Tại buổi Tọa đàm "Câu chuyện chỉ số công tơ và hóa đơn tiền điện tăng cao" do CLB Cafe số tổ chức, có ý kiến cho rằng: "Theo hợp đồng mua bán điện, người dân không được phép trèo lên cột điện để kiểm tra công tơ. Vấn đề đặt ra là đối với các gia đình treo công tơ cơ treo cột điện thì các chế tài xử lý như Nghị định 134/2013 hay Nghị định 14 gần như tước quyền giám sát công tơ điện của những người dùng công tơ cơ treo cột điện".
Giải thích về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng Ban Kinh doanh EVN cho biết: "Theo Luật Điện lực, vị trí đặt công tơ được thỏa thuận giữa bên mua và bên bán. Bên điện lực có trách nhiệm phải cung cấp công tơ để lắp đặt. Không phải ai cũng đặt công tơ ở trên cột. Ví dụ như, người dân có thể để công tơ ở trong nhà, treo trên tường ở ngoài nhà. Đối với khu vực miền Bắc, đa phần việc đó có sự thỏa thuận giữa người mua và người bán. Người mua ở đây là người dân còn người bán là các đơn vị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Khi lắp đặt, người dân mong muốn đặt tại nhà thì chúng ta cần phải đục lỗ, đi ngầm, đi nổi... Đối với quan điểm của Tập đoàn là không có vấn đề gì cả".
Đối với vấn đề thứ hai là vấn đề giám sát công tơ, ông Dũng báo cáo, hiện tại sau khi EVN ghi trữ xong, trong vòng 24 giờ đã chuyển tất cả thông tin chỉ số đầu, chỉ số cuối, sản lượng điện tiêu thụ trong tháng. Nếu như khách hàng muốn xem lại chỉ số công tơ, khi bắc thang trèo lên cột sẽ gần những nơi có điện, nên EVN khuyên người dân không nên làm như vậy.
Ông Dũng cho biết, người dân có thể gọi điện đến Trung tâm Chăm sóc Khách hàng, và từ Trung tâm này, yêu cầu của khách hàng sẽ được chuyển đến đơn vị quản lý điện, trong thời gian ngắn là đã xử lý được. Phía EVN sẽ hỗ trợ bằng ảnh có chỉ số công tơ. Với việc này, theo ông Dũng, bản thân người sử dụng điện hoàn toàn có thể tiến hành giám sát chỉ số công tơ với sự hỗ trợ của ngành điện, và không hề bị mất đi quyền lợi nào.
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc EVN giải thích thêm: Đối với công tơ cơ, trước khi ghi chỉ số một vài ngày, EVN sẽ mời tổ trưởng tổ dân phố ra giám sát thực hiện ghi chỉ số. Tuy nhiên ở Hà Nội có tới 91% hộ gia đình sử dụng công tơ điện tử, công tơ điện tử thì không ai ghi nữa mà sau một tháng thì đã có hiển thị.
Ông Lâm khẳng định: "Chúng ta cứ nói là công tơ đo sai. Công tơ không đo sai tí nào cả. Công tơ đo tại chỗ, chỉ có truyền tín hiệu từ xa. Thay cho việc ngày xưa anh em phải đi xe máy vác thang để ghi chỉ số thì dữ liệu trên công tơ điện tử sẽ được truyền sau 1 tiếng đồng hồ về hệ thống máy chủ của EVN Hà Nội". Như vậy, lượng điện tiêu thụ từng ngày được thống kê rất rõ ràng.
"Giờ có công nghệ, chúng ta không phải leo đi đâu cả" - ông Lâm nói.
Được hỏi về vai trò của Hội bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng trong vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội cho biết: "Thứ nhất, hội chúng tôi quan tâm đến việc đáp ứng yêu cầu về thông tin hàng hóa, cùng như dịch vụ của người sử dụng. Chúng tôi không đòi hỏi quyền được "leo đột điện". Chúng tôi đòi hỏi cho người tiêu dùng những thông tin liên quan đến lượng điện. Ngày nay qua điện thoại, qua máy tính bảng, chúng ta có hết thông tin".
Ông Hùng chia sẻ, trước đây, bản thân ông cũng nhận được tin nhắn của EVN là ngày này mời chủ hộ ra giám sát việc ghi chỉ số. Bây giờ, tận dụng tối đa công nghệ, công nhân ngành điện không phải leo cột điện nữa, mà người tiêu dùng đều có hết thông tin.