Hiện nay, tình hình dịch bệnh tại Việt Nam vẫn được kiểm soát tốt nhưng trên thế giới, tại nhiều quốc gia, khu vực có mối quan hệ thương mại lớn với Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… thì dịch bệnh vẫn rất nghiêm trọng. Với biến số dịch bệnh bên ngoài vẫn khó đoán trước, nền kinh tế Việt Nam thì lại rất mở với bên ngoài.
Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV đánh giá: Trước tình hình diễn biến khó lường của thế giới, chắc chắn Chính phủ Việt Nam sẽ có những bước đi cẩn trọng, nhất là việc xem xét liệu chúng ta nên mở cửa đón khách nước ngoài ở mức độ nào.
Ông cho rằng việc mở cửa "một phần" sẽ diễn ra, nhưng phải sau tháng 5. Do đó, ngành chịu thiệt hại lớn nhất của nước ta trong Quý II và Quý III sẽ tiếp tục là ngành du lịch, vận chuyển và các ngành dịch vụ khác.
Về lĩnh vực công nghiệp, hiện nay nhiều nước trong đó có Mỹ đang dự tính tái mở cửa sản xuất, mặc cho dịch bệnh đang bùng phát. Vì thế, ông Thân tương đối lạc quan rằng xuất khẩu công nghiệp của nước ta sẽ phục hồi nhẹ trong tháng 6 và Quý III.
Đối với lĩnh vực nông & thủy sản, hiện nay xuất khẩu từ Việt Nam qua các thị trường lớn như Mỹ và Trung Quốc đã dần phục hồi và có dấu hiệu tăng trưởng dương. Do vậy, ông Thân dự đoán ngành nông & thủy sản sẽ có khả năng phục hồi sớm nhất.
Tư duy ở phương Tây hiện có 2 trường phái: miễn dịch cộng đồng và phòng chống như chúng ta đang làm. Tranh luận chuyện này rất căng thẳng, ông Thân nói, có bên cho rằng ở trong nhà và không làm gì còn dễ chết trước khi chết vì Covid-19.
"Nhưng ở đây dự đoán nền kinh tế 2020, dứt khoát GDP sẽ giảm xuống. Nếu Quốc hội không giảm chỉ tiêu tăng trưởng thì Chính phủ phải gồng lên và quá sức thì sẽ rất nguy hiểm. Cần phải giảm xuống, nhưng cần tham mưu chuẩn để vừa kiểm soát được và vừa đảm bảo nguồn sống" - ông Thân nhấn mạnh.