Tình hình căng thẳng đang tiếp tục diễn ra tại trạm BOT Cai Lậy trong ngày đầu thu phí trở lại. Nhiều lái xe sử dụng tiền lẻ để trả phí và tình trạng ùn tắc kéo dài tiếp tục diễn ra. Quyết định xả trạm đã được đưa ra. Hai lái xe bị lực lượng an ninh tạm giữ, nhưng đã được thả về sau đó ít giờ.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã có cuộc trao đổi với báo Trí Thức Trẻ về tình hình hiện nay.
Theo ông, cần có giải pháp như thế nào để hạ nhiệt tình hình tại BOT Cai Lậy hiện nay?
Thực ra, giảm phí cũng là một giải pháp để hạ nhiệt tình hình. Nhưng phản ứng của người dân cho thấy họ chưa đồng tình. Chỉ có chuyển vị trí đặt trạm mới bảo đảm ổn thỏa.
Hiệp hội chúng tôi đã có văn bản báo cáo Thủ tướng về vấn đề tại trạm BOT Cai Lậy. Kiến nghị của chúng tôi là chuyển trạm về vị trí đường tránh. Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã trả lời rõ rằng, không thể làm như thế được. Ngân sách cũng không có tiền để mua lại trạm vì số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, khi chuyển trạm thì đường qua thị xã Cai Lậy sẽ càng tắc nghẽn bởi người ta sẽ không đi vào đường tránh mà vẫn đi vào đường QL1. Cho nên rất phức tạp.
Nhưng ông Lưu Văn Hào, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang (nhà đầu tư dự án) cho rằng không thể di dời trạm thu phí. Vị trí đặt trạm hiện tại cũng hoàn toàn trong phạm vi dự án, đúng theo hợp đồng?
Thực ra, bây giờ dỡ trạm này và chuyển về đường tránh thì cực kỳ khó khăn cho nhà đầu tư. Tôi cũng khẳng định như vậy. Việc này làm đổ vỡ phương án tài chính của họ và sẽ đẩy họ đến chỗ phá sản. Không nên dùng từ không thể. Cái gì cũng có thể được. Trong giai đoạn này là khó nhưng đừng nghĩ là không thể.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam
Sắp tới, Bộ GTVT sẽ áp dụng thu phí không dừng tại trạm BOT Cai Lậy. Theo ông, tình hình sẽ diễn biến như thế nào khi lái xe không còn có thể sử dụng tiền lẻ để trả phí?
Sẽ không thể có chuyện chuyển sang thu phí không dừng ở tất cả các cửa thu phí. Bởi vì hiện nay người lái xe cũng chưa được tuyên truyền về việc này. Trong năm nay và đến đầu năm 2018, các trạm đều phải có tối thiểu một cửa thu phí không dừng. Những cửa còn lại vẫn yêu cầu xe phải dừng lại để thu phí. Hết năm 2019, đến năm 2020 thì dứt khoát phải chuyển sang thu phí không dừng. Vậy, phải đợi đến hết năm 2019, trạm BOT Cai Lậy mới chấm dứt kiểu thu phí như hiện nay.
Nếu lắp đặt hệ thống thu phí không dừng ngay lúc này, sẽ gây thêm tắc nghẽn vì lái xe đến trạm nhưng không có thẻ. Đây là giải pháp không suôn sẻ cho vấn đề hiện nay và cũng mất nhiều thời gian thực hiện.
Còn vấn đề giữa nhà đầu tư và nhà nước thì sao?
Nhà nước là một bên ký kết hợp đồng thì nhà nước phải chịu trách nhiệm. Nhà đầu tư cũng đã nói sẽ kiện Bộ GTVT nếu tình hình không được giải quyết. Nếu Bộ GTVT không làm được thì nhà đầu tư có quyền kiện ra tòa theo các điều khoản trong hợp đồng đã ký kết. Trong dự án này, Nhà nước đã không lường được hết tình hình. Lúc đầu chỉ mong làm sao có con đường đi nhưng không nghĩ rằng việc thu phí sẽ phức tạp.
Bây giờ, cần nghiên cứu trạm Bến Thủy, vì họ đã giải quyết êm xuôi được vấn đề. Nên nhớ rằng, việc trả tiền lẻ của lái xe diễn ra đầu tiên tại Bến Thủy. Các bên ở Cai Lậy cần nghiên cứu, học tập kinh nghiệm để giải quyết vấn đề. Đồng thời cũng cần đối thoại với dân. Sai chỗ nào thì nhận lỗi và đề nghị người dân cùng chia sẻ khó khăn.
Nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước phải xây dựng đường để phục vụ nhu cầu di chuyển. Nhà đầu tư tư nhân sẽ xây dựng những con đường song song hoặc theo tuyến khác và tiến hành thu phí với con người này. Người dân được lựa chọn đi đường không mất phí do Nhà nước xây dựng hoặc trả tiền để di chuyển trên con đường mới do tư nhân đầu tư. Theo ông, tại sao mọi ý kiến đều nghĩ rằng QL1 vẫn là sự lựa chọn của lái xe kể cả khi trạm thu phí được di dời vào tuyến đường tránh?
Khi tiến hành dự án, dường như không ai nghĩ như vậy. Các bên đều nghĩ là làm đường tránh, sau đó nâng cấp một chút đường QL 1 qua Cai Lậy và đặt trạm ở ngã 3 đường để đảm bảo phương án tài chính. Hồi đó, chưa có ai nghĩ về việc phải để cho người dân được lựa chọn.
Bây giờ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa Nghị quyết 437 về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Tới đây, dứt khoát các dự án BOT chỉ áp dụng với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân. Có Nghị quyết thì mới thực hiện. Tất cả cũng do cơ chế. Nếu cơ chế cũ không như vậy thì đã không có những việc như thế này.
Trạm thu phí đường bộ BOT Cai Lậy
Theo ông, với cơ chế mới, tương lai liệu có diễn ra những vụ Cai Lậy tiếp theo không?
Tôi khẳng định là không có. Không ai được làm trái Nghị quyết. Có thể còn một vài dự án dở dang thì vẫn phải chấp nhận. Còn những dự án chuẩn bị đầu tư thì không.
Cách đây ít ngày, Bộ GTVT cũng đã dừng triển khai dự án BOT mở rộng QL30 nối từ huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đến huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Điều này thể hiện sự nghiêm túc của Bộ GTVT trong việc thực hiện Nghị quyết của UBTVQH. Tôi cũng được biết, dự án cao tốc Bắc – Nam cũng sẽ không có đoạn tuyến nào nằm trên đường cũ.
Trên cương vị Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, ông có lời nhắn nhủ nào đến các tài xế, doanh nghiệp vận tải?
Tôi cũng thấy buồn về sự việc diễn ra tại BOT Cai Lậy. Nhưng phải ghi nhận lợi ích của BOT khi đã giúp nhanh chóng nâng cấp được hệ thống đường. Hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn tư nhân đã được huy động để phát triển giao thông. Không có BOT và sự quyết liệt thực hiện trong thời gian vừa qua thì đường xá vẫn còn xập xệ. Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT là vẫn tiếp tục BOT vì Ngân sách Nhà nước eo hẹp. Một vài trục trặc hiện nay sẽ phải khắc phục.
Đối với sự việc tại Cai Lậy, tôi đề nghị công an hết sức bình tĩnh. Tôi cũng hiểu lực lượng an ninh bất đắc dĩ phải làm một số việc để giữ trật tự. Sau khi tạm giữ, 2 anh em lái xe đã được thả vì họ không có dấu hiệu bị kích động. Đây chỉ là sự phản ứng mang tính cá nhân.
Hiệp hội khuyến cáo anh em lái xe giữ bình tĩnh, không nên có những hành động quá khích, gây rối loạn trật tự giao thông.