Trong phiên thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội sáng nay (26/5), đại biểu Nguyễn Như So trong phần phát biểu của mình đã đặt ra các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao năng suất lao động và phát triển nông nghiệp Việt Nam. Ông gọi đây là ba mũi nhọn để giải quyết bài toán bền vững nền kinh tế.
Về kinh tế tư nhân, ông So cho biết năm 2017 đã có điểm nhấn rất quan trọng là Nghị quyết số 10 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Chính phủ với các Nghị quyết 19, 35 cũng đã cải thiện rất nhiều về môi trường kinh doanh, giúp doanh nghiệp tăng cả về số lượng và vốn đăng ký.
Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có khoảng 56% doanh nghiệp đăng ký đang hoạt động và chỉ có 47,3% hoạt động có lãi.
Bên cạnh đó, theo ông So, trong kết cấu phần vượt thu ngân sách chỉ chủ yếu từ tài nguyên đất, dầu thô, cổ tức lợi nhuận còn lại vắng bóng từ các DNNN, kinh tế tư nhân thì bị ví như đội quân thuyền thúng gặp gió sẽ khó có thể chịu đựng được.
Nguyên nhân là gánh nặng quá tải về chi phí, rào cản mô hình nhỏ lẻ, năng lực trình độ quản lý còn kém...
"Những điều này là căn nguyên khiến căn bệnh chậm lớn của doanh nghiệp đang kinh niên", chủ tịch Dabaco nói.
Để tháo gỡ nút thắt này, ông So cho rằng có 4 biện pháp. Thứ nhất, phải có cơ chế cắt giảm thủ tục hành chính, đặc biệt là giấy phép con.
Theo ông, nếu chỉ tính riêng 5.917 điều kiện kinh doanh chuyên ngành tại các cửa khẩu thì doanh nghiệp đã phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công, mất hàng nghìn tỷ mỗi năm.
Ông nhấn mạnh cần phải hoàn thiện thể chế, cải cách tài chính công, hành chính công như cách làm của Singapore thay vì đặt ra quá nhiều điều kiện trói buộc doanh nghiệp.
Thứ hai, ông So cho rằng phải đầu tư cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông nhằm giảm chi phí logistics đang quá cao. Theo đó, logistics Việt Nam đang cao gấp 2 lần các nước phát triển và đứng đầu trong khu vực, chiếm khoảng 20,9% GDP.
Thứ ba, vị đại biểu này đề nghị phải tạo được môi trường bình đẳng cho kinh tế tư nhân, đẩy mạnh cổ phần hoá DNNN cũng như bảo vệ quyền sở hữu tư nhân về tài sản để doanh nghiệp yên tâm kinh doanh lâu dài.
Cuối cùng là phải có những chính sách ưu đãi về vốn, về đào tạo cho các doanh nghiệp.
Về nâng cao năng suất lao động, đại biểu tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh đây là đòn bẩy của nền kinh tế, cần đặc biệt chú trọng. Theo đó, ông cho rằng cần phải nâng cao chất lượng đào tạo, cải thiện trình độ, chuyển dịch cơ cấu lao động.
Về nông nghiệp, ông Nguyễn Như So cũng đưa ra một số đề xuất để tái cơ cấu nông nghiệp như tổ chức lại sản xuất, cơ chế hoá lại nền sản xuất lớn, ứng dụng kỹ thuật số, phát triển các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng bày tỏ mong Chính phủ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Đồng thời, ông cũng cho rằng các cơ quan chức năng cần làm tốt công tác quy hoạch, gắn với thị trường chứ không phải hỗ trợ theo tín hiệu thị trường, tránh đối mặt với điệp khúc giải cứu như thời gian qua.