Chia sẻ tại hội thảo "Những thay đổi của thế giới: Cơ hội, thách thức và giải pháp thích ứng đối với doanh nghiệp Việt Nam", do tạp chí Nhà Đầu tư/nhadautu.vn tổ chức sáng 18/11, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, trong 10 tháng đầu năm nay, ngành dệt may đã xuất khẩu 32 tỷ USD, trong đó các sản phẩm may mặc chủ yếu chiếm khoảng 23,5 tỷ USD, các sản phẩm xuất khẩu vải khoảng 2 tỷ USD.
Đối với lĩnh vực sợi, trong 10 tháng Việt Nam đã xuất khẩu 4,7 tỷ USD và dự kiến sẽ xuất khẩu 5 tỷ USD trong năm nay.
"Hiện Việt Nam đã xuất khẩu vải vào thị trường CPTPP, thị trường Canada. Riêng Canada mua vải của Việt Nam rất nhiều. Ngoài ra Trung Quốc đã nhập khẩu vải của chúng ta khoảng 3,7 tỷ USD trong 10 tháng", Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam thông tin tại hội thảo.
Về thị trường nhập khẩu, Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất, chiếm 46% trong tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam, theo sau đó là Trung Quốc, Nhật bản, khối EU, Hàn Quốc.
Liên quan đến vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng lao động do đại dịch, ông Giang khẳng định đối với ngành dệt may thì vấn đề này không đáng kể. Số người lao động bỏ việc trong đại dịch chỉ chiếm khoảng 6,7%. Bản thân các doanh nghiệp cũng đã hỗ trợ cho người lao động trong 4 tháng đóng cửa, nhiều doanh nghiệp đã ứng trước cơ chế hỗ trợ của Chính phủ.
Về vấn đề quản trị rủi ro, quản trị khủng hoảng, theo ông Giang, Hiệp hội dệt may có sự tham gia của 32% là doanh nghiệp FDI và 68% doanh nghiệp trong nước. Trong đó, doanh nghiệp FDI có các giải pháp về chống rủi ro, chống khủng hoảng nên khi xảy ra sự cố họ đã chống đỡ tốt và đỡ thiệt hại hơn các doanh nghiệp trong nước. Còn doanh nghiệp Việt chỉ có 4% làm được như vậy. Chỉ những doanh nghiệp đủ khả năng tài chính mới chú trọng vấn đề này.
Cũng tại hội thảo, ông Vũ Đức Giang đã chia sẻ về việc sản xuất chiếc áo y tế level 4. Theo ông Giang, trong thời gian giãn cách, riêng TP.HCM một ngày cần đến 23.000 bộ level 4 cho các bác sĩ trong các bệnh viện điều trị COVID. Nhưng trong tháng 8 tất cả các nhà máy đều phải đóng cửa do dịch.
"Trong thời gian đóng cửa đó, tôi đã cho rà soát lại những nhà máy đủ khả năng, có giấy phép để sản xuất áo y tế level 4, nhưng những doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn sản xuất sản phẩm này lại rất ít. Có một doanh nghiệp rất may trong đầu năm 2020 đã mạnh dạn đầu tư thiết bị công nghệ, làm thủ tục giấy phép với Bộ Y tế của Việt Nam và Mỹ. Nhưng vấn đề là không có một nhà máy nào của Việt Nam sản xuất được loại vải này, vì không có một nền công nghiệp được định hướng từ đầu.
Lúc đấy, với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội tôi đã liên hệ với thành phố và giao cho một đơn vị làm đầu mối đứng ra nhập khẩu vải và các trang thiết bị, còn nhà máy sản xuất thì đặt tại Ninh Thuận, Khánh Hòa. Sau thời gian dài lên đến 92 ngày, chúng tôi đã sản xuất được bộ sản phẩm áo y tế level 4 cho TP.HCM", ông Vũ Đức Giang nói.
Ông Giang cho biết đây là một câu chuyện đau lòng cho việc không có một chiến lược công nghiệp cụ thể, từ đó ông kiến nghị Chính phủ nên hoạch định chiến lược các sản phẩm tái tạo; xây dựng chiến lược xanh hóa để bắt kịp xu thế của thế giới. Bên cạnh đó các chính sách cho người lao động và quản trị số, tự động hóa cần hợp lý để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, đáp ứng phát triển bền vững trong tương lai.