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, Chủ tịch HĐQT/TGĐ Tập đoàn Công nghệ CMC đã hiến kế, đối thoại chính sách với Thủ tướng Chính phủ để kịp thời tháo gỡ các rào cản, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân và quá trình chuyển dịch số nền kinh tế.
Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số, đó là điều không cần bàn cãi. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, tới năm 2025 kinh tế số sẽ đóng góp 23 nghìn tỷ USD, chiếm 25% GDP cho nền kinh tế toàn cầu.
Ông Chính đưa ra câu hỏi: "Việt Nam ở đâu?", sau đó ông cho biết: "Diễn đàn đã đưa ra kiến nghị, chúng ta đang chậm so với thế giới và chậm so với khu vực. Vì ở trong khu vực, đã có các nước tuyên bố về quốc gia số là Singapore, Malaysia và Thái Lan, và thậm chí Campuchia cũng đã tuyên bố. Vậy chúng ta đang rất chậm".
Chuyển đổi số là con đường duy nhất để Việt Nam rút ngắn được khoảng cách với các quốc gia phát triển, thoát bẫy thu nhập trung bình. Nếu chúng ta muốn hướng tới năm 2045 Việt Nam sẽ trở thành quốc gia hùng cường, thì đây chính là con đường.
Ông Nguyễn Trung Chính đại diện cho các doanh nhân tư nhân nêu ra 3 kiến nghị cho chính phủ. Thứ nhất là cần đẩy nhanh và hoàn thiện thể chế pháp lý cho kinh tế số phát triển. Thứ hai là cần nghiên cứu về việc có nên xây dựng Bộ Kinh tế số, hay Ủy ban quốc gia về điều phối các hoạt động kinh tế số. Thứ ba là Chính phủ nên bỏ bớt việc và “giao việc” cho khối tư nhân, cái gì tư nhân có thể làm thì hi vọng chính phủ mạnh dạn để tư nhân làm, giảm đi phần “làm thay” từ phía các cơ quan nhà nước.
Với khát vọng Việt Nam trở thành quốc gia số trong khu vực, ông thay mặt khối tư nhân nói lên nguyện vọng muốn xây dựng Việt Nam trở thành "digital hub" của khu vực - trung tâm của khu vực về chuyển đổi – kết nối – lưu trữ – cung cấp dịch vụ số. Ông Chính khẳng định: "Tư nhân cũng như các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể làm được điều đó"!
Cũng liên quan đến việc chuyển đổi số và chuyển đổi các mô hình kinh doanh mới, bà Trương Lý Hoàng Phi - nhà sáng lập và Cố vấn Chiến Lược của BSSC, Tổng giám đốc Vintech City đưa ra hai kiến nghị. Một là nâng cao vai trò của các tổ chức trung gian khởi nghiệp. Các tổ chức này sẽ là đầu mối để trình các chương trình thí điểm cho những mô hình kinh doanh mới. Hai là có chính sách ưu đãi thuế cũng như chính sách ưu đãi khác cho các tổ chức trung gian khở nghiệp tại Việt Nam để khuyến khích các tổ chức này phát triển.
Ông Nguyễn Trung Chính cũng đã chủ trì phiên thảo luận xoay quanh chủ đề “Khu vực tư nhân hiến kế cho phát triển kinh tế”, tại đây 23 đại biểu đến từ cơ quan quản lý và các doanh nghiệp tư nhân đã đóng góp ý kiến trong 5 lĩnh vực chính: Thiết lập mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế số, Phát triển hạ tầng số, Xây dựng và phát triển dữ liệu mở tại Việt Nam, Giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, Thiết lập xác thực – định danh điện tử, an ninh an toàn thông tin tại Việt Nam. Đây là phiên thảo luận được tổ chức đặc biệt nhằm phát huy nguồn lực, tiếng nói, trí tuệ và sự ủng hộ mạnh mẽ của khu vực tư nhân trong giải quyết các vấn đề then chốt trong phát triển kinh tế số.