Với các doanh nghiệp Việt Nam – thì ERP (Enterprise Resource Planning) hay nôm na là hệ thống phần mềm quản trị các nguồn lực của doanh nghiệp là thứ mà họ vừa yêu vừa hận. Bởi, nếu ứng dụng ERP thành công, doanh nghiệp sẽ bước sang một trang mới – chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả hơn; còn nếu thất bại, sẽ ‘tiền mất tật mang’.
Thế nên, những câu hỏi ví dụ như: có nên đầu tư vào ERP hay không?, khi nào cần đầu tư?, nên mua sản phẩm trong nước hay quốc tế?...; là những câu hỏi canh cánh của không ít doanh nghiệp Việt, nhất là những doanh nghiệp vừa và lớn.
"Theo quan điểm của tôi, nếu chúng ta không muốn có một doanh nghiệp phọt phẹt linh tinh thì nên đầu tư hệ thống ERP, thời điểm thích hợp là khi doanh thu khoảng vài trăm triệu một tháng. Bây giờ bà bán cà phê còn biết dùng phần mềm MISA, thì doanh nghiệp cũng phải biết dùng ERP, nếu muốn vươn xa, bỏ ra vài trăm hoặc vài chục triệu đồng để đầu tư phần mềm ERP tương thích là điều cần thiết.
Ngoài ra, nên ưu tiên xài hàng Việt nếu quy mô doanh nghiệp không thật sự rất lớn hoặc không có ý định kêu gọi đầu tư nước ngoài", ông Lê Đức Nghĩa – Chủ tịch Gỗ An Cường gợi ý.
Theo vị Chủ tịch này, sở dĩ ông nói thế là bởi những kinh nghiệm đầu tư vào phát triển hệ thống ERP cho chính doanh nghiệp của mình trong 20 năm qua.
Năm 2000, Gỗ An Cường lần đầu ứng dụng hệ thống ERP chuyên nghiệp của đối tác trong nước Bravo, lúc đó doanh nghiệp có khoảng 1.000 công nhân và doanh thu tầm 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, 3 năm sau, do phát triển quá nhanh, hệ thống ERP của Bravo không còn đáp ứng đủ nhu cầu của Gỗ An Cường, với 500 người dùng thường xuyên, doanh số 4.000 đến 5.000 tỷ đồng; buộc họ phải chuyển sang dùng hệ thống ERP của ông lớn quốc tế SAP.
Hiện tại, Gỗ An Cường vẫn đang sử dụng ERP của SAP sau nhiều lần nâng cấp. Ngoài ra, họ còn dùng thêm 4 đến 5 phần mềm khác cho từng tác vụ cụ thể và đấu nối với ERP của SAP. ERP là hệ thống quản trị tổng thể, nên muốn đi vào chi tiết doanh nghiệp cần mua thêm, chỉ cần nói nhà cung cấp là ‘cho tôi cổng tương thích với ERP đang sử dụng là được".
Sau vài chục năm sử dụng ERP, ông Lê Đức Nghĩa đã rút ra những kinh nghiệm như sau.
Ông Lê Đức Nghĩa
Đầu tiên, nếu đã quyết định đầu tư hệ thống ERP thì không nên suy nghĩ nhiều. Triển khai ERP không khó, chỉ cần chúng ta chấp hành đúng trình tự các bước như A, B, C, D và hoạch định chiến lược rõ ràng ngay từ đầu. Giám đốc nên là trưởng ban quản lý dự án, phải là người quyết định tất cả, như kiểu phụ huynh phải luôn lăn lộn và trăn trở nuôi con như thế nào. Trong 2 lần triển khai các hệ thống ERP của Bravo cùng SAP, ông Nghĩa đều là trưởng ban quản lý dự án. Phải có sự giám sát chặt chẽ của người lãnh đạo cao nhất hoặc ông chủ doanh nghiệp thì bên dưới mới không làm bậy.
