Chiều 18/3, phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh giá, khủng hoảng do Covid-19 gây ra chưa thể tổng kết được mức độ thiệt hại, nhưng qua đánh giá đầu tiên là gây một chuỗi khủng hoảng về lĩnh vực y tế, con người và về kinh tế.
“Về kinh tế có thể kéo dài hết năm 2021 đến 2022. Điều này rất dễ hiểu khi đơn cử như những ngành, các chuỗi cung ứng sản phẩm, công ăn việc làm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều bị ảnh hưởng”, ông Chung nói.
Ông Chung ví dụ các doanh nghiệp may, chuối cung ứng sản phẩm cho thể thao như giày thể thao, dù đã có nguyên liệu đảm bảo cho 70% đơn hàng nhưng không có người nhận vì các nước hiện đang đóng cửa.
Các sự kiện văn hóa thể thao trên toàn thế giới cơ bản đều đã dừng, trừ trường hợp Olympic tháng 7 ở Nhật Bản còn đang bấp bênh. Vì thế, toàn bộ chuỗi cung ứng cho thể thao đã cơ bản chấm dứt, thiệt hại đi theo là rất lớn.
Ông Chung đánh giá, nguồn cung từ Trung Quốc bắt đầu phục hồi, nhưng nguồn tiếp nhận ở Châu Âu, Mỹ lại không có trong 1 - 2 tháng tới. “Cho nên nó là khủng hoảng kép của kép và có thể trở thành đại khủng hoảng”, ông Chung đánh giá.
Vì thế, Hà Nội sẽ bổ sung, đánh giá thêm tình hình, báo cáo Thường trực Thành ủy, thống nhất về phương án phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo chính xác, kịp thời.
Liên quan đến diễn biến Covid-19, ông Chung khuyến cáo các cán bộ, công chức, viên chức, các cơ quan nhà nước phải tiến hành đo thân nhiệt, phun khử khuẩn, yêu cầu đeo khẩu trang. Các trường hợp công chức, viên chức sức khỏe yếu có thể nghỉ. Những đơn vị, công ty, doanh nghiệp có thể hoạt động trên môi trường mạng thì nên triển khai làm việc trực tuyến.
Các trường hợp sinh viên trên địa bàn, nếu có điều kiện thì về nhà, nếu không thì hạn chế di chuyển vì tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm lớn. Các gia đình có con em về từ các vùng Châu Mỹ, Châu Âu, các nước Châu Á trước ngày 18/3 nên cách ly tại nhà, không tiếp xúc với người trong gia đình.
“Hiện có người mới về được 3 ngày đã bắt đầu sốt cao. Gọi điện sang bên Mỹ thì thấy người lái xe đưa học sinh đến trường đã dương tính với Covid-19”, ông Chung thông tin.
Ông Chung cho rằng, hiện nay, các nhà khoa học trên thế giới đã nghiên cứu và cảnh báo rất sát tình hình Covid-19. Bài học từ các nước còn nguyên giá trị, nhiều lãnh đạo cũng mắc bệnh. Vì thế các cơ quan quản lý nhà nước càng phải tổ chức chặt chẽ trong phòng ngừa bệnh, không thể chủ quan được.
“Chỉ sau một thời gian lừng khừng, một số nhà lãnh đạo ở Châu Âu, Mỹ đã thay đổi phát biểu về Covid-19. Chứng tỏ phải có một điều gì đó phức tạp chưa nhìn thấy hết, chưa đánh giá được hết về Covid-19”, ông Chung nói.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng, với diễn biến trên thế giới đang rất phức tạp, thành phố cũng có nguy cơ rất cao. Chỉ cần tăng lên 8 – 10 ca nữa, tổng số ca lên đến 2 con số là người dân có thể dao động.
Vì thế, thành phố chủ động tất cả các biện pháp, người dân cần chăm sóc sức khỏe tốt, đặc biệt là người già, trẻ em, những người bị bệnh, không chủ quan, lơ là và ở trong nhà càng nhiều càng tốt.
Ông Chung chỉ đạo, trên các tuyến đường trọng điểm chở người về từ vùng dịch về các khu cách ly, cần hạn chế đến mức tối đa các xe buýt. Thành phố cũng sẽ hạn chế giao thông công cộng, để người dân tự di chuyển bằng phương tiện của mình là tốt nhất.
Ông Chung tiếp tục khẳng định, thành phố công khai, minh bạch mọi thông tin để nâng cao nhận thức cho chính những người đang thực thi công vụ, cho người dân để phòng chống Covid-19.
“Thành phố đã chủ động, đang kiểm soát tốt tình hình liên quan đến số người nhập cảnh cũng như xác minh số trường hợp có khả năng lây nhiễm chéo. Bóc tách tất cả các trường hợp có biểu hiện lây nhiễm chéo ngay lập tức. Nhưng còn những nguồn trong cộng đồng có thể phức tạp trong những ngày tới, vì vậy cần có thông tin nhanh hơn, để điều hành, khoanh vùng, cách ly kịp thời hơn”, ông Chung nói.