Mới đây đã diễn ra hội thảo “Thúc đẩy tài chính toàn diện hướng tới phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam” do Tạp chí Ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức dưới sự chủ trì của Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh.
Tham gia thảo luận "Giải pháp thúc đẩy tài chính toàn diện hướng tới phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam", ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opBank) cho biết, với thông điệp "không để ai bị bỏ lại phía sau", mô hình hệ thống TCTD là hợp tác xã bao gồm Co-opBank và hệ thống Qũy tín dụng nhân dân (QTDND) được đánh giá là mô hình tương trợ cộng đồng có sứ mệnh phù hợp với mục tiêu tài chính toàn diện.
Tham gia vào Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, hệ thống Tổ chức tín dụng là hợp tác xã bao gồm có Co-opBank với 32 chi nhánh và gần 1.200 QTDND, với khoảng 2 triệu thành viên, tổng nguồn vốn khoảng gần 200 ngàn tỷ đồng, trong đó cho vay khoảng trên 150 ngàn tỷ đồng, chủ yếu cho vay khu vực nông nghiệp nông thôn. Hoạt động của hê thống QTDND và Co-opBank thời gian qua đã góp phần thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, NHNN về chính sách đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; chính sách "tam nông", đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, qua đó góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và hạn chế tín dụng đen ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Đặc điểm sứ mệnh của Co-opBank và hệ thống QTDND rất phù hợp với thông điệp của tài chính toàn diện, sinh ra vì thành viên, hướng đến phục vụ các đối tượng yếu thế khó tiếp cận được với các dịch vụ tài chính, ngân hàng, đặc biệt là những người dân vùng sâu, vùng xa, với chi phí hợp lý và thuận tiện nhất. Tuy nhiên, để khai thác được thế mạnh của hệ thống, cần phải tập trung thực hiện 3 mục tiêu lớn, đó là:
Thứ nhất, tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý cho hệ thống QTDND và Co-opBank, đưa các QTDND về đúng với mục đích ban đầu là tương trợ các thành viên phát triển sản xuất kinh doanh và đời sống, để làm sao khai thác được nguồn vốn tại chỗ và cho vay tại chỗ, đặc biệt là nhằm hướng đến mục tiêu Chiến lược tài chính toàn diện Quốc gia đưa ra là phát triển các dịch vụ tài chính sâu, rộng, phủ khắp các vùng, phục vụ thành viên, bà con nông dân những nơi có QTDND và Co-opBank hoạt động. Bên cạnh đó là cơ cấu mô mình tổ chức hoạt động; tự hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý hoạt động của Co-opBank, đảm bảo Co-opBank phát huy tốt vai trò của mình là Ngân hàng của các QTDND, đầu mối trong việc kết nối các TCTD, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng như toàn hệ thống QTDND, thực hiện sứ mệnh NHNN giao cho, là công cụ hữu hiệu của NHNN hỗ trợ hệ thống QTDND hoạt động an toàn, ổn định và đặc biệt hỗ trợ hiệu quả cho các thành viên QTDND;
Thứ hai, tăng cường năng lực tài chính thông qua hỗ trợ của Nhà nước và tự cố gắng của Co-opBank và các QTDND; tăng cường ứng dụng công nghệ và đẩy mạnh chuyển đổi số. Trong bối cảnh chuyển đổi số sâu và rộng, chắc chắn hệ thống QTDND và Co-opBank không thể đứng ngoài bối cảnh này. Đối với QTDND để tự chuyển đổi là rất khó, do tiềm lực và tài chính còn rất hạn chế, khoảng cách địa lý lại xa nhau, do đó đòi hỏi trách nhiệm của Co-opBank trong việc đầu mối, hỗ trợ chuyển đổi số. Hiện Co-opBank đã kết nối mạng lưới thanh toán đối với 700 QTDND, sắp tới sẽ đưa vào khai thác hệ thống Mobile Banking cũng như hệ thống thanh toán nhanh kết nối qua Cổng thanh toán quốc gia NAPAS, hệ thống thẻ chíp và các sản phẩm ngân hàng hiện đại;
Thứ ba, thay đổi tư duy nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong hệ thống. Muốn chuyển đổi số thì phải thay đổi tư duy và đào tạo liên tục, bài bản nâng cấp hệ thống quản trị, tái cơ cấu tổ chức để có thể phù hợp với Chiến lược phát triển của Ngành cũng như Chiến lược tài chính toàn diện.