Tại phiên họp cổ đông thường niên năm 2020 cuối tuần qua, ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Dabaco nhận định lợi nhuận doanh nghiệp có thể đạt bằng vốn điều lệ (hiện là 911 tỷ đồng) với tình hình thị trường như hiện nay. Công ty cũng có thể trình điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cả năm (hiện ở mức 457 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế) để phù hợp với thực tế sản xuất.
Trước đó trong quý I, doanh nghiệp này lãi trước thuế 374,6 tỷ đồng, gấp 13 lần cùng kỳ năm trước. Lãi sau thuế tăng 16 lần lên 348 tỷ đồng, tương đương 74% kế hoạch được cổ đông thông qua.
Chủ tịch Dabaco nhận định theo quan sát của cá nhân ông, sau dịch tả lợn châu Phi, tổng đàn lợn cả nước đã giảm nhiều hơn số liệu thống kê, có thể ở mức 50% tổng đàn. Việc phục hồi có nhiều khó khăn. Một phần do sự nguy hiểm của dịch, dễ bùng phát trở lại, do đó các chuồng trại cần phải đảm bảo vệ sinh, khử trùng và đủ thời gian giãn cách thì mới có thể nuôi trở lại. Nguyên nhân khác vì luật chăn nuôi sửa đổi quy định về điều kiện chăn nuôi với các cơ sở cá nhân nhỏ lẻ, cũng siết lại việc tái đàn.
“Để tổng đàn trở về thời điểm trước dịch cần thời gian, ví dụ như Trung Quốc cần 18 - 24 tháng để hồi phục”, ông So nói. Với riêng Dabaco, tổng đàn năm nay dự kiến tăng 15%, là doanh nghiệp Việt có số lượng nuôi lớn nhất cả nước.
Việc đưa nhà máy sản xuất dầu ăn vào hoạt động được coi là động lực tăng trưởng mới của Dabaco, bên cạnh mảng chăn nuôi lợn đang đạt kết quả tốt. Ảnh: N.M
Về lợn giống, ông So cho hay đến nay doanh nghiệp vẫn chưa bán trở lại sau khi đã dừng phối giống từ năm trước do ảnh hưởng của dịch tả lợn, “hồi đó phối ra dân không ai mua”. Công ty dự kiến sẽ bán lợn giống trở lại từ tháng 5, 6 để phục vụ nông dân.
Với những yếu tố trên, ông So cho rằng đến hết năm 2020, thịt lợn khó có thể quay về giá rẻ được. Dù có chính sách nhập khẩu, giá thịt lợn thế giới cũng đắt ngang Việt Nam, nên việc nhập khẩu cũng khó đáp ứng đủ. “Không quốc gia nào chuẩn bị thực phẩm trước đại dịch và đủ để mang đi xuất khẩu, ông So nói.
Quý II, Dabaco là một trong những doanh nghiệp đã cam kết với Chính phủ giữ giá lợn không quá 70.000 đồng/kg, “đây là hành động chung sức với đất nước để ổn định thị trường”, ông So chia sẻ. Nếu giá lợn vẫn ở trên mức 60.000 đồng/kg, lợi nhuận của Dabaco vẫn tốt.
Trả lời câu hỏi về thị trường thịt mát và xây dựng kênh phân phối riêng, Chủ tịch Dabaco nhận định tập quán lâu đời của người Việt Nam (cũng như Trung Quốc) là sử dụng thịt nóng, nên doanh nghiệp của ông chưa có ý định tham gia làm thịt mát. Ông So cho biết Chính phủ từng có chủ trương khuyến khích Bắc Ninh có chính sách đặc thù cho doanh nghiệp xây dựng nhà máy giết mổ để làm sản phẩm này, Dabaco cũng đã xây dựng kế hoạch dự án 1.000 tỷ đồng và mong muốn Nhà nước cần hỗ trợ 70% vốn. Tuy nhiên, phương án này cuối cùng chưa khả thi. Tuy vậy, ông cũng cho biết trong tương lai, khi kinh tế phát triển, thói quen và tiêu dùng của người dân thay đổi thì có thể Dabaco sẽ nghiên cứu và tham gia vào thị trường này.
Trước mắt, công ty sẽ tập trung vào các mảng kinh doanh sẵn có, phù hợp với nhu cầu thị trường. Gần đây, công ty đã đẩy mạnh sản phẩm dầu ăn và đang phân phối tại miền Bắc và thời gian tới sẽ tiến vào thị trường miền Nam. Công ty đặt mục tiêu sẽ tiêu thụ 2.500 tấn dầu ăn thành phẩm mỗi tháng , “để tất cả các bà nội trợ đều biết đến sản phẩm dầu ăn Coba”. Bên cạnh đó là việc đẩy nhanh việc đưa vào khai thác các dự án mới, đặc biệt là Khu chăn nuôi gà giống Bình Phước giúp nâng công suất sản xuất gà giống lên 60 triệu con/năm.
Công ty cũng tiếp tục đầu tư các dự án chăn nuôi tại nhiều địa phương có quỹ đất như tổ hợp chăn nuôi lợn giống và thương phẩm tại huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước 650 tỷ đồng, tại huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình 505 tỷ đồng, tại huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa quy mô 655 tỷ đồng…
Với triển vọng lợi nhuận năm nay, Dabaco đặt kế hoạch chi trả cổ tức tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng tiền và 10% bằng cổ phiếu.