Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng (thứ hai, từ trái sang) làm việc với Ban Giám đốc Phân hiệu Long An thuộc Trường trung cấp Nông dân Việt Nam. Ảnh: Trần Đáng
Làm việc với Ban giám đốc Phân hiệu, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng chỉ đạo: "Phân hiệu cần tổ chức lại đội ngũ cán bộ, nhân viên, giáo viên. Đặc biệt, xác định lại đối tượng hỗ trợ".
Đồng chí Thào Xuân Sùng cho rằng, ngoài đối tượng nông dân, thời gian tới Phân hiệu cần tổ chức đào tạo cấp chủ tịch, phó chủ tịch Hội Nông dân xã, chi hội trưởng Hội Nông dân thôn ấp, lãnh đạo hợp tác xã, hội viên hội nông dân, chủ kinh tế hộ...
Về việc khai thác lợi thế, vị trí, nhất là diện tích 3ha chưa sử dụng của Phân hiệu, đồng chí Thào Xuân Sùng chỉ đạo, Phân hiệu cần quy hoạch chi tiết, chiến lược sử dụng lâu dài, hiệu quả; phải định hướng Phân hiệu thành trung tâm nhân và chuyển giao giống cây, con chất lượng cao cho nông dân trong khu vực.
Chủ tịch Thào Xuân Sùng và đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam kiểm tra khu đất 3ha của Phân hiệu chưa sử dụng.
"Đã lo cho nông dân thì phải lo đến nơi, đến chốn. Phải biến khu này thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, tạo sự khác biệt giữa đào tạo nghề của Hội Nông dân với các hệ thống dạy nghề khác", Chủ tịch Thào Xuân Sùng nói.
Theo ông Lê Văn Tấn - Giám đốc Phân hiệu Long An thuộc Trường trung cấp Nông dân Việt Nam, từ năm 2012 - 2017, Phân hiệu đã tuyển sinh và đào tạo được 21 lớp với 691 học viên nông dân các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bình Phước... ở cả trung cấp và sơ cấp, với các nghề: chăn nuôi gà, trồng rau an toàn, trồng lúa chất lượng cao, hoa kiểng, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, thú y...