-Ở thời điểm dịch Covid-19 mới xuất hiện ở Việt Nam, TAB có đề xuất một loạt giải pháp với Chính phủ nhằm giải cứu ngành du lịch trong nước. Đến nay, diễn biến dịch đã thay đổi rất nhiều, các kiến nghị liệu có phải điều chỉnh?
Tình hình dịch đang thay đổi hàng ngày, ở mức mà chúng ta khó lòng dự báo được. Thị trường du lịch đang xảy ra đồng thời hai yếu tố: thứ nhất, nền tảng du lịch không tồn tại; thứ hai là sự thay đổi của nhu cầu, sức mua, thói quen của người tiêu dùng.
Tôi tin chắc là nhu cầu và sức mua sẽ thay đổi khi các quốc gia đã bàn đến tình trạng suy thoái kinh tế.
Thói quen cũng thế, thời gian dài chống dịch sẽ dẫn đến thói quen của khách hàng thay đổi rất nhiều. Ví dụ người già chưa chắc đã muốn đi du lịch nhiều như trước. Khách cũng không thích vào các khu công viên chủ đề rộng lớn nữa, họ sẽ đi ít lại nhưng tinh lọc và cẩn trọng hơn.
Không ai có thể dự báo được tình hình nhưng TAB chắc chắn sẽ đi cùng Chính phủ để tư vấn chính sách.
Các chính sách cho doanh nghiệp lúc này rất có ý nghĩa, nhất là tập trung vào việc đảm bảo cho doanh nghiệp tồn tại, duy trì hoạt động, cũng như gợi ý cách xử lý cho từng trường hợp dịch bệnh diễn ra ở những cấp độ khác nhau.
Tôi cũng cho rằng trong diễn biến hiện nay cần phải rất bình tĩnh để nắm được thông tin, dữ liệu, theo dõi việc xảy ra ở các quốc gia khác và tập trung lắng nghe ý kiến của các chuyên gia.
TAB cũng đang làm đúng theo những nguyên tắc này khi kết hợp với các đối tác hàng đầu trong nước và trên thế giới ở nhiều lĩnh vực để có được thông tin chính xác nhất. Trên nền tảng đó, khi có những kiến nghị phù hợp với Việt Nam, chúng tôi sẽ đóng góp ý kiến với Chính phủ.
-Là Chủ tịch TAB, ông đánh giá như thế nào về phản ứng của các doanh nghiệp trong ngành du lịch khi dịch Covid-19 qua một giai đoạn mới với các tác động nặng nề hơn?
Với tình hình như hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều đang cư xử văn minh. Mọi người hiểu rằng trong lúc khó khăn này phải cùng nhau hành động, cái gì cần làm thì vẫn phải làm. Ưu tiên số một là sự an toàn và sức khỏe của nhân viên, khách hàng và cộng đồng trong đó yêu cầu tất cả nhân viên tuân thủ mọi quy định về cách ly xã hội mà Chính phủ yêu cầu.
Giai đoạn này cũng là thời điểm tốt nhất để đầu tư vào những mảng mà chúng ta trước đây chưa có thời gian thực hiện như công nghệ, bảo dưỡng và sửa chữa. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý, các ngành liên quan đến du lịch cũng có sự quan tâm, chia sẻ nhất định.
Đến thời điểm hiện tại thì chưa thấy có dấu hiệu gì của sự sợ hãi thái quá. Nếu hành xử như vậy thì tôi tin chúng ta sẽ vượt qua. Một điều chắc chắn tôi tin tưởng là dịch này sẽ qua, dù cách này hay cách khác (hoặc là khi vaccine tìm ra hay thuốc điều trị đặc hiệu được kiểm chứng). Người ta sẽ đi du lịch trở lại, cơ hội sẽ quay trở lại. Trong ngày không xa chúng ta có thể bàn về cơ hội và tăng trưởng của ngành nhưng trước mắt, thị trường sẽ tiếp tục đóng băng các doanh nghiệp phải chuẩn bị để tồn tại trong một thời gian cực kỳ khó khăn kéo dài.
-Trong lần trả lời trước với chúng tôi, ông có đề cập: dịch Covid-19 là cơ hội để tái cấu trúc ngành du lịch. Nhưng hiện tại, như ông nói, các nền tảng du lịch đã về 0, vậy ưu tiên sẽ là gì?
Ưu tiên hàng đầu là tồn tại. Tái cấu trúc luôn là việc phải bàn dù trong hoàn cảnh nào. Đúng là không nên bỏ lỡ một cuộc khủng hoảng mà dịch Covid-19 cũng chính là một cuộc khủng hoảng mang tính cơ hội.
Nhìn chung, ở thời điểm này, khi mọi thứ đang biến đổi rất nhanh, bài toán với lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành là làm thế nào để giảm chi phí, để có dòng tiền, doanh nghiệp không chết và phải sa thải quá nhiều người lao động. Rất khó để bàn thêm về tăng trưởng và tương lai bây giờ. Nhưng chắc cơ hội đó sẽ đến vào một ngày khác.
-Nói đến tồn tại, theo ông, doanh nghiệp du lịch cần được trợ giúp những gì?
Chính phủ đã bàn đến việc chậm, hoãn nộp thuế, BHXH cũng như thảo luận và đưa ra một số giải pháp trợ giúp cho người lao động đặc biệt là những nhóm yếm thế. Tuy nhiên, tôi cho rằng vẫn cần những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa và nhanh hơn nữa. Một đồng trong những ngày khó khăn hôm nay sẽ có giá trị hơn rất nhiều đồng ngày thường và có ý nghĩa hơn rất nhiều.
-Chính phủ đã có thêm những động thái như nâng chính sách tài khoá lên 180.000 tỷ, gói tín dụng 285.000 tỷ cũng được các ngân hàng thương mại tích cực thực hiện.... Theo ông như thế đã đủ mạnh mẽ hay chưa?
Trước khi nói về doanh nghiệp, tôi muốn nhấn mạnh là người dân rất cần được trợ giúp giai đoạn này. Số người đang không có việc làm, thu nhập bị giảm mạnh đang tăng rất nhanh, nếu không xử lý tốt và nhanh nguy cơ khủng hoảng xã hội sẽ rất cao. Tuy nhiên tôi tin rằng với một nguồn lực hạn chế thì trong thời điểm hiện nay chúng ta nên ưu tiên nguồn lực vào việc hỗ trợ ngành y tế chống dịch sau đó là các nhóm yếu thế trong xã hội.
Về việc cứu doanh nghiệp, mỗi chính phủ có cách tiếp cận khác nhau để đảm bảo được công ăn việc làm người dân sau dịch. Cách tiếp cận của Việt Nam cũng đúng đắn khi đảm bảo được dòng tiền cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp không bị phá sản, từ đó giữ được nhân sự, có tiền trả lương cho nhân viên từ 8 – 12 tuần hoặc dài hơn trong 3 đến 6 tháng tới. Chính sách trợ giúp cho doanh nghiệp là cực kỳ quan trọng để đảm bảo việc làm quay trở lại ngay sau khi hết dịch.
-Nhìn vào những diễn biến chống dịch hiện nay của Chính phủ, liệu có thể đưa ra một kịch bản hồi phục nào cho thị trường du lịch?
Như tôi đã nói, dự báo là rất khó trong thời điểm hiện tại. Bởi mức độ lây lan và ảnh hưởng của bệnh dịch trên toàn thế giới. Dịch có thể lên đến đỉnh điểm ở nơi này hay nơi khác trên toàn cầu nhưng đỉnh dịch và sự phục hồi cũng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, tôi luôn tin tưởng rằng thị trường sẽ phục hồi khi các nước cùng tuyên bố hết dịch.
Sự phục hồi này cũng phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc. Đây là thị trường mà trước khi dịch Covid-19 bùng phát chiếm đến hơn 30% tổng khách quốc tế đến Việt Nam. Bên cạnh khách đến từ Trung Quốc thì phải kể đến khách Hàn Quốc cũng chiếm một tỷ trọng lớn, sau đó mới nói đến các thị trường khác như Úc, New Zealand, Đông Âu, Châu Âu, Anh, Mỹ... rồi đến các thị trường mới của Việt Nam như Ấn Độ.
Như vậy, kịch bản tốt nhất là du lịch Việt Nam có thể phục hồi theo hình chữ V, tức xuống đáy rồi bật tăng trở lại tương đương mức suy giảm ban đầu hoặc hình chữ U – tuỳ theo tốc độ giải quyết bệnh dịch và phục hồi kinh tế tại Việt Nam và toàn cầu. Đầu tiên sẽ là thị trường nội địa sau đó sẽ là Trung Quốc, Châu Á và sau cùng là các thị trường khác. Thời gian phục hồi hoàn toàn có thể là từ 12 đến 18 tháng.
Tuy nhiên còn có nhiều kịch bản khác như kịch bản hình chữ L (Suy giảm kéo dài nhiều năm mới phục hồi lại mức 2019) hay hình chữ W (phục hồi một phần sau đó lại phải đóng cửa vì dịch bùng phát). Những kịch bản này nói đến việc phục hồi có thể kéo dài nhiều năm.
Nói về phục hồi, chúng ta bắt buộc phải nói về những thói quen, trải nghiệm của khách hàng sẽ thay đổi, đó là điều chắc chắn xảy đến hậu dịch Covid-19. Cái này không dự báo được và các doanh nghiệp buộc phải nhìn thường xuyên vào dữ liệu khách hàng cũng như những thay đổi tâm lý, cảm xúc và các yếu tố môi trường bên ngoài khác. Một điều chắc chắn là thị trường sẽ không giống như những cái chúng ta đã biết.
-Nếu chọn một slogan cho du lịch Việt Nam hậu dịch bệnh, ông sẽ chọn gì?
Cái này hoàn toàn phụ thuộc vào công tác đánh giá thị trường, định vị của du lịch Việt. Mà tôi nghĩ Việt Nam nên làm điều này. Tức là có một slogan làm rõ chúng ta là ai, sản phẩm chúng ta là gì, định vị như thế nào trên thị trường.
TAB sẽ cùng các chuyên gia, các tập đoàn hàng đầu đồng hành cùng với ngành du lịch để tìm ra một khẩu hiệu phù hợp. Cuối cùng, tôi tin rằng trong thời gian nào đó sắp tới, du lịch sẽ lại trở thành một ngành thực sự quan trọng đóng góp cho kinh tế đất nước, tạo công ăn việc làm và đóng góp cho phồn vinh của Việt Nam.
Tôi chúc chị và toàn bộ anh chị em trong ngành mạnh khỏe và an toàn trong những ngày khó khăn này.
Cảm ơn ông!