Tỷ phú - nhà sáng lập của nhà cung ứng lớn nhất thế giới của Apple đã yêu cầu công ty Mỹ này di dời nhà máy từ Trung Quốc sang Đài Loan.
Terry Gou, hiện vẫn là cổ đông lớn nhất của Hon Hai Precision Industry, trả lời câu hỏi về việc liệu Apple có di dời hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc hay không: "Từ quan điểm của Trung Quốc, tôi sẽ thuyết phục Apple tới Đài Loan." Không giải thích thêm, ông nói: "Tôi tin rằng việc này sẽ là khả thi."
Louis Woo, một trợ lý đặc biệt của ông Gou, sau đó cho biết rằng giám đốc điều hành và lãnh đạo Đài Loan đang thúc giục Apple "đầu tư" vào Đài Loan, không phải là chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang.
Chính quyền tổng thống Donald Trump đã đe doạ đánh thuế với khoảng hơn 300 tỷ USD hàng hoá từ Trung Quốc, trong đó có điện thoại và laptop. Việc này đã gây ra những suy đoán rằng Apple sẽ chuyển một số hoạt động sản xuất ra khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Hon Hai - tập đoàn sở hữu thương hiệu Foxconn, hiện là nhà cung ứng lớn nhất trong số hàng trăm đối tác mà Apple hợp tác tại đại lục. Foxconn là nơi sản xuất hầu hết các thiết bị iPhone, lắp ráp hàng triệu thiết bị điện tử từ điện thoại iPhone cho tới máy tính HP.
Động thái này có thể sẽ khiến căng thẳng giữa hai Trung Quốc và Đài Loan thêm phần căng thẳng. Hon Hai hiện là nhà tuyển dụng tư nhân lớn nhất tại Trung Quốc, họ trả thù lao cho hàng triệu lao động di cư ở nước này.
Ông Gou sẽ từ chức chủ tịch của Hon Hai vào thứ Sáu tuần tới để tập trung vào chiến dịch tranh cử trở thành người đứng đầu Đài Loan vào năm 2020. Hiện tại, ông Gou vẫn chưa đề cập đến quy mô của việc di dời, cũng như khả năng thực hiện quá trình này của Hon Hai hay bất kỳ nhà cung ứng khác của Apple.
Các công ty của Đài Loan hiện lắp ráp hầu hết các thiết bị điện tử trên thế giới, hiện đang mở rộng hoặc thăm dò các địa điểm cho nhà máy ở Đông Nam Á và những khu vực khác để né tránh thuế quan từ Mỹ. Tuy nhiên, phần lớn nguồn lực của họ vẫn ở Trung Quốc. Tuần này, tờ Nikkei cho biết Apple đã yêu cầu các nhà cung ứng lớn nhất của mình cân nhắc sản lượng di dời là 15% đến 30% từ Trung Quốc sang Đông Nam Á, nhưng 3 đối tác lớn sau đó đã phủ nhận thông tin này - trong đó có Hon Hai.