Sở GDCK Tp.HCM (HoSE) đã thông báo về việc niêm yết của hơn 129 triệu cổ phiếu GDC của CTCP Tập đoàn Hóa Chất Đức Giang. Ngày giao dịch đầu tiên nhằm ngày 28/7/2020 với giá tham chiếu 39.700 đồng/cp. Trước đó cổ phiếu DGC đã hủy niêm yết trên HNX, đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng ở mức giá 40.400 đồng/cp.
Tương lai cần 10.000 tỷ vốn, trước mắt sẽ phát hành huy động 2.500 tỷ
Chia sẻ tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, Chủ tịch HĐQT Đào Hữu Huyền nhấn mạnh việc niêm yết lên sàn HoSE là cần thiết để tăng tính thanh khoản, huy động nguồn vốn phát triển công ty, đem lại giá trị cho cổ đông. "Sai lầm của chúng tôi là ngay từ đầu không niêm yết HoSE, vì thời điểm đó doanh nghiệp cũng đã đạt đủ điều kiện rồi", ông Huyền nói thêm.
Trong đó, lộ trình huy động vốn thời gian tới, ban lãnh đạo DGC cho biết từ nay đến năm 2026 sẽ tiêu khoảng 10.000 tỷ. Hiện tại Công ty đang có khoảng 1.500 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng và tiền lãi. Tập đoàn dự kiến phát hành mới 2.500 tỷ đồng cho cổ đông và nhà đầu tư riêng lẻ (bao gồm 1.000 tỷ cho đối tác nước ngoài). Lợi nhuận tích lũy cho 5 năm tới dự kiến khoảng 4.000 tỷ (đây là con số ước chừng thực tế).
Con số còn lại sẽ vay ngân hàng, huy động các kênh vốn khác. Nói là vậy, DGC chủ trương không phụ thuộc nhiều vào vốn vay, ông Huyền nhấn mạnh có thể trích từ khoản quỹ dự phòng để giảm thiểu tối đa việc vay vốn nhà băng.
Riêng phương án phát hành tăng vốn, trước mắt DGC đã thăm dò một số cổ đông hiện hữu về khả năng huy động 1.500 tỷ đồng. Với đối tác ngoại đến nay DGC ghi nhận có 2 đơn vị muốn tham gia mua 20-25% cổ phần doanh nghiệp.
Vinachem chưa có kế hoạch thoái vốn tiếp theo
Tính đến tháng 3/2020, DGC có 5 cổ đông lớn chiếm 39,58% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành. Trong đó ông Huyền (Chủ tịch) là cổ đông lớn nhất nắm giữ hơn 23 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 17,93%). Tập đoàn Hóa chất Việt Nam là cổ đông lớn thứ 2 sở hữu 8,85% vốn điều lệ.
Năm 2019, Vinachem đưa hơn 11,45 triệu DGC ra bán đấu giá với giá khởi điểm 49.100 đồng/cp. Kết quả đấu giá, chỉ có 2 nhà đầu tư mua được 200 cổ phiếu. Chia sẻ với nhà đầu tư về kế hoạch thoái vốn tiếp theo của Vinachem, lãnh đạo DGC cho biết, đã có họp HĐQT với đại diện vốn của Vinachem, nhưng chưa thấy có kế hoạch thoái vốn tiếp tại DGC.
Mặt khác, là công ty gia đình với sự gắn bó 3 thế hệ, ban lãnh đạo DGC cho biết dù rất cởi mở trong việc phát hành cho đối tác mới, tuy nhiên Công ty chưa nghĩ đến việc cho một đơn vị nắm cổ phần chi phối. Ông Huyền cho biết, ông và gia đình nằm giữ tổng cộng khoảng 40% vốn DGC.
Về kinh doanh, hiện sản xuất phốt pho vàng và bột giặt, chất tẩy rửa là sản phẩm cốt lõi của Công ty, mang lại nguồn thu chính. Ngoài ra, Công ty còn sản xuất và kinh doanh thương mại nhiều sản phẩm hóa chất cơ bản khác.
Năm 2019, Công ty đạt 5.090 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm đáng kể so với năm 2018. Nguyên nhân do nhu cầu về hàng phốt pho vàng, WPA trên thế giới giảm về số lượng và giá. Ngoài ra, nhu cầu phân bón chứa lân (MAP SSP) trong nước cũng sụt giảm dẫn đến doanh thu các mặt hàng nảy ảnh hưởng tiêu cực. Ngược lại, doanh thu từ bột giặt chất tẩy rửa đang có sự tăng trưởng mạnh, chủ yếu do Công ty đã hoàn thành đầu tư nhà máy tại KCN Phố Nối B Hưng Yên, nâng công suất từ 10.000 tấn/năm lên 30.000 tấn/năm.
Bước sang năm 2020, Công ty dự kiến đạt 6.084 tỷ đồng doanh thu, tăng gần nghìn tỷ đồng so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 700 tỷ đồng, tăng 22,5%, phấn đấu chia cổ tức tỷ lệ 30%.
Tháng 5 vừa qua, DGC đã thành lập công ty TNHH Một thành viên Hóa chất Đức Giang Nghi Sơn (DNC) tại khu kinh tế Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng nhằm triển khai Tổ hợp hóa chất Đức Giang - Nghi Sơn, với quy mô vốn đầu tư lên đến 12.000 tỷ đồng cho 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư 2.400 tỷ (trong đó vốn tự có là 1.000 tỷ đồng) chủ yếu sản xuất xút lỏng với công suất 50.000 tấn/năm và các sản phẩm có dẫn xuất từ khí clo, dự kiến đi vào sản xuất từ tháng 10/2021. Giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư 6.000 tỷ đồng, chuyên sản xuất xút rắn 10.000 tấn/năm và nhựa PVC 150.000 tấn/năm triển khai năm 2022-2024. Giai đoạn 3 có vốn đầu tư 3.600 tỷ đồng nhằm sản xuất soda công suất 400.000 tấn/năm. Doanh thu dự kiến giai đoạn 1-2 khoảng 6.000-7.000 tỷ và lợi nhuận 800 tỷ đồng.
Tổng giám đốc Đào Hữu Duy Anh chia sẻ lợi thế của dự án Nghi Sơn là vận chuyển vào miền Trung và miền Nam thuận lợi và tiết giảm chi phí hơn so với các đổi thủ cạnh tranh từ Trung Quốc. Tập đoàn cũng vừa có đơn hàng đầu ra 300.000 tấn xút cho 1 nhà máy sản xuất giấy ngay trong Khu kinh tế Nghi Sơn.
Với Dự án mỏ Apatit - Khai trường 25, trữ lượng dự kiến khoảng 3,7 triệu tấn quặng các loại và sẽ bắt đầu khai thác từ quý 4 tới. Vòng đời dự án này kéo dài 6 năm, tổng vốn đầu tư 210 tỷ và lợi nhuận dự kiến 300 tỷ đồng.
Ông Duy Anh cho biết, đây sẽ là khai trường đầu tiên cung cấp apatit cho DGC và là công cụ để kiểm soát được nhà cung cấp, buộc cung cấp sắp phải giữ giá ổn định và cung cấp hàng ổn định hơn cho DGC khi dự án này đi vào khai thác.
Cuối cùng tại Dự án Tổ hợp công trình công cộng, trường học và nhà ở Đức Giang tại số 18/44 phố Đức Giang, Long Biên, Hà Nội có diện tích 54.312 m2, dự án đã có sổ đỏ, dự kiến có 60 lô nhà liền kề và một block 23 tầng (900 căn hộ). Lợi nhuận dự kiến 300 - 400 tỷ đồng. Chủ tịch DGC chia sẻ, làm bất động sản thì có lợi nhuận lớn thật, nhưng quá vất vả, nên có lẽ đây sẽ là dự án bất động sản đầu tiên và duy nhất của DGC, sau khi hoàn thành sẽ chỉ tập trung đầu tư các nhà máy sản xuất.
Biến động giá cổ phiếu DGC trong 3 năm