Sáng 22/2, tại Hội nghị Phát triển Thị trường Chứng khoán năm 2019, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital đã có những kiến nghị, đóng góp về định hướng phát triển của chứng khoán Việt Nam.
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital.
Theo ông Dominic Scriven, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh. Năm qua trong bối cảnh các nước bị rút vốn, chứng khoán Việt Nam vẫn hút dòng vốn ngoại vào thị trường. Bên cạnh đó, những sản phẩm mới được đưa vào như phái sinh và chứng quyền có đảm bảo cho thấy sự sáng tạo của các cơ quan quản lý trong việc phát triển thị trường. Đồng thời, Chính phủ có kế hoạch trình luật chứng khoán sửa đổi trong thời gian tới là đúng thời điểm và phù hợp với nhu cầu của thị trường hiện nay.
Là người tham gia và theo sát thị trường Việt Nam trong nhiều năm qua, Chủ tịch Dragon Capital đã có 4 kiến nghị gửi tới hội nghị nhằm đóng góp cho sự phát triển của thị trường.
Thứ nhất, ông Dominic Scriven kiến nghị Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan có những hướng dẫn cụ thể liên quan đến tư cách pháp nhân của các tổ chức nước ngoài trên thị trường chứng khoán.
Thứ hai, ở các thị trường phát triển, tỷ trọng nhà đầu tư tổ chức tham gia chiếm 50-70%, còn lại là các nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, Việt Nam có tình trạng ngược lại. TTCK thiếu các tổ chức, doanh nghiệp tham gia và bị ảnh hưởng bởi quyết định của nhà đầu tư cá nhân, đồng thời cũng gây khó khăn cho các nhà đầu tư này. Điều này khiến hoạt động thị trường thiếu ổn định. Ông Dominic Scriven kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết các vướng mắc còn lại sớm thành lập quỹ hưu trí tự nguyện và mở đường cho loại hình tổ chức khác tham gia vào thị trường, đồng thời đa dạng sản phẩm đầu tư. Coi trọng sự đa dạng của thị trường vốn. Theo quan điểm của ông Dominic Scriven đây là nguyên vọng lớn nhất hiện nay.
Thứ ba, người đứng đầu Dragon Capital cho biết, vấn đề NĐT nước ngoài, tỷ lệ sở hữu ngoại là vấn đề nhiều nhà đầu tư quan tâm, trực tiếp liên quan đến việc nâng hạng của chứng khoán Việt Nam. Đây cũng là vấn đề chiếm 80% bức xúc của nhà đầu tư nước ngoài, của MSCI trong việc xem xét khả năng nâng hạng. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc. Ông Dominic Scriven kiến nghị, Chính phủ cần xem xét lại điều 23 của luật đầu tư liên quan đến việc các doanh nghiệp Việt Nam có sở hữu nước ngoài trên 51% thì xem là doanh nghiệp ngoại. Đây là điều không phù hợp, tạo ra cạnh tranh không công bằng cho các doanh nghiệp. Bộ luật cần phải được sửa đổi phục vụ cho nhu cầu đồng bộ hóa pháp luật Việt Nam. Đồng thời, ông Dominic Scriven cũng đề xuất, trong bối cảnh nhiều ngân hàng đang nỗ lực tăng huy động vốn theo basel II, Chính phủ có thể cho phép room ngoại tại các nhà bằng từ 30 lên 49%.
Mặt khác, Việt Nam cần sớm nghiên cứu và đưa vào loại hình chứng khoán chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết theo mô hình của Thái Lan hoặc Malaysia.
Đối với vấn đề cổ phần hóa, ông Dominic Scriven cho rằng hoạt động cổ phần hóa và niêm yết doanh nghiệp Nhà nước của Chính phủ đã tạo ra đường phát triển cho chứng khoán Việt Nam và cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài. Ông nhận định TTCK Việt Nam hiện nay phù hợp để Nhà nước thoái vốn thành công có thể theo phương thức dựng sổ, vì vậy ông mong muốn chương trình này sẽ được tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa. Đồng thời, Nhà nước có thể mạnh dạn bán nhiều hơn cổ phần để các doanh nghiệp này có yếu tố mới trong bộ máy quản trị.