Trao đổi với Trí Thức Trẻ về thông tin tàu Ever Given chính thức được giải cứu sau 6 ngày mắc kẹt, ông Nicolas Audier, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhấn mạnh: "Tàu Ever Given đã chính thức được 'giải cứu' là một tin rất tích cực. Sự kiện này đương nhiên là rất quan trọng hầu hết giao dịch thương mại đến châu Âu đều phải đi qua kênh đào Suez. Đây cũng là tuyến đường thủy quan trọng thứ hai trên thế giới, chiếm khoảng 10% thương mại toàn cầu".
Ngoài ra, ông chia sẻ thêm: "Tới đây chúng tôi sẽ có một cuộc họp với ngành vận tải biển của Việt Nam để đánh giá tác động của sự kiện nay. Cho đến hiện tại, tôi nhìn thấy một số tác động khiến giá dầu đã tăng 4%. Những tác động khác thì tôi vẫn chưa thể chắc chắn".
Ever Given, một trong những tàu container lớn nhất thế giới với tổng trọng tải hơn 200.000 tấn, đâm chéo vào bờ kênh đào Suez và mắc cạn sáng 24/3 khi di chuyển từ Biển Đỏ tới Địa Trung Hải. Theo đó, con tàu gần như xoay ngang, bịt kín tuyến hàng hải qua kênh đào Suez, khiến mọi hoạt động di chuyển qua kênh đào phải dừng.
Ít nhất 369 tàu chở theo số lượng hàng hóa trị giá hàng tỷ USD đã bị mắc kẹt tại các lối vào kênh đào Suez do sự cố của tàu Ever Given. Nghiên cứu từ công ty bảo hiểm Đức Allianz cho biết mỗi ngày kênh đào Suez bị chặn có thể gây thiệt hại thương mại toàn cầu khoảng 6-10 tỷ USD.
Ngoài ra, những công ty vận tải biển lớn như Maersk của Đan Mạch đã chuyển hướng cho tàu đi vòng qua Mũi Hảo Vọng của Nam Phi dù chi phí cao hơn và tuyến đường dài hơn, khiến chúng mất thêm ít nhất 7 ngày hành trình.
Ngay cả khi tàu Ever Given được giải cứu, Maersk ước tính cũng mất 3-6 ngày để những con tàu mắc kẹt đi qua kênh đào. Công ty cho hay 32 tàu Maersk và đối tác sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp vào cuối tuần, với 15 tàu phải chuyển hướng và con số này có thể tăng lên nếu kênh đào chưa được thông.