Nghe có vẻ vô lý khi rất nhiều trong số đó là mục đích khởi nghiệp của các bạn trẻ. Tuy nhiên, Tiến sĩ Trường phân tích: "Nếu các bạn trẻ khởi nghiệp vì một trong 10 lý do này thì dễ thất bại lắm, vì thực tế nó khác xa với những gì các bạn tưởng tượng. Khởi nghiệp chỉ là khởi động một sự nghiệp mà thôi. Quan trọng là doanh nghiệp của bạn phải có khả năng scale up (mở rộng quy mô) và tăng tốc lên".
Ông Trường cho rằng, chỉ có hai lý do đúng đắn cho việc khởi nghiệp. Lý do thứ nhất: sản phẩm, dịch vụ của bạn có giải pháp tốt hơn sản phẩm, dịch vụ hiện tại. Và lý do thứ hai: sản phẩm, dịch vụ của bạn có giá tốt hơn sản phẩm, dịch vụ hiện tại. Bởi lẽ, nếu sản phẩm của bạn có giải pháp tốt hơn thì giá của bạn như thế nào cũng được. Nhưng nếu ngược lại thì giá của bạn sẽ phải tốt hơn để cạnh tranh với các đối thủ trên thương trường.
Tại sao ông lại chọn khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục?
Tư vấn giáo dục là một lĩnh vực rất khó, có thể nói là khó nhất trong các loại khó, vì mình đi tư vấn cho người khác mà.
Lúc thành lập doanh nghiệp, tôi tâm niệm phải xây dựng một doanh nghiệp giải quyết được vấn đề cho nhiều người, mang lại giá trị cho cộng đồng. Có nhiều thứ dễ hơn, nhưng mình làm thì chỉ giúp được cho một nhóm khách hàng nhỏ thôi. Nhưng thông qua con đường tư vấn, đào tạo và giáo dục thì sẽ giúp được rất nhiều người.
Trước tiên là giúp được cho lao động, sau đó là giúp bản thân chủ doanh nghiệp, thậm chí là giúp cả doanh nghiệp đó. Đó là lý do vì sao tôi chọn con đường tư vấn và giáo dục. Ban đầu tôi cũng trăn trở, chọn con đường tư vấn và đào tạo, hay tư vấn và giáo dục, cuối cùng tôi chọn giáo dục vì nó giải quyết được những vấn đề căn cơ hơn. Thông qua giáo dục mình có thể tác động đến rất nhiều hành vi khác nhau.
Các đất nước phát triển như Nhật hay Mỹ, họ đều thay đổi quốc gia thông qua con đường giáo dục.
Ông từng nói, các bạn trẻ chỉ thích đọc những câu chuyện thành công mà không đọc về câu chuyện thất bại. Bản thân ông khi khởi nghiệp đã gặp phải những khó khăn gì?
Rất khó khăn. Thời điểm mới thành lập doanh nghiệp, nhiều khi tôi không muốn nghĩ lại vì nó quá khủng khiếp. Không có vốn, không có quan hệ, không có nhân viên, nói chung là nhiều cái không lắm. Nhưng mình phải lần lượt vượt qua từng bài toán đó.
Trong quá trình làm, tôi cũng đã thử và sai nhiều thứ, có những cái sai thì đứng lên được, cũng có những cái sai thì mất hết. Nhưng đó chính là chất liệu để mình xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tôi phải đứng trước nhiều đánh đổi.
Câu chuyện thành công bạn có thể đọc sách được, search Google là ra ngay. Nhưng câu chuyện thất bại thì bạn không tra Google được. Người thành công nói gì mà chẳng đúng! Thất bại thì họ ít khi kể cho bạn nghe. Theo tôi "learn from failure"(học từ thất bại) thì quan trọng hơn là "learn from success"(học từ thành công).
Hiện tại ở Việt Nam mỗi năm có rất nhiều doanh nghiệp thành lập mới, nhưng cũng có tương ứng những doanh nghiệp phá sản, tạm dừng hoạt động. Theo ông yếu tố nào khiến họ thất bại nhiều như vậy?
Tôi cho rằng có hai lý do chính, thứ nhất vẫn là do chủ doanh nghiệp. Không chỉ dừng lại ở việc cần tránh những lý do khởi nghiệp sai lầm như trên, dù cho họ có mong muốn khởi nghiệp thực sự, nhưng trong suốt quá trình làm, việc tăng độ dày kiến thức, kỹ năng còn rất yếu. Thứ hai là do họ còn quá ít trải nghiệm, thất bại phần lớn vẫn là do người chủ. Còn môi trường bên ngoài thì luôn biến động, nên tác động từ ngoài vào không ảnh hưởng nhiều đến nội tại doanh nghiệp, họ hoàn toàn có thể chọn đối diện với biến động, với áp lực và vượt qua.
Tôi thấy hiện nay mọi người đang cổ vũ việc khởi nghiệp nhiều quá. Tinh thần khởi nghiệp thì cao đấy nhưng bản thân những người founder lại chưa trang bị đầy đủ kiến thức thì rủi ro là rất lớn