Câu chuyện về khơi thông nguồn lực và dẫn vốn cho doanh nghiệp thông qua thị trường chứng khoán đang trở nên rất "nóng" trong bối cảnh kênh đầu tư này liên tục thăng hoa thời gian qua. Tài khoản mở mới, thanh khoản liên tục tăng cao ngay cả khi đại dịch bùng phát mạnh. Đáng chú ý thời gian qua, hai sàn chứng khoán là HNX và UPCoM đều đang rất thành công trong việc thu hút sự chú ý của toàn bộ giới đầu tư với các cột mốc cũng như kỷ lục về tăng điểm. Điều này sẽ có tác động rất tốt tới việc doanh nghiệp huy động nguồn vốn nhằm bổ sung cho hoạt động kinh doanh của mình.
Chia sẻ trong buổi tọa đàm trực tuyến "Thị trường chứng khoán: Khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp - kênh đầu tư sinh lời và tích sản" do Báo đầu tư tổ chức, ông Nguyễn Duy Thịnh, Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho rằng, hướng đi của việc phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam cho tới hiện tại đang thể hiện rất đúng đắn và hợp lý, góp phần huy động vốn cho các doanh nghiệp thông qua nhiều hình như cổ phiếu IPO lần đầu, phát hành bổ sung hay sau này là kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Những kênh dẫn vốn này đã giải tỏa áp lực cho hệ thống ngân hàng khi mà định chế tài chính ngân hàng chủ yếu chỉ cung cấp các khoản vay ngắn và trung hạn. Còn việc huy động vốn dài hạn mới là nhu cầu chính đáp ứng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Nguồn: Tọa đàm tổ chức bởi Báo Đầu tư
Nói riêng về sàn giao dịch UPCoM, ông Thịnh đánh giá lịch sử 12 năm giao dịch đã cho thấy đây là thị trường tiềm năng và có tốc độ phát triển nhanh. Với sứ mệnh ban đầu chỉ là thu hẹp phần thị trường chưa tổ chức và mở rộng thị trường có tổ chức nhằm bảo vệ và giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư khi tham gia thị trường niêm yết. Tuy nhiên đến hiện tại, sàn UPCoM đã vươn lên và trở thành thị trường rất hấp dẫn, từng bước là kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp và có sức hấp dẫn nhất định với công chúng đầu tư.
Vốn huy động từ phát hành cổ phiếu bổ sung trên UPCoM đã lên tới hơn 150.000 tỷ đồng; quy mô thị trường cũng vượt mức 1,5 triệu tỷ đồng, tương ứng 18,3% GDP năm 2020. Cùng tốc độ, thanh khoản cũng tăng mạnh trong nửa đầu năm 2021 đã lên ngưỡng 1.500 tỷ đồng/phiên – xấp xỉ 50% giá trị giao dịch bình quân trên thị trường niêm yết HNX, gấp 4 lần giá trị năm 2020 và khoảng 5 năm lần 2019. Thậm chí trong thời gian gần đây, những phiên giao dịch tới 4.300 tỷ đồng/phiên đã bắt đầu xuất hiện.
Bản chất, sàn UPCoM có nhiều đặc thù như không đòi hỏi quá nhiều yêu cầu, chỉ cần là công ty đại chúng đã có thể lên sàn giao dịch. Chính vì tính mở rộng này mà hiện UPCoM đã có khoảng 900 mã cổ phiếu đang giao dịch, gồm nhiều quy mô vốn hóa và quy mô ngành nghề kinh doanh, đặc biệt là một số doanh nghiệp vốn cổ phần nhà nước. Hay đặc thù hơn, một số doanh nghiệp chưa muốn niêm yết ngay mà để thêm thời gian tập dượt trên thị trường cũng sẽ lựa chọn UPCoM là nơi giao dịch.
Hiện 1/3 lượng cổ phiếu UPCoM có chỉ số EPS trên 1.000 đồng và khoảng 100 cổ phiếu có EPS trên 3.000 đồng. "Một số cổ phiếu vẫn đang có thị giá thấp hơn nhất nhiều so với giá trị hợp lý của doanh nghiệp, như những viên ngọc thô chưa được khai phá, cho thấy tiềm năng lớn của các cổ phiếu giao dịch UPCoM. Đặc biệt khi biên độ dao động của UPCoM là lớn tới 15% thì các cổ phiếu sẽ càng trở nên hấp dẫn với giới đầu tư", ông Thịnh chia sẻ.
Đặc biệt, ông Thịnh cho biết khi thị trường có những nhịp rung lắc mạnh, nhà đầu tư nước ngoài sẽ có xu hướng bán ròng trên các sàn chứng khoán niêm yết và mua ròng tại sàn UPCoM.
Bổ sung thêm, ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư cho biết, từ thời điểm mới thành lập, sàn HNX cũng chỉ có quy mô và lượng giao dịch như sàn UPCoM bây giờ, và sự lớn mạnh nhanh chóng của HNX tới thời điểm hiện tại là rất mạnh mẽ và đột phá. Do đó, nếu nhìn vào tốc độ phát triển nhanh và mạnh của sàn HNX trong thời qua thì hoàn toàn có thể kỳ vọng vào sự bứt phá của sàn giao dịch UPCoM trong thời gian tới.