Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software chia sẻ: "Trong 3 năm trở lại đây, chuyển đổi số được chúng tôi xem là hướng đi mũi nhọn trong các buổi gặp gỡ, thảo luận hợp tác với các tập đoàn lớn". |
Theo nhận định của các chuyên gia, với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam cũng không nằm ngoài tiến trình chung đang diễn ra trên thế giới, tất cả các ngành, các lĩnh vực đều sẽ phải thay đổi, thực hiện công cuộc chuyển đổi số để có thể thích ứng với sự phát triển của công nghệ.
Với FPT, thời gian qua, bên cạnh việc triển khai chuyển đổi số trong nội tại tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ này đã và đang cung cấp dịch vụ chuyển đổi số cho hơn 200 doanh nghiệp trên toàn cầu. Theo thông tin mới được công bố, hiện thực hóa chiến lược tập trung vào chuyển đổi số, trong năm 2018, doanh thu mảng dịch vụ này tại thị trường nước ngoài đã mang lại 1.679 tỷ đồng cho FPT, tăng 31% và chiếm 20% tổng doanh thu xuất khẩu phần mềm.
ICTnews đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch Công ty TNHH Phần mềm FPT (FPT Software), một đơn vị chủ lực của FPT về chủ đề chuyển đổi số trên toàn cầu hiện nay. Theo chia sẻ của ông Tiến, chuyển đổi số thực sự là vấn đề mới đối với cả thế giới và ngay những tập đoàn lớn về giải pháp phần mềm như IBM, Accenture… cũng chưa có những dự án chuyển đổi số một cách toàn diện được triển khai thành công trên toàn cầu.
Có quá không khi ông nói IBM, Accenture cũng chưa có những dự án chuyển đổi số một cách toàn diện được triển khai thành công trên toàn cầu?
Có thể nói, cả thế giới đang nói đến chuyển đổi số, nhưng trên thực tế, trong khi làm việc với lãnh đạo cấp cao tại headquarter (Trụ sở chính - PV) của những tập đoàn hàng đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực, phần lớn trong số họ đều nói với chúng tôi, họ đang rất lúng túng và chưa biết bắt đầu từ đâu.
Tất cả những tập đoàn hàng đầu trên thế giới đã có và sẽ có một lượng dữ liệu khổng lồ, nhưng bài toán họ đang gặp phải là làm sao để dữ liệu này trở thành giá trị tạo ra tiền bạc, tạo ra khách hàng, tạo ra năng suất lao động cao hơn.
Thời gian gần đây, FPT Software nói khá nhiều về các dự án chuyển đổi số với các tập đoàn lớn như Airbus, Siemens, General Electric, Ngân hàng Shinhan…Vậy FPT Software đang làm gì với họ, thưa ông?
Trong 3 năm trở lại đây, chuyển đổi số được chúng tôi xem là hướng đi mũi nhọn trong các buổi gặp gỡ, thảo luận hợp tác với các tập đoàn lớn.
Bởi vì sao thế? Như bạn biết, trong một tập đoàn đa quốc gia có hàng trăm hệ thống phần mềm khác nhau được sử dụng để vận hành các hoạt động, tác nghiệp nội bộ từ ERP, CRM, HR, đến kế toán quản lý chuỗi cung ứng…. Với hàng trăm hệ thống khác biệt nằm ở nhiều quốc gia khác nhau thời gian phản ứng, lấy thông tin, quyết định sẽ rất dài. Và chưa có lời giải một cách hiệu quả để các hệ thống này hợp nhất dữ liệu giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Ví dụ như với một tập đoàn tài chính hàng đầu của Nhật Bản khi trao đổi, chúng tôi hỏi các bạn có bao nhiêu công ty con, bao nhiêu hệ thống ERP, hệ thống CRM. Lãnh đạo cấp cao của họ trả lời, có khoảng 900 công ty con trên toàn cầu, 200 hệ thống ERP và một con số tương tự cho hệ thống CRM. Và phải mất thời gian khoảng một tuần để xuất được báo cáo tổng hợp từ các hệ thống ERP.
Vậy chúng tôi có thể làm gì để giúp họ? Dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn, vạn vật kết nối (IoT)…, chúng tôi giúp họ xử lý bài toán dữ liệu theo hướng Data Driven Business (định hướng các dữ liệu doanh nghiệp - PV), giúp họ nâng cao hiệu quả hoạt động, khai thác tối đa dữ liệu nằm trong các hệ thống khác nhau của doanh nghiệp.
Điều đó cũng có nghĩa là FPT Software đã phải đầu tư rất nhiều tiền cho nghiên cứu phát triển công nghệ. Lý do gì mà công ty quyết định đầu tư mạnh vào nghiên cứu các công nghệ mới?
Sau 19 năm hoạt động, bước sang năm thứ 20, FPT Software có doanh thu gần 400 triệu USD, 16.000 cán bộ nhân viên, 100 khách hàng trong danh sách 500 công ty đứng đầu thế giới. Chúng tôi có thể đang làm việc xuất sắc các dự án dịch vụ CNTT nhưng phần lớn là những công việc do những tập đoàn hàng đầu giao cho chúng tôi. Vì thế, chúng tôi hiểu muốn thay đổi vị thế của doanh nghiệp mình, muốn đóng góp giá trị nhiều hơn thì phải chủ động đầu tư nghiên cứu phát triển.
Cách đây 6 năm, FPT Software đã đầu tư vào công nghệ di động, phân tích dữ liệu, điện toán đám mây. Tiếp theo chúng tôi đâu từ vào phân tích dữ liệu lớn, vạn vật kết nối (IoT) và hiện nay là trí tuệ nhân tạo (AI).
Các bạn đều biết để đầu tư công nghệ phải có các con người phù hợp. Chúng tôi có 24 Tiến sĩ, 483 Thạc sĩ về chuyên ngành CNTT và Toán tại những trường đại học uy tín của các nước G7.
Cùng với việc đầu tư nghiên cứu phát triển này, thời gian qua, chúng tôi đã cũng chủ động làm việc với những công ty hàng đầu trên toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ như Amazon, Siemens, General Electric, IBM và những tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực viễn thông, thiết bị y tế, xe hơi, sản xuất và thiết kế vi mạch, tài chính.
FPT là một trong những đối tác công nghệ đầu tiên về nền tảng dữ liệu hàng không mở Skywise của Airbus. |
Năm 2018, FPT Software đã chi hơn 1.000 tỷ đồng đầu tư vào công ty tư vấn công nghệ hàng đầu của Mỹ - Intellinet. FPT Software được gì sau thương vụ này?
FPT Software đã có 20 năm kinh nghiệm làm việc trong môi trường toàn cầu. Khách hàng của chúng tôi phần lớn là những công ty trong nhóm lớn nhất thế giới và tại những quốc gia giàu nhất thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận FPT Software chưa có kinh nghiệm và những con người có thể ở vị trí tư vấn chiến lược về chuyển đổi số và dịch vụ CNTT cho họ. Đó là một trong các lý do mà chúng tôi quyết định đầu tư vào Intellinet.
Intellinet có 100 chuyên gia tư vấn có 20-30 năm kinh nghiệm tư vấn cho những tập đoàn hàng đầu của Mỹ. Vì vậy với đội ngũ Intellinet chúng tôi tin rằng sẽ mở rộng năng lực của mình theo hướng cung cấp những giải pháp công nghệ tổng thể tức là từ tư vấn xây dựng dự án, thiết kế, phát triển, triển khai và bảo trì, đặc biệt là dự án chuyển đổi số.
Không những thế cùng với chuyên gia của Intellinet, chúng tôi không chỉ sẵn sàng mở rộng hơn hoạt động tại thì trường Mỹ mà còn vươn xa hơn trên thị trường toàn cầu, trước hết ở châu Âu và Nhật Bản. Điều này giúp chúng tôi thay đổi vị thế của mình.
Ở đây tôi muốn mở rộng thêm một vấn đề nữa, không chỉ là các chuyên gia đẳng cấp thế giới của Intellinet mà hiện nay chúng tôi còn mời những Guru (những người có kinh nghiệm nhiều năm và có uy tính lớn trong một lĩnh vực - PV) trong ngành CNTT trên toàn cầu tham gia cùng chúng tôi trong việc tư vấn, phát triển, triển khai dịch vụ chuyển đổi số cho chính công ty và khách hàng của chúng tôi.
Tại Việt Nam, cụm từ 4.0 và chuyển đổi số được nhắc đến nhiều nhưng không ít lãnh đạo doanh nghiệp cũng đang không biết bắt đầu từ đâu. Từ kinh nghiệm của FPT Software, ông có lời khuyên gì với các doanh nghiệp trong nước?
Quy mô của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay ngày càng lớn, tất nhiên chưa thể so sánh với các doanh nghiệp hàng đầu thế giới, nhưng tôi thấy họ thực sự rất quan tâm về 4.0 cũng như chuyển đổi số. Và cũng như trên thế giới các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang lúng túng không biết bắt đầu từ đâu và đi đến đâu trong việc chuyển đổi số.
Chúng tôi tin rằng với kinh nghiệm của mình trên toàn cầu sẽ có những đóng góp nhất định và hữu hiệu cho những doanh nghiệp trong nước trong hành trình chuyển đổi số.
FPT Software đã đặt ra mục tiêu khá tham vọng cho giai đoạn sắp tới, đó là trở thành công ty hàng đầu thế giới về chuyển đổi số. Vậy trong 5 năm tới, Công ty sẽ làm những gì để có thể hiện thực hóa mục tiêu này?
Chiến lược trong thời gian tới của chúng tôi có hai hướng. Một là trở thành Công ty tỷ USD trong lĩnh vực dịch vụ CNTT. Hai là đạt đẳng cấp World Class (Đẳng cấp thế giới - PV).
Tại sao là Công ty tỷ USD. Trên thực tế quốc gia được xem là cường quốc về xuất khẩu phần mềm đó là Ấn Độ cũng chỉ có 6 công ty có doanh thu quy mô tỷ USD. Quy mô lớn sẽ làm cho chúng ta có vị thế trên toàn cầu có nguồn nhân lực dồi dào, tài chính để đầu tư cho nghiên cứu phát triển.
Còn World Class. Hiện nay năng suất lao động của FPT Software chỉ bằng 50% của các doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Trong 5 năm tới, chúng tôi phấn đấu ngang bằng với những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực dịch vụ CNTT, đặc biệt là dịch vụ chuyển đổi số.
Xin cảm ơn ông!
Chuyển đổi số trong tổ chức, doanh nghiệp là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số, bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây… thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty… Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời. Qua đó, hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao.