"Doanh nghiệp Mỹ sẽ tiếp tục đầu tư tại Việt Nam", ông Michael Kelly - Chủ tịch Amcham cho biết tại Hội nghị nhìn lại 30 năm thu hút FDI vừa diễn ra. Ông Michael cũng đồng thời là Chủ tịch điều hành cấp cao The Grand Hồ Tràm Strip.
24 năm kể từ khi những nhà đầu tư Hoa Kỳ lần đầu tiên tham gia vào thị trường Việt Nam, đã có nhiều sự thay đổi lớn. Ông Michael cho rằng hoạt động thương mại là nền tảng giúp cải thiện quan hệ cho hai nước, sau khi Tổng thống Bill Clinton dỡ bỏ lệnh cấm vận.
Quan hệ tốt đẹp của hai bên được thể hiện rõ qua các con số. Đơn cử như nếu năm 1995 thương mại hai chiều Việt – Mỹ chỉ ở mức 450 triệu USD thì đến nay đạt 60 tỷ USD. Người Mỹ cũng tham gia đầu tư ở hầu hết lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh lợi nhuận thu về, ông Michael cho biết các doanh nghiệp Mỹ còn giúp Việt Nam nâng cao hiệu suất lao động, cách thức quản trị…
Theo đại diện Amcham, Mỹ là nhà đầu tư lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, ông chỉ ra nghịch lý, rằng dù dòng vốn có nguồn gốc Hoa Kỳ là lớn, nhưng do các trở ngại liên quan đến chính sách thuế, các doanh nghiệp Mỹ phải dùng pháp nhân là một nước thứ 3.
"Nhiều nhà đầu tư Mỹ đầu tư dưới quốc tịch khác", ông Michael nói. Ví dụ, ông cho biết nhà máy lắp ráp hàng tỷ USD Intel được ghi nhận là Intel Hong Kong, P&G với nhà máy sản xuất hoá mỹ phẩm trị giá 100 triệu USD lại có "nguồn gốc" Singapore.
"Bản thân chúng tôi cũng trong trường hợp như vậy, Hồ Tràm đang sử dụng pháp nhân Canada", ông cho biết.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), luỹ kế đến tháng 9/2018, Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam 8,87 tỷ USD với 880 dự án, xếp thứ 11/129 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.
Vị trí xếp hạng quanh quẩn từ 9 - 11 này nhiều lần được nhắc đến như một hình ảnh rất khiêm tốn của "ông lớn" Hoa Kỳ, vốn không tương xứng với tiềm năng của hai nước. Không ít lần, các chuyên gia Việt, như GS. Nguyễn Mại đã trăn trở: "Đầu tư của Mỹ vào Việt Nam quá ít so với FDI của họ trên thế giới nói chung, ASEAN nói riêng".
Như vậy, với thông tin của đại diện Amcham đưa ra, có thể lượng vốn đầu tư của người Mỹ vào thị trường hơn 90 triệu dân này nhiều hơn con số đã được ghi nhận.
Đối với việc thu hút dòng vốn trong tương lai, Chủ tịch Amcham nhận xét sự đang có sự cạnh tranh lớn giữa các quốc gia. Việt Nam, nếu muốn tiếp tục thành công trong việc kêu gọi, giữ chân dòng vốn ngoại, cần phải cải thiện thêm môi trường kinh doanh.
Ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam thời gian qua, nhưng ông Michael mong muốn các thủ tục hành chính được tinh giản hơn cũng như kiểm soát được tình trạng quan liêu.
"Chúng tôi vẫn lạc quan về kinh tế Việt Nam", ông nói nhưng bày tỏ sự quan ngại về những chính sách, thủ tục chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, gây rủi ro, trở ngại lớn khi đầu tư.
Luật pháp được vị này nhấn mạnh cần tính công bằng, khách quan. Luật theo đó cần có các điều kiện kèm theo rõ ràng, đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp. "Sân chơi bình đẳng không chỉ để thu hút mà còn giữ chân nhà đầu tư", ông nói.
Ông Michael cũng bày tỏ Amcham mong muốn được giúp với Chính phủ Việt Nam cùng giải quyết các thách thức phát sinh. "Tôi tin môi trường kinh doanh có thể cải thiện hơn nữa nhờ chính sách của Chính phủ", ông cho biết và tỏ ra lạc quan khi khẳng định "30 năm FDI tiếp sẽ là cơ hột tuyệt vời!".