Thứ hai, ai chống đối việc triển khai ERP nhất chính là người có nhiều gian dối và khuất tất nhất. Bởi, khi triển khai ERP mọi thứ gần như minh bạch – rõ ràng, không thể giấu được những việc tiêu cực.
Thứ ba, các doanh nghiệp nên cân nhắc dùng các sản phẩm ERP của Việt Nam thay vì quốc tế như Gỗ An Cường. Vì nhiều lý do và vấn đề, nên doanh nghiệp gỗ lớn nhất Việt Nam này buộc phải sử dụng SAP từ năm 2003 đến bây giờ. Hiện tại, theo quan sát của ông Nghĩa, các doanh nghiệp trong mảng ERP đã phát triển đủ lớn mạnh có thể đáp ứng nhu cầu của đủ loại quy mô doanh nghiệp, chứ không như trước đây.
"Sở dĩ tôi nhiều lần nhấn mạnh rằng: các doanh nghiệp Việt không nên sính ngoại là bởi đầu tư hệ thống ERP của các ông lớn quốc tế như SAP, Oracle tốn rất nhiều tiền và không quá tương thích với doanh nghiệp Việt, nên tỷ lệ triển khai thành công chỉ 50 – 50. Có thể nói, chúng tôi đã phải ‘trầy da tróc vảy’ mới không bị ‘tiền mất tật mang’", ông Nghĩa khẳng định.
Hồi năm 2003, trước khi đầu tư ERP, Gỗ An Cường không thuê tư vấn triển khai ERP mà có thuê người đến tư vấn chung chung. Lúc đó, công ty tư vấn khuyên họ nên đổi qua hệ thống ERP quốc tế nếu muốn kêu gọi đầu tư quốc tế, vì nếu có ERP chuẩn quốc tế doanh nghiệp sẽ được định giá cao hơn 10%. Tuy nhiên, trước khi áp dụng ERP chuẩn quốc tế, Gỗ An Cường cần phải tái cấu trúc doanh nghiệp để phù hợp với quy định của những hệ thống này và họ đã tốn ½ triệu USD cho việc đó.
Tức là, do các hệ thống ERP quốc tế đề cao sự chuẩn chỉnh nên nếu các doanh nghiệp Việt không có cấu trúc chuẩn chỉnh quốc tế và cũng không thuê công ty tư vấn tái cấu trúc như Gỗ An Cường đã làm, thì nguy cơ triển khai thất bại rất cao. Ông Nghĩa đưa ra ví dụ: doanh nghiệp gỗ nội thất hàng đầu như AA hay cơ khí Đại Dũng đã không thành công khi triển khai các hệ thống ERP quốc tế dù đã đổ vào rất nhiều tiền.
"Thế nên, nếu là doanh nghiệp SMEs, các bạn đừng phí tiền đầu tư vào ERP quốc tế nếu không muốn sống dở chết dở. Theo tôi, các phần mềm ERP Việt Nam sẽ phù hợp hơn, vì phần lớn nhà phát triển ERP Việt khá ‘chiều chuộng’ doanh nghiệp, nên triển khai gần như thành công 100%.
Tuy nhiên, có điều dở là, ‘chiều chuộng’ quá lắm khi không tốt. Bởi điều đó khiến các hệ thống ERP bị xé nát ra làm hư tổng thể và cấu trúc chuẩn của phần mềm. Theo đó, trong khi phần mềm ERP quốc tế là không sửa được, thì của Việt Nam lại có thể, khiến nguy cơ xảy ra tiêu cực cao", Chủ tịch Gỗ An Cường khẳng định.
Điều quan trọng nữa, ERP quốc tế tốn kém rất nhiều so với ERP Việt Nam. Như đã nói ở trên, sau khi bỏ nửa triệu USD để tái cấu trúc doanh nghiệp phù hợp với chuẩn quốc tế, Gỗ An Cường tiếp tục bỏ ra thêm triệu đô nữa để mua phần mềm ERP của SAP, rồi mỗi năm họ còn tốn thêm vài tỷ đồng cho tiền bản quyền, nuôi đội IT vận hành hệ thống…