Phát biểu tại buổi làm việc do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì ngày 30/3, ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco Việt Nam đã đồng ý cam kết đồng hành giảm giá lợn xuống 70.000 đồng/kg từ 1/4.
Nói về ngành chăn nuôi lợn, ông So nhận định, trong 1 thập kỷ qua, ngành chăn nuôi, đặc biệt chăn nuôi lợn khó phát triển ổn định do liên tiếp phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có trong lịch sử.
Năm 2017, cuộc khủng hoảng rớt giá lợn thê thảm nhất trong lịch sử ngành chăn nuôi, có thời điểm bán bằng 50% giá thành sản xuất, khiến nhiều doanh nghiệp phá sản và không đủ giá trị để tiếp tục đầu tư.
Bước sang năm 2019 do sự bùng phát của dịch tả lợn châu Phi, hàng triệu con lợn đã bị tiêu hủy. Người tiêu dùng quay lưng và tẩy chay thịt lợn. Chăn nuôi lợn không những đã càn quét hết vốn và ăn nát "sổ đỏ" của người dân. Doanh nghiệp bất lực do không còn sức để tái đàn, rồi một loạt khó khăn, thử thức về sức đề kháng của ngành chăn nuôi đã đặt ra.
Hiện nay, mặc dù chúng ta đã cơ bản khống chế được bệnh dịch tả lợn châu Phi khi có tới 99% số xã không phát sinh ổ dịch mới trong 30 ngày. Nhiều nơi đã bắt đầu thúc đẩy tái đàn lợn, giá cả phục hồi trong vài tháng gần đây đã giúp người chăn nuôi lấy được chút ít. Tuy nhiên, phát triển chăn nuôi lợn bền vững có lẽ là rất khó nếu Chính phủ không có những giải pháp hiệu quả, kịp thời.
Nói về chủ trương kiểm soát giá thịt lợn, ông So cho rằng: "Nếu làm tốt, chúng ta hoàn toàn có thể điều tiết thị trường, thậm chí có dư địa để xuất khẩu vì Việt Nam là nước nông nghiệp với quy mô chăn nuôi lợn rất lớn, nhiều năm liền đóng góp quan trọng cho tăng trưởng GDP cả nước".
Tuy nhiên, ông cũng nhắc lại bài học từ đợt khủng hoảng rớt giá lợn lịch sử của ngành chăn nuôi năm 2017. "Khi dư thừa nguồn cung do tăng đàn thiếu kiểm soát, chúng ta loay hoay tìm các giải pháp xuất khẩu lợn ra nước ngoài nhưng vẫn chưa thể tìm ra lối nào" - ông nói.
Do vậy, ông cho rằng việc nhập khẩu thịt lợn từ nước ngoài để tiêu thụ cho một nước nông nghiệp nhiều nơi còn xem là thuần nông thì không phải là giải pháp tích cực, căn cơ có thể giải quyết tận gốc vấn đề, thậm chí có thể gây tác động ngược làm bất ổn thị trường trong nước và triệt tiêu ngành chăn nuôi dễ bị tổn thương.
"Hiện nay, người dân đang tích cực tái đàn nếu quản lý không tốt thì sẽ sớm lặp lại điệp khúc giải cứu thịt lợn. Việc nhập khẩu thịt lợn lúc này tôi cho rằng lợi bất cập hại, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch rất cao trong khi chúng ta chưa có vaccine" - ông So nhấn mạnh.
Theo số liệu cập nhật từ Bộ NN&PTNT, chỉ riêng trong 3 tháng đầu năm, cả nước đã nhập khẩu hơn 39.191 tấn, tăng 312% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó nhập khẩu từ Canada 25,81%, Đức 20,59%, Ba Lan 13,77%, Braxin 9,68%, Hoa Kỳ 7,65%, Liên bang Nga 2,62%...
"Tôi cho rằng, đây là thời điểm các doanh nghiệp và Chính phủ phải thể hiện mạnh mẽ vai trò của mình trong trách nhiệm chăn nuôi và đồng hành cùng Chính phủ, Bộ NN&PTNT trong việc kiềm soát giá, nằm trong lộ trình thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững, bảo vệ thị trường trong nước.
Về lâu dài, phải tái đàn chăn nuôi theo hướng sắp xếp lại hệ thống cơ sở giết mổ, chế biến gia súc gia cầm theo hướng tập trung, công nghiệp gắn với chăn nuôi hàng hóa, đảm bảo vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm" - ông So phân tích.
Để tháo gỡ nút thắt đối với chăn nuôi lợn, ông So kiến nghị Chính phủ sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa mặt hàng này vào danh mục dự trữ quốc gia và bình ổn giá như Luật Chăn nuôi quy định thì chúng ta mới có đủ thiết chế, chế tài và nguồn lực để kiểm soát vấn đề này.
"Nhà nước cần xây dựng những kho dự trữ quốc gia làm điều kiện dự trữ, bảo quản thịt gia súc, gia cầm. Thực hiện mua vào sản phẩm an toàn khi giá thấp và có dịch bệnh; bán ra khi thị trường khan hiếm, giá cao nhằm bình ổn giá, đảm bảo an ninh thực phẩm và sức khỏe người dân" - ông So nói và nhấn mạnh chỉ có làm như vậy mới giữ được ổn định, không phải lo đi giải cứu.
Ông So cũng đề xuất đưa vật nuôi lợn, gia súc, gia cầm vào danh mục đối tượng đối tượng bảo hiểm nông nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có cơ chế thông thoáng, khuyến khích thu hút doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, ngân hàng tham gia vào lĩnh vực này.
Cùng với đó, các địa phương, ngành chăn nuôi phải tăng cường kiểm soát dịch bệnh nói chung, nhất là dịch tả lợn châu Phi, không chủ quan lơ là vì dịch vẫn chưa vaccine điều trị, người dân tái đàn sẽ rất rủi ro khi dịch bùng phát trở lại.
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi, giảm mạnh chi phí xét nghiệm, kiểm dịch; hạn chế thấp nhất việc dừng xe vận chuyển con giống, lợn thịt trên đường giao thông vừa phát sinh chi phí, vừa gây sốc, chết và hại cho sức khỏe vật nuôi.
Ông So cũng kiến nghị hỗ trợ tài chính, mặt bằng để các doanh nghiệp khôi phục, mở rộng quy mô do chu kỳ nuôi lợn dài hơn so với các vật nuôi khác, nhất là trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, đòi hỏi ngày càng cao về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, Luật chăn nuôi có hiệu lực, nhiều trang trại phải di dời; việc tìm địa điểm, xây dựng và đầu tư thiết bị sẽ cần nguồn lực lớn, đã trở thành thách thức đối với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần xây dựng chợ đầu mối, đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, chế biến rất cần thiết để kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm và giảm bớt khâu trung gian, hạ giá thành từ người sản xuất, kinh doanh; Rà soát, nghiên cứu, xây dựng chính sách bình đẳng cho các đối tượng doanh nghiệp.