Ông Trương Gia Bình cho rằng, Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đòi hỏi mỗi người, mỗi doanh nghiệp phải có hành động thật nhanh. Muốn làm được việc này cần phải thay đổi nhận thức và thái độ hiện tại. Chỉ khi đó mới có thể tiến nhanh và hòa nhập với cuộ CMCN 4.0, bằng không sẽ phải trả giá đắt.
“Kỷ nguyên 3.0 trở xuống là cá lớn nuốt cá bé. Kỷ nguyên 4.0 là cá nhanh ăn cá chậm. Do đó, hành động phải thật nhanh” – ông Trương Gia Bình nói.
Ông Tống Viết Trung, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel đánh giá nhân lực trẻ và sự phổ cập Internet chính là lợi thế của Việt Nam khi tham gia CMCN 4.0. Những khó khăn về nhân lực được nhắc đến trong thời gian gần đây không chỉ của Việt Nam mà là vấn đề toàn cầu. Đối với doanh nghiệp, sự đổi mới cũng bắt đầu từ thay đổi tư duy.
“Ai cũng nói chúng ta phải thay đổi khi chưa ai thay đổi. Nhưng nhiều năm qua, tăng trưởng của ngành viễn thông rất thấp. Khi nghiên cứu thêm thì tôi thấy ngành ngân hàng, IT cũng bị như thế, mặc dù IT và viễn thông là người tham gia chính trong CMCN 4.0. Như vậy, cạnh tranh đã quá khốc liệt. Chỉ những cá nhân, đơn vị nào tạo ra giá trị mới thì được nhà đầu tư rót vốn và có tăng trưởng cao” – ông Tống Viêt Trung cho biết.
Ông Brian Hull, Giám đốc điều hành ABB Việt Nam cho biết, chiến lược 4.0 còn cần phải quan tâm đến tác động của môi trường. Những thiên tai trong thời gian qua đã cho thấy những thông điệp rõ ràng từ thiên nhiên. Nếu không sáng tạo và đưa vào sử dụng những công nghệ mới, rất có thể Việt nam sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt năng lượng.
“Để tạo ra sự thay đổi, cần tự tạo ra thử thách để vượt ra khỏi sự quen thuộc. Với nền kinh tế phát triển như thế này, chúng ta cần đặt ra mục tiêu cao hơn nữa, vươn ra phục vụ khách hàng ngoài nước. Việc thay đổi thái độ, tư duy là một quá trình sẽ diễn ra dần dần” – CEO ABB Việt Nam nhận đinh.
Ông Raimund Klein, Phó Chủ tịch Siemens ASEAN đặt ra vấn đề phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu của Công nghiệp 4.0. Không ai làm việc trong một nhà máy thông minh khi họ bị coi là thấp kém hơn máy móc. Người điều hành cần có thái độ phù hợp, sẵn sàng cho sự thay đổi để cân bằng giữa vấn đề của người lao động và sự tiên tiến của máy móc.
Theo ông Kishore Natarajan (đại diện Tập đoàn Schneider Electric), mỗi người không thể trốn trong vùng an toàn và phải đối mặt với thực tại của CMCN 4.0. Thậm chí, cần thay đổi nhận thức trên diên rộng. Bởi lẽ Việt Nam sẽ không thể phát triển trong CMCN 4.0 nếu chỉ một phần dân số có nhận thức mới. Trong đó, những người muốn thay đổi cần trở thành những ví dụ cụ thể để người khác có thể chứng kiến và học tập.
Ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT mong muốn chiến lược 4.0 của Việt Nam hướng vào việc tăng cường hội nhập hơn nữa. Cơ hội trong nước là có nhưng cần hỗ trợ startup hội nhập mới có thể phát triển được thị trường trong nước, và xuất hiện Uber, Google, Airbnb,... của Việt Nam.
Cần hỗ trợ các startup để vươn ra thị trường quốc tế.
Chia sẻ quan điểm của Chính phủ, ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, các cơ chế chính sách thuận lợi đang được Chính phủ tạo lập. Tuy nhiên, cũng có lúc thực tiễn tiễn đi quá nhanh mà công tác định hướng không theo kịp.
“Tôi cố gắng không nghĩ trong đầu về 4.0. Nhưng nó là tất yếu, nếu không vượt qua thì sẽ phải trả giá. Chính phủ là người dẫn dắt người dân và doanh nghiệp. Cơ chế chính sách đang được Chính phủ tạo ra. Nhưng nhiều khi đi quá nhanh không biết định hướng gì. Quyết tâm của Chính phủ là tạo môi trường. Nếu kết hợp với tư duy sáng tạo của người dân doanh nghiệp thì chắc chắn sẽ thành công.” – Thứ trưởng Phạm Đại Dương nói.