Eurocham hoan nghênh những hành động nhanh chóng và quyết đoán của Chính phủ nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch này. Phản ứng của Việt Nam, bao gồm các biện pháp y tế công cộng, kịp thời, cùng với gói hỗ trợ kinh tế hiệu quả, đã được công nhận trên toàn thế giới như là một hình mẫu cho các quốc gia khác noi theo. Những biện pháp mạnh mẽ này đã giúp Việt Nam duy trì thành tích tốt về tăng trưởng kinh tế và làm tăng nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đồng thời bảo vệ sức khỏe và phúc lợi của mọi người dân.
Những hành động này cũng đã giúp duy trì niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu - những người tiếp tục coi Việt Nam là một điểm đến an toàn hấp dẫn và cạnh tranh để kinh doanh. Việt Nam hiện đang ở vị thế tốt để đón đầu các cơ hội mới và tiếp tục phát triển kinh tế ổn định nhờ cách tiếp cận chủ động này.
Eurocham đánh giá cao các biện pháp mà Chính phủ đưa ra để bảo vệ các doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp thành viên châu Âu. Đặc biệt, Eurocham hoan nghênh vai trò của Bộ KH-ĐT trong vai trò là cầu nối giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp châu Âu.
Trong vài tháng qua, Bộ KH-ĐT đã đề xuất và thực hiện các chính sách sáng tạo, góp phần giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh bình thường trong mọi hoàn cảnh, nhất trong các lĩnh vực thiết yếu như vận tải, y tế, dược phẩm và công nghiệp sản xuất.
Giờ đây, với việc phê chuẩn EVFTA, các doanh nghiệp châu Âu mong muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu. Hiệp định thương mại tự do mang tính lịch sử này đã giúp phát triển hoạt động thương mại của Việt Nam với thị trường tiêu dùng lớn ở châu Âu, tăng cường vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng quốc tế và thu hút nhiều nguồn đầu tư mới. Bằng cách này, Việt Nam sẽ giảm bớt sự phục thuộc vào các đối tác thương mại lớn truyền thống, cũng như giảm thiểu tác động của cuộc chiến thương mại và chủ nghĩa bảo hộ ở những nơi khác trên thế giới.
Đối với một quốc gia hội nhập vào chuỗi cung ứng và dòng vốn toàn cầu, điều cần thiết là Việt Nam không chỉ bảo vệ các doanh nghiệp trong nước, mà còn hỗ trợ các công ty nước ngoài - những nhân tố rất quan trong đối với tăng trưởng kinh tế của đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu, một khi dịch bệnh được kiểm soát và thương mại toàn cầu trở lại bình thường. Do đó, việc phê chuẩn và thực hiện thành công EVFTA giờ đây trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Trong khi tình hình dịch bệnh ở Việt Nam đang cải thiện, nhiều quốc gia khác, bao gồm cả những nền kinh tế rất phát triển vẫn chưa vượt qua đỉnh dịch. Vì thị trường đang trong đà phát triển Việt Nam phụ thuộc lớn vào nhu cầu toàn cầu, các gói cứu trợ và kích thích kinh tế cần được xúc tiến. Việt Nam có thể tận dụng vị trí chủ tịch ASEAN trong năm 2020, Ủy viên KTT của HĐBA Liên hợp quốc để kêu gọi một hội nghị thảo luận về các gói phục hồi, kích thích kinh tế.
Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể thúc đẩy đầu tư công, ODA và các dự án hợp tác công tư, không chỉ ở Việt Nam mà còn trong khu vực ASEAN.
Bên cạnh đó, một số biện pháp khác có thể được thực hiện nhằm đảm bảo tính liên tục và linh hoạt của nền kinh tế hiện đang hoạt động dưới hình thức chuỗi cung ứng. Do đó, duy trì sản xuất, xuất khẩu sẽ hỗ trợ người lao động và đảm bảo rằng họ có thể duy trì doanh thu tối tiểu trong thời gian này. Ngoài ra, chữ ký điện tử và MST điện tử cũng như cổng dịch vụ công quốc gia cần được tăng cường nhất có thể. Đây cũng là xu hướng phát triển sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng chính phủ điện tử trong tương lai, cũng như tăng cường năng lực cạnh tranh trong giai đoạn hội nhập quốc tế.
Eurocham đề xuất Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện trong quá trình xin thị thực cho các chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam.
Eurocham và các doanh nghiệp thành viên tái khẳng định cam kết tiếp tục là đối tác vững chắc với Việt Nam trong chiến dịch phòng chống Covid-19 và quá trình phục hồi nền kinh tế.