Phát biểu tại Diễn đàn VBF 2018 sáng nay (4/12), ông Dominic Scriven cho rằng VN-Index có thể lấy lại được mốc 1.000 điểm trong thời gian tới. Ông nói vui rằng vì bóng đá Việt Nam thắng Philippines, tạo nên sự hứng khởi khiến VN-Index tăng lên hơn 3%.
Quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam về cuối năm 2018, theo Chủ tịch Dragon Capital, có tổng giá trị vốn hoá khoảng 180 tỷ USD, thị trường trái phiếu chính phủ có tổng giá trị vốn hoá khoảng 50 tỷ USD. Như vậy, thị trường có quy mô chung khoảng 230 tỷ USD, được đánh giá là khá lớn.
"Thị trường cũng chiếm khoảng 80% GDP, là mục tiêu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra khi gặp một đoàn đầu tư tài chính nước ngoài", ông Dominic nói.
Về dòng vốn năm 2018, ông Dominic cho biết đây là năm đầu tiên Tổng cục Thống kê công bố đầu tư nước ngoài cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Cụ thể, trong 11 tháng đầu năm, vốn trực tiếp là 16,5 tỷ USD, vốn gián tiếp bằng 50% vốn trực tiếp, vào khoảng 7,6 tỷ USD.
Mặt khác, thông qua cổ phần hoá, thoái vốn, trong 2 năm trở lại đây, ngân sách Nhà nước đã thu về 10 tỷ USD. "Số liệu cho thấy chất lượng và tình hình DNNN đã được cải thiện", ông Dominic nhận xét.
Trong bối cảnh đó, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Chứng khoán là vô cùng hợp lý.
"Nhóm công tác thị trường vốn khẳng định đây là cơ hội vàng để Việt Nam cùng lúc đạt được 3 mục tiêu", Chủ tịch Dragon Capital cho biết.
Những mục tiêu này bao gồm: Xử lý những bất cập giữa Luật Chứng khoán và một số luật khác; Xử lý sự phân biệt không nên có giữa Việt Nam và các thị trường như Thái Lan, Malaysia, Philippines do Việt Nam chưa phải thị trường mới nổi mà chỉ là thị trường cận biên; Xử lý, cân đối lại các vấn đề rủi ro và hiệu quả rủi ro.
Ông Dominic cũng dẫn ra một số kiến nghị. Đơn cử, ông dẫn ra mẫu thuẫn giữa Luật Chứng khoán và điều 23 Luật Đầu tư có sự xung đột và đề xuất sửa đổi.
Theo đó, ông cho rằng cần sửa đổi điều luật này theo hướng quy định rõ tại Điều 23 không áp dụng đối với công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và quỹ đầu tư (là những đối tượng được điều chỉnh chuyên biệt của Luật Chứng khoán).
Hay với quy định hiện hành về tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong công ty đại chúng cũng cần được xem xét.
"Sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài dù được cho hay không cho, và cho đến mức nào là tuỳ thuộc vào mỗi quốc gia nhưng đây là mấu chốt trong việc mời gọi đầu tư. Chúng tôi cho rằng đến năm 2021 tình trạng này ở Việt Nam mới khắc phục được", ông Dominic cho biết.
Theo đó, ông kiến nghị luật hoá việc phát hành Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (non-voting depository receipt hay NVDR). "Thái Lan và Malaysia đang làm và khá thành công", ông nói.
Chứng chỉ này giải quyết được hai vấn đề, một mặt, Chính phủ vẫn hạn chế được tỷ lệ sở hữu nước ngoài theo quy định của Luật hiện hành và điều ước quốc tế. Mặt khác sẽ không làm thay đổi địa vị pháp lý của doanh nghiệp khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài vượt quá 51%.
Về quyền biểu quyết của NVDR, nhóm công tác thị trường vốn đưa ra 3 giải pháp:
Giải pháp 1: NVDR không có quyền biểu quyết.
Giải pháp 2: Toàn bộ số phiếu biểu quyết của NVDR được tính vào số phiếu biểu quyết của nhà đầu tư trong nước với vấn đề được ít nhất 75% nhà đầu tư trong nước thông qua.
Giải pháp 3: Số phiếu biểu quyết của NVDR được chia đều cho nhà đầu tư trong nước theo tỷ lệ đồng thuận và không đồng thuận của nhà đầu tư trong nước đối với vấn đề biểu quyết.
Giải pháp 4: Kết hợp phương pháo 2 và 3, trong đó các vấn đề được ít nhất 75% nhà đầu tư trong nước đồng thuận thì tỷ lệ biểu quyết tính theo giải pháp 2, các vấn đề khác dưới ngưỡng 75% thì theo giải pháp 3.