Gỡ khó cho người có tài chính khiêm tốn muốn sở hữu BĐS
Tại báo cáo thị trường BĐS Tp.HCM quý 2/2020 của DKRA Vietnam diễn ra tại Tp.HCM sáng 8/7, đại diện DKRA đã chia sẻ xung quanh câu chuyện phát triển căn hộ thương mại có diện tích tối thiểu 25m2, không quá 45m2 với tỉ lệ 25% số căn của dự án theo Thông tư 21/2019/TT-BXD. Thông tư này chính thức có hiệu lực ngày 1/7/2020. Trong đó, đơn vị này nêu rõ nhu cầu và giải pháp để có thể phát triển được loại hình này trên thị trường BĐS.
Ông Phạm Lâm, CEO DKRA Vietnam cho rằng: "Tôi ủng hộ làm căn hộ 25m2 là bởi loại hình này giải quyết nhu cầu ở thực của những người có tài chính khiêm tốn. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu gỡ khó cho thị trường BĐS hiện nay".
Ông Phạm Lâm cho rằng, rất cần thiết để làm căn hộ thương mại 25m2 nhưng cần gắn liền với chiến lược về hạ tầng, tiện ích, khu vực chứ không phải làm tràn lan. Ảnh: Hạ Vy
Theo ông Lâm, hiện nay trên thị trường Tp.HCM căn hộ hạng C (có giá dưới 25 triệu đồng/m2, diện tích 50m2) trong mỗi dự án chỉ chiếm trung bình 22-35%. Bên cạnh đó, các loại hình nhà trọ, căn hộ studio, căn hộ chung cư cũ, căn hộ officetel, condotel… có diện tích 25-50m2 đang tồn tại rất phổ biến cho thấy nhu cầu của thị trường còn rất lớn. Trong bối cảnh mà căn hộ hạng C ngày càng vắng bóng, thậm chí tuyệt chủng trên thị trường BĐS Tp.HCM, các căn hộ diện tích nhỏ và vừa túi tiền luôn nhận được sự quan tâm của người mua ở thực – những người có mức tài chính giới hạn.
Ông Lâm cho rằng, ở góc nhìn tích cực, những căn hộ 25m2 sẽ giải quyết được nhu cầu ở của người có tài chính khiêm tốn, hạn chế sự tự phát của nhà tạm bợ, đồng thời kích hoạt thị trường với khả năng tiêu thụ tốt và giao dịch thành công.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho hay, không loại trừ khả năng các vấn đề phát sinh xung quanh câu chuyện này. Cụ thể:
Căn hộ nhỏ 25m2 và mục tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người: Theo số liệu của Tổng cục thống kê trong cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở tháng 4/2019 và được công bố tháng 12/2019 thì bình quân 1 hộ dân ở Việt Nam là 3.6 người/hộ. Vậy, khi làm căn hộ 25m2 thì thực sự có 1 người ở hay sẽ là từ 2 người trở lên? Từ đó liên quan đến việc có đảm bảo mục đích tăng diện tích nhà ở bình quân đầu người lên 22.8m2/người vào năm 2025 không?
Mật độ dân số và vấn đề quản lý: Việc cho phép xây dựng loại hình căn hộ 25m2 cũng khiến dân số trong một tòa nhà chung cư/khu dân cư tăng lên đáng kể, từ đó kéo theo các vấn đề về quản lý khu dân cư, quản lý đô thị, áp lực hạ tầng giao thông, tiện ích dự án….
Không chỉ là diện tích, tiện ích đi kèm: Theo ông Lâm, phát triển căn hộ diện tích nhỏ 25m2 sẽ thích hợp phát triển khu vực nào và các tiện ích đi kèm quy định ra sao. " Tôi nghĩ khu trung tâm Tp.HCM không phải là nơi thích hợp để phát triển loại hình này, rất dễ gây nên những áp lực về hạ tầng, giao thông", ông Lâm nhấn mạnh.
Giải pháp nào để căn hộ nhỏ đi vào thực tiễn?
Theo ông Lâm, để loại hình căn hộ thương mại diện tích nhỏ này hiện thực hóa cần một chiến lược rõ ràng, giải pháp hạ tầng, tiện ích đồng bộ đi kèm chứ không phải là làm một cách tràn lan. Đặc biệt, cần sự quy định chặt chẽ và phối hợp từ Chính phủ, các cơ quan ban ngành, doanh nghiệp liên quan.
Đầu tiên, cần quy hoạch rõ khu vực nào được phép xây dựng căn hộ 25m2. Cụ thể, căn cứ trên quy hoạch của từng khu vực, có thể xem xét tăng cường loại hình căn hộ 25m2 ở các khu công nghiệp và các trường đại học.
Thứ hai, cần quy định rõ tỉ lệ cho dự án nhà ở có căn hộ 25m2. Tùy vị trí và quy hoạch mà có thể áp dụng linh hoạt các diện tích 25-30-35-40-45m2 với tỉ lệ 10%-15%-20%-25% sao cho phù hợp với mật độ dân cư, hạ tầng kỹ thuật và tiện ích đi kèm.
Bên cạnh đó, trên cơ sở chương trình nhà ở xã hội, theo ông Lâm có thể đổi mới hoặc nâng cấp thành các chương trình nhà ở quốc gia (dành cho đối tượng mua nhà lần đầu) mang tính lâu dài, quy hoạch bài bản, bền vững với quy trình thủ tục đơn giản nhưng quản lý thông tin tốt hơn.
"Theo tôi, liên quan đến chương trình nhà ở quốc gia là xem xét nâng cao quy mô và thực hiện nghiêm túc quy hoạch đô thị từ thời điểm trước mắt cho đến khoảng 50 năm sau, thay vì chỉ dừng lại ở tầm nhìn đến năm 2030", ông Lâm chia sẻ.