Phóng viên: Theo ông, điều gì làm nên cách mạng công nghệ 4.0?
Klaus Schwab: Chúng ta đang sống trong thời đại của hàng loạt các cải cách công nghệ. Tôi đã nhắc đến trí tuệ nhân tạo, blockchain, và bạn có thể thêm vào đó tất cả các công nghệ, để chúng vận động cùng nhau và chúng ta về cơ bản sẽ thay đổi thế giới. Không chỉ việc kinh doanh, mà là cả kinh tế, xã hội, chính trị và nhiều yếu tố khác nữa. Khi chúng ta nói về toàn cầu hóa 4.0, chúng ta muốn định vị cấu trúc toàn cầu, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra.
Phóng viên: Vậy vấn đề của làn sóng toàn cầu hóa thì sao?
Klaus Schwab: Chúng ta đã thấy rất nhiều tác động của nó như là bất bình đẳng, chiến tranh thương mại, và nó sẽ còn phát sinh thêm nữa. Cái tệ là chúng ta đang thỏa hiệp với nó. Chúng ta định hình nó bằng những chính sách chắp vá. Chúng ta cố tìm cách giải quyết đơn giản cho những vấn đề quá phức tạp. Cái mà chúng ta đang làm chỉ là hình thức. Không, tất cả những vấn đề này cần phải được xem xét lại trong bối cảnh của nó.
Phóng viên: Đây không phải là một vấn đề mới xảy ra, ông đã viết trong sách của mình năm 1996, dự báo về việc sẽ có một làn sóng chống lại toàn cầu hóa. Vậy chúng ta có giải pháp gì để khiến mọi thứ tốt hơn?
Klaus Schwab: Thực ra chúng ta cũng không thể biết được đâu. Chúng ta chỉ biết, ví dụ là, cách mạng công nghiệp lần thứ nhất có xu hướng ủng hộ cải cách. Cần phải tăng đầu tư tư bản khi lực lượng lao động suy thoái. Cái chúng ta cần làm là tìm ra cách để tiến đến một trạng thái cân bằng tốt hơn. Có thể là thông qua hệ thống thuế, trợ cấp, và đặc biệt là đào tạo lại và đào tạo tăng thêm để chuẩn bị các kỹ năng cần thiết cho lao động trong tương lai.
Phóng viên: Ông có nghĩ rằng blockchain đóng vai trò quan trọng trong đó?
Klaus Schwab: Chúng ta chưa khẳng định được. Chúng ta biết là nó đang là trào lưu, nhưng tôi cũng có những băn khoăn trên nhiều phương diện.
Phóng viên: Liệu có công nghệ nào có thể giảm thiểu bất bình đẳng kinh tế hay không?
Klaus Schwab: Tất nhiên rồi, nếu bạn quan sát các dự án cộng đồng có sử dụng trí tuệ nhân tạo, hãy nghĩ đến cách thức giáo dục mới. Ta sẽ giúp những người thậm chí ở châu Phi có thể tiếp cận tri thức tốt nhất, đào tạo tốt nhất. Công nghệ có thể giúp ta xây dựng những cầu nối làm giảm bất bình đẳng, nhưng ngược lại, cũng có thể nó sẽ làm gia tăng bất bình đẳng, nếu chúng ta không nhận thức được đúng đắn về sức mạnh của chúng.
Phóng viên: Chúng ta đang nói về làn sóng toàn cầu hóa tiếp theo, nhưng lại đang chứng kiến xu hướng giảm toàn cầu hóa trên thế giới. Điều đó sẽ có tác động ra sao?
Klaus Schwab: Tôi sẽ không tranh cãi về vấn đề này. Chúng ta đang nhầm lẫn giữa toàn cầu hóa và chủ nghĩa toàn cầu. Tôi nghĩ chúng ta cần phải phân biệt rõ hai khái niệm này. Tôi nói về toàn cầu hóa trước nhé. Tôi nghĩ thế giới của tương lai sẽ là hội nhập toàn cầu, vì chúng ta đang hướng tới số hóa thế giới, làm giàu cho thế giới, và dòng chảy kỹ thuật số thì không có biên giới, đó chính là toàn cầu hóa.
Chủ nghĩa toàn cầu lại là một khái niệm khác, chủ nghĩa toàn cầu có nghĩa là tất cả các chính sách của chúng ta đều hướng đến thương mại quốc tế, hướng tới lực lượng lao động mới của thị trường quốc tế. Cái cần hiểu là chúng ta cần phải có một thế giới đa phương với các quy tắc mở, nhưng cũng phải đảm bảo rằng chúng ta không phá hủy tính dân tộc. Bởi tính dân tộc là điều kiện tiên quyết cho tính dân chủ.
Phóng viên: Ông nghĩ đâu là nguy cơ lớn nhất đối với tính ổn định của nền kinh tế toàn cầu hiện nay?
Klaus Schwab: Tôi nghĩ đó là sự mất cân bằng. Không chỉ là mất cân bằng về thương mại, mà là cả thị trường tài chính, với 250 nghìn tỷ USD. Chúng ta mất cân bằng cả về công nghệ nữa. Một hệ thống toàn cầu hóa là hệ thống mà ta chuẩn bị cho tương lai, chúng ta cần phải xác định những điểm mất cân bằng đó để giải quyết bất bình đẳng và các vấn đề xã hội.
Phóng viên: Mất cân bằng thương mại là một vấn đề nghiêm trọng đúng không?
Klaus Schwab: Đúng, chúng là một vấn đề nghiêm trọng. Nó sẽ làm tăng rủi ro, chúng ta cần phải tái cân bằng lại nó. Tôi không ủng hộ việc tự do hóa thương mại hoàn toàn một cách vô điều kiện đâu. Bởi vì bạn có thể thấy ngày nay ở nhiều quốc gia, các cuộc nổi loạn nổ ra bởi những người bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển, ở Mexico, Brazil. Chúng ta cần phải cân bằng giữa toàn cầu hóa và việc phát triển tất cả các thành phần trong xã hội.
Phóng viên: Làm thế nào để thực hiện điều đó?
Klaus Schwab: Không có chuẩn mực nào để thực hiện cả. Ta cần những phương pháp linh hoạt. Ví dụ như giáo dục giúp mọi người bình đẳng trong việc tiếp cận mức sống tốt hơn, tất cả các yếu tố tạo nên một xã hội bền vững hơn.