Tại Hội nghị Toàn quốc về Phát triển bền vững, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar Denis Brunetti đánh giá cao các thành tích phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam: "Chính phủ Việt Nam đã chèo lái và có hành trình rất tuyệt vời về phát triển kinh tế xã hội trong 30 năm vừa qua. Đã có hơn 35 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam trong năm 2018, nhiều hơn bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào khác. Tăng trưởng cao trung bình trên 6%/năm. Tỷ lệ nghèo giờ chỉ còn có 3%. Đến năm 2025, dự báo nền kinh tế số Việt Nam sẽ rất lớn mạnh ở khu vực Đông Nam Á".
Liên quan đến năng lượng, Việt Nam cũng đã đưa ra tầm nhìn chiến lược về ICT, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
"Và có lý do vô cùng quan trọng để chúng ta phải làm những việc này. Trong 30 năm vừa qua, hầu hết FDI tập trung vào nền kinh tế kiểu cũ, sản xuất chế tạo thâm dụng lao động với nhân công rẻ. Nhưng bước tiến tiếp theo trong hành trình phát triển đột phá về kinh tế xã hội sẽ phải phụ thuộc không chỉ vào đất đai, không chỉ vào nhân công giá rẻ mà hay tài nguyên, mà quan trọng hơn là đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ trong mô hình kinh tế số, kinh tế dựa trên tri thức" - vị chủ tịch này khẳng định.
Ông Denis chia sẻ, ông đã nhận được một câu hỏi rất hay: "Tại sao càng tiêu thụ nhiều thì chúng ta càng sáng tạo hơn? Câu trả lời chính là dữ liệu, là đổi mới sáng tạo, năng lực trí tuệ. Đây là nguồn lực mà chúng ta càng sử dụng nhiều thì chúng lại càng tăng trưởng, chứ không giống như than đá hay dầu mỏ, càng dùng càng cạn kiệt".
Việt Nam đã xác định thành công trong tương lai phụ thuộc rất nhiều vào việc phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để đảm bảo các ngành công nghiệp có thể đạt được hiệu quả năng suất cao hơn.
"Dữ liệu chính là nguồn dầu mỏ mới, là nguồn nhiên liệu cho tăng trưởng, là động lực tiếp theo để phát triển kinh tế" - ông Denis nhấn mạnh.
Trước đây xây dựng cơ sở hạ tầng mang lại tác động tiêu cực cho môi trường. Nhiều quốc gia càng phát triển kinh tế càng tác động tiêu cực đến môi trường. Nhưng với khoa học công nghệ, thông qua thành phố thông minh, đổi mới sáng tạo và chèo lái bởi hạ tầng 5G - như một nền tảng cốt lõi, chúng ta sẽ xây dựng mạng lưới dữ liệu để tiếp nhiên liệu cho tăng trưởng, một nguồn nhiên liệu không gây ô nhiễm.
Ông Denis nói: "Nhiều người hỏi tôi: 5G là gì? Khác gì 2G, 3G, 4G? Liên quan gì đến 4.0? 2G là kết nối điện thoại di động để mọi người nói chuyện với nhau, giúp nhiều người giao tiếp với nhau, không chỉ đô thị và nông thôn. Với 3G thì nhiều người được kết nối Internet, wifi. Với 4G mọi thứ nhanh hơn rất nhiều: livestream, video trên mạng,... Còn 5G chính là chuyển đổi, kết nối doanh nghiệp với Internet, IoT, rồi liên quan đến robot, thực tế ảo,... đều dựa trên 5G. 5G chính là con đường".
Các doanh nghiệp càng ngày càng tuyển nhiều người Việt Nam, nhưng rồi đây mọi thứ sẽ được tự động hóa. Các ngành truyền thống sẽ đều chuyển đổi số, nhiều doanh nghiệp sẽ được tạo ra thông qua đổi mới sáng tạo, vì thế thay vì tìm việc như trước đây thì con người sẽ tạo ra việc làm, tạo ra định mệnh và tương lai cho mình.