TS Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam.
Để hiểu rõ hơn về tình hình giá cả, dự báo thị trường của các sản phẩm gia cầm trong thời gian sắp tới, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam.
Hiện, giá gia cầm đang có diễn biến như thế nào, thưa ông?
- Do ảnh hưởng của dịch virus corona khiến các bếp ăn tập thể, các khu công nghiệp, trường học tạm ngừng hoặc giảm tiêu thụ, trong khi nguồn cung sản phẩm gia cầm lại đang ở mức cao nên đã đẩy giá gia cầm giảm sâu trong những ngày sau Tết Nguyên đán Canh Tý.
Theo số liệu thống kê thì năm 2019 vừa qua. đàn gia cầm cả nước có mức tăng kỷ lục, đạt khoảng 670 triệu con (mức tăng rất cao so với các năm trước). Tuy nhiên, nếu thống kê thực tế chính xác số lượng đầu gia cầm có thể còn tăng gấp nhiều lần so với số liệu trên lý thuyết. Trong đó các công ty, doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi lớn vẫn đang có đầu gia cầm lớn, chiếm khoảng trên 50% lượng gia cầm của cả nước.
Giá gia cầm tăng nhanh nhưng người nuôi tại các tỉnh vẫn chưa có lãi.
Nhìn chung, thời điểm này các lứa gà nuôi trong Tết đến giờ bà con đã gần như xuất bán hết, khiến nguồn cung giảm dần. Đây chính là nguyên nhân chặn đà giảm của một số loại gia cầm thương phẩm.
So với sau Tết Nguyên đán, hai ngày gần đây giá gia cầm ở một số địa phương đã tăng trở lại, với mức tăng từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng/kg.
Trong đó giá gà công nghiệp dao động từ 18.000 đồng đến 20.000 đồng/kg, giá gà ta luôn có giá cao hơn các loại gà khác, hiện đang ở mức từ 65.000 đồng đến 70.000 đồng/kg. Cùng với đó, giá vịt thịt đang được giao dịch trong dân và trên thị trường ở mức trên dưới 35.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá gà ta nguyên lông bán tại các chợ truyền thống vẫn còn khá cao, từ 100.000 - 110.000 đồng/kg, thấp hơn thời điểm trước Tết Nguyên đán từ 10.000 - 20.000 đồng/kg. Gà công nghiệp bán tại chợ giá khoảng 55.000 đồng/kg. Trong khi đó, gà ta đã làm sạch trong siêu thị giá từ 99.000 - 134.000 đồng/kg, gà công nghiệp từ 60.000 đồng/kg, giá gà thả vườn 85.000 đồng/kg.
Đây là mức tăng chung cho cả nước, chứ không riêng gì các vùng. Tuy nhiên, so với giá thành sản xuất, mức giá trên thì người nuôi vẫn chưa có lãi, nhất là người nuôi gà công nghiệp vẫn phải chịu lỗ.
Ông có dự đoán như thế nào về giá gia cầm trong thời gian tới?
- Dù giá gia cầm đang tăng, song theo dự đoán của tôi, do ảnh hưởng của nhiều loại dịch bệnh xuất hiện cùng lúc, nhất là dịch virus coroa nên giá mặt hàng này cũng không tăng quá đột biến, không thể bằng giá trước Tết được.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, trong đó đáng lưu ý là dịch cúm A/H5N6 đang xảy ra tại một số tỉnh khiến người chăn nuôi có phần e ngại và có thể bà con sẽ không tăng và vào đàn gia cầm, đây sẽ điều kiện giúp nguồn cung gia cầm dần cân đối, do đó giá mặt hàng này có thể sẽ tăng lên trong thời gian tới.
Cảnh mua, bán gia cầm tấp nập tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ (Hà Nội).
Trong thời điểm có dịch bệnh như hiện nay, chúng ta cần làm gì để hạn chế dịch bệnh, đảm bảo việc chăn nuôi của bà con được ổn định, bền vững, thưa ông?
-Trong thời điểm này, các ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương cần vào cuộc quyết liệt trong việc tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và sự lưu hành của virus cúm gia cầm, phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành cũng cần tăng cường giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc.
Cùng với đó, chúng ta cần tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong chăn nuôi, giết mổ gia cầm, không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch; sử dụng thịt gia cầm phải nấu chín, không ăn tiết canh…
Các tỉnh, thành cần tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao để tiêu diệt các loại mầm bệnh. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ gia cầm, không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc.
Về phía người chăn nuôi cũng cần phải có sự kiểm soát về quy mô đàn vật nuôi và mọi người nên chuyển sang chăn nuôi an toàn sinh học để bảo vệ đàn gà, vịt, ngan của mình trước dịch bệnh.
Theo thông tin PV Dân Việt mới cập nhật, tại một số siêu thị ở TP.Hồ Chí Minh, giá thịt gà ta làm sẵn đang dao động từ 99.000 - 134.000 đồng/kg, giá thịt gà thả vườn 70.000 - 85.000 đồng/kg, thịt gà công nghiệp khoảng 60.000 đồng/kg. Cụ thể, giá từng loại sản phẩm như cánh gà ở mức 86.000 - 89.000 đồng/kg, lòng gà 55.000 đồng/kg, má đùi gà 46.000 - 50.000 đồng/kg, đùi tỏi gà 77.000 đồng/kg, đùi gà góc tư 58.000 - 60.000 đồng/kg; chân gà: 49.900 - 51.000 đồng/kg, còn gà kiến giá 133.900 đồng/kg. |