Với sự phát triển ngày càng cao, nhu cầu về điện tiêu dùng và sản xuất ngày càng tăng. Dự kiến, Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 10 tỷ kWh năm 2022; trong khi các nguồn sản xuất điện truyền thống như nhiệt điện, khí điện, thủy điện, hạt nhân… bộc lộ nhiều rủi ro và ảnh hưởng cao đến môi trường. Do vậy, những nguồn năng lượng thay thế đang trở thành xu hướng tất yếu.
Giai đoạn 2018-2019 chúng ta đã chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của năng lượng mặt trời với hàng loạt dự án liên tục được triển khai, nhằm được hưởng chính sách giá ưu đãi từ Quyết định 11/QĐ-TTg ban hành ngày 11/4/2017. Tuy nhiên, Bộ Công Thương (MOIT) cũng đã công bố Quyết định 9608/BCT ban hành ngày 16/12/2019 dừng cấp phép các dự án năng lượng mặt trời mới.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Minh Tuấn – Tổng Giám đốc BCG Energy cho biết: "Thực tế do sức nóng quá lớn từ các dự án điện mặt trời nên Bộ phải ra quyết định để rà soát lại. Tuy nhiên, theo tôi năng lượng tái tạo vẫn là định hướng phát triển dài hạn; đặc biệt là năng lượng áp mái cho các doanh nghiệp".
Với năng lượng điện áp mái, các doanh nghiệp, nhà máy sẽ nhận được nhiều lợi ích như: mái nhà được gia cố, giảm 405 độ C nhiệt độ dưới mái cùng các chứng chỉ về môi trường – đồng thời cũng là lợi thế trong lĩnh vực hoạt động thương mại. Bên cạnh các dự án điện mặt trời quy mô lớn hiện nay, BCG Energy cũng đã triển khai 82MWp trên các nhà máy tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Đồng Nai… Công ty cũng hợp tác với các bên hướng đến mục tiêu hoàn thành 500MWp năng lượng mặt trời áp mái cho giai đoạn 2020-2024.
Năm 2019, BCG Energy đã đưa vào khai thác thương mại 2 nhà máy BCG – CME Long An 1 và 2 với tổng công suất 140MW. Công ty đang hoàn tất thủ tục pháp lý nhằm triển khai dự án khác tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng; mục tiêu đến năm 2021 sẽ đạt công suất từ 1,5GW đến 2GW, đồng thời phát triển các dự án khí hoá lỏng LNG. Ngoài ra, với năng lượng gió, ông Tuấn chia sẻ hiện BCG Energy cũng đang xúc tiến cho 2 dự án trong thời gian tới.
Ông Phạm Minh Tuấn – Tổng Giám đốc BCG Energy.
Trở lại với năng lượng mặt trời áp mái, mặc dù có nhiều lợi ích song những năm trước đây vẫn chưa có nhiều khu công nghiệp sản xuất tiến hành phương pháp này. Nguyên nhân theo ông Nguyễn Văn Bé – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp KCN Tp.HCM (HBA): "Sử dụng năng lượng áp mái thứ nhất lợi nhuận không lớn nhưng vốn đầu tư lại cao".
Theo đó, những giải pháp nhằm giảm thiểu áp lực tài chính cho doanh nghiệp được đưa ra như hỗ trợ vốn ban đầu, liên kết cùng làm hoặc cho thuê mái nhà để Hiệp hội thực hiện. Bởi, năng lượng áp mái theo ông Bé sẽ là động lực phát triển và đổi mới, không chỉ giảm thiểu đáng kể lượng khí thải CO2 mà còn hỗ trợ giảm áp lực thiếu hụt điện trên toàn quốc những năm tới.
Mặt khác, đại diện HBA cũng nhấn mạnh, liên quan đến dòng vốn, nếu 2 năm trước khó khăn lớn của điện mặt trời áp mái là thời gian hoàn vốn ước tính phải đến 10-12 năm; thì đến nay con số trên đã được tiết giảm đáng kể về chỉ còn 5-7 năm.
Trong ký kết hợp tác phát triển điện mặt trời áp mái trên các nhà máy tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao tại Tp.HCM với BCG Energy, HBA dự kiến giai đoạn 2020-2024 sẽ phát triển ít nhất 300MWp điện. HBA cũng đặt mục tiêu tổng công suất lên đến 1.000MWp điện mặt trời áp mái trên hơn 1.000 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội, giảm thiểu 23 triệu tấn CO2 nhằm giảm áp lực ô nhiễm môi trường.
Được biết, HBA được thành lập từ năm 2003, là Hiệp hội của 17 khu chế xuất – khu công nghiệp và khu công nghệ cao với khoảng trên 1.600 nhà máy đang hoạt động, 400 dự án đang triển khai trong đó có hơn 500 nhà máy FDI.