Với dân số đứng thứ ba tại Đông Nam Á, Việt Nam có 23,5 triệu học sinh, sinh viên đang học tập, đưa giáo dục trở thành lĩnh vực nhiều tiềm năng phát triển. Những năm qua, bên cạnh hệ thống giáo dục công lập được nhà nước đầu tư, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước liên tục rót vốn để nâng cấp cơ sở vật chất, cải tiến các chương trình học tập nhằm thay đổi môi trường và nâng cao chất lượng giáo dục.
Tỷ lệ sinh viên ngoài công lập gần như dậm chân tại chỗ 20 năm qua, chỉ tương đương 13%
Phát biểu tại Hội nghị Giáo dục của Forbes Việt Nam, ông Lê Trường Tùng, chủ tịch Đại học FPT chia sẻ về quan sát bức tranh giáo dục của Việt Nam trong hơn 10 năm qua, từ khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO, cam kết mở cửa giáo dục như một dịch vụ.
Theo ông Tùng, cho đến hiện tại hệ thống giáo dục Việt Nam vẫn đang rất nặng về công lập với hơn 98% số trường và học sinh/sinh viên thuộc hệ thống trường công. Trong chủ trương chuyển đổi các trường bán công thành tư thục từ năm 2008 đến nay thì thực tế kết quả, hầu hết các trường bán công đã chuyển đổi thành công.
Các quan điểm về phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập cũng đã bị xác định lại từ định hướng "Tăng tỷ lệ trường ngoài công lập đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học" sang "phát triển hợp lý giáo dục công lập và ngoài công lập".
Trong mục tiêu đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam 2005-2020 theo nghị quyết 14/2005/NQ-CP, Chính phủ đặt mục tiêu phải đạt 200 sinh viên/1 vạn dân (2010), 450 sinh viên/1 vạn dân (2020). Đến năm 2020, phải có 40% là sinh viên ngoài công lập, tuy nhiên thực tế tính đến thời điểm hiện tại tỷ lệ sinh viên ngoài công lập mới chỉ đạt khoảng 13%, tỷ lệ này gần như không thay đổi trong 20 năm qua.
Tính đến năm 2019, Việt Nam mới chỉ có 68 trường đại học tư, trong khi có 170 trường đại học công lập. Riêng khối đại học, tỷ trọng ngoài công lập hiện nay chỉ chiếm 7% về số lượng trường và 6% số lượng sinh viên. Con số này ở cấp phổ thông còn thấp hơn nhiều, thực tế giáo dục ngoài công lập cấp phổ thông và đại học chỉ mang tính chất trang trí là chủ yếu.
Cũng trong bài tham luận, ông Tùng kiến nghị để thúc đẩy giáo dục phát triển tương xứng với tăng trưởng kinh tế thì phát triển hệ thống ngoài công lập là phần không thể thiếu. Tuy nhiên chi phí đào tạo trên đầu người mỗi năm của hệ đại học Việt Nam đang ở mức thấp của thế giới.
"Muốn tăng chất lượng giáo dục ngoài công lập thì việc gia tăng chi phí học tập trên đầu người là cần thiết. Ngoài công lập có sự năng động, từ đó có thể gây sức ép lên công lập trong thay đổi hệ thống giáo dục", ông Tùng nói.
Bên cạnh đó, ông cũng gợi ý, ngoài mô hình trường công lập và ngoài công lập như hiện nay, Việt Nam cũng nên tham khảo thêm một số mô hình như đối tác công tư PPP, nhà nước đầu tư, tư nhân vận hành và ngược lại, cũng như mô hình giáo dục đáp ứng được quá trình chuyển đổi kinh tế số.
Tập trung đào tạo kỹ năng để người lao động thích ứng với những công việc mới
Liên quan đến câu chuyện chuyển đổi số, ông Stephen Ulrich - Giám đốc chương trình của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) – cho rằng có 3 yếu tố chính sẽ tác động tới việc làm trên toàn thế giới trong tương lai; đó là (1) công nghệ, (2) biến đổi khí hậu và (3) làn sóng chuyển dịch nhân khẩu học.
Trong quá khứ khi cả thế giới nghi ngờ sự xuất hiện của máy tính, ông chủ Youtube đã từng nghĩ trang web của mình sẽ chẳng làm nên chuyện, và giám đốc điều hành của Microsoft từng tuyên bố ông nghĩ Iphone sẽ không thể chiếm được thị phần.
Mặt khác, số liệu nghiên cứu từ trường Đại học Oxford 5 năm trước cho biết, khoảng 50% công việc làm trên thế giới sẽ biến mất và bị thay thế bởi máy móc, trong khi 56% công việc ở Asean sẽ bị thay thế. Vào năm 2017, nỗi sợ thay đổi khi OCED đưa ra quan điểm 9% công việc trên thế giới sẽ hoàn toàn biến mất, 50-70% công việc bị chuyển hoá bởi công nghệ.
Tuy nhiên, "Công nghệ và robot cho dù có được cải tiến như thế nào cũng không thể thay thế được con người. Vì thế, câu hỏi chúng ta nên giải đáp là làm sao đào tạo được những lao động mới để làm việc với robot và công nghệ", ông Stephen nói thêm.
Khảo sát đối với một số chủ doanh nghiệp ở Việt Nam của ILO cũng đưa ra những sự thật thú vị, khoảng 40% đại diện doanh nghiệp trả lời kỹ năng quan trọng nhất họ tìm kiếm ở ứng viên là kiến thức chuyên môn (STEM), 33% tổng số doanh nghiệp cho biết họ mong đợi một người có khả năng làm việc nhóm, và 31% khẳng định khả năng giao tiếp là kỹ năng cần thiết nhất ở ứng viên.
Một câu hỏi được đưa ra, kỹ năng nào là thứ khó tìm kiếm nhất ở ứng viên, 32% trả lời đó là tư duy chiến lược/giải quyết vấn đề, kiến thức chuyên môn đứng thứ 2 với tỷ lệ trả lời 27%, xếp sau đó là kỹ năng đổi mới và sáng tạo (25%).
Theo đó, Stephan đưa ra 2 khuyến nghị dành cho Việt Nam để giải quyết những vấn đề trong sử dụng lao động hiện tại, và chuẩn bị cho tương lai; bao gồm (1) tập trung đào tạo kỹ năng để người lao động thích ứng với những công việc mới – đặc biệt nên tập trung vào những ngành có số lượng lớn lao động; (2) tăng cường đối thoại nhiều hơn giữa những người lao động.