“Như vậy, nhà ở xã hội đang được giao cho không đúng đối tượng. Điều này không chỉ làm mất đi ý nghĩa của nhà ở xã hội mà còn gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp khi phát triển phân khúc sản phẩm này”, ông Tuấn khẳng định tại buổi làm việc với lãnh đạo Hiệp hội bất động sản Việt Nam.
Theo ông Tuấn, hiện các chế tài liên quan đến việc mua - bán trục lợi nhà ở xã hội vẫn còn lỏng lẻo. Pháp luật mới chỉ quy định xử phạt đối với người thực hiện hành vi mua bán nhà ở xã hội không đúng đối tượng, không đúng quy định của pháp luật, trong khi đó, vẫn còn rất nhiều lĩnh vực liên quan đến nhà ở xã hội còn chưa được điều chỉnh.
Ngoài ra, việc thực thi pháp luật và sự thiếu đồng bộ về cơ sở dữ liệu, quản lý yếu kém cũng là những nguyên nhân khiến nhà ở xã hội chưa hướng đến đúng đối tượng khách hàng.
Để giải quyết vấn đề này, Chủ tịch Địa ốc Hoàng Quân cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cần là người điều hành quản lý chung cư đó suốt đời, không thể để việc quản lý thuộc về ban quản trị chung cư như hiện nay, nhằm giúp nhà ở xã hội hướng đến đúng đối tượng.
Cũng chia sẻ về vấn đề này, ông Dương Long Thành, Chủ tịch Thắng Lợi Group cho hay, việc xác định tiêu chí người mua nhà ở hội cần cụ thể, rõ ràng và chặt chẽ hơn. Nhiều trường hợp lúc đăng ký mua thì thuộc diện theo quy định nhưng khi dự án hoàn thành đến giai đoạn cấp sổ hồng thì người mua lại không nằm trong diện quy định.
Chia sẻ về vấn đề khó khăn của doanh nghiệp khi làm nhà ở xã hội, ông Trương Anh Tuấn cho rằng, vấn đề khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là quỹ đất. Tại TP.HCM, quỹ đất công không còn nhiều, gây khó khăn lớn cho các đơn vị muốn tham gia vào phân khúc này. Bên cạnh quỹ đất, quy định dành 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội trong các dự án hiện nay cũng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Cùng với đó là vấn đề về dòng vốn hỗ trợ. Từ khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng kết thúc, thị trường đi xuống, doanh nghiệp này đã gặp khá nhiều khó khăn. Sự khó khăn đó phản ánh qua giá cổ phiếu, doanh thu, lợi nhuận những năm qua của công ty.
Các doanh nghiệp bày tỏ quan điểm, với quỹ đất mà doanh nghiệp đã mua rồi, khi làm dự án nhà ở xã hội, Nhà nước tính toán đưa vào chi phí thực tế của doanh nghiệp, chứ không thể áp dụng theo bảng giá của Nhà nước. Nếu áp dụng theo bảng giá Nhà nước sẽ thiệt thòi và khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp.
Về việc ưu tiên tạo lập quỹ đất, doanh nghiệp mong muốn được chính quyền địa phương giải phóng mặt bằng và tạo quỹ đất sạch để đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư. Bên cạnh đó, xét trên phương diện thực tế, đất đai ở nhiều địa phương đang nằm trong tay các doanh nghiệp bất động sản. Vậy cơ chế để giải quyết giá trị mà các nhà đầu tư đã bỏ tiền ra mua đất thương mại và chuyển sang làm nhà ở xã hội cũng cần làm rõ.
TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, để tiếp tục thực hiện chỉ tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội mà Thủ tướng Chính phủ đã giao đến năm 2030, các nhà đầu tư, doanh nghiệp bất động sản cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để giải quyết các khó khăn của Chính phủ.
Ông Khôi cho rằng, hiện có nhóm vấn đề lớn trong phát triển nhà ở xã hội là nhóm vấn đề về quy hoạch, kế hoạch, khu vực, vị trí cụ thể của đất đai phát triển nhà ở xã hội; nhóm vấn đề về nguồn vốn; nhóm vấn đề về cơ chế, chính sách; nhóm vấn đề về quy trình, thủ tục hành chính.
Về vấn đề ưu đãi về chính sách, cụ thể về thuế VAT, các cơ quan nhà nước cần nghiên cứu tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp lên từ 10 - 15% hoặc thưởng theo thực tế thành tích phát triển nhà ở xã hội hoặc hình thức tương đương để bù đắp chi phí, tạo động lực cho các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư, phát triển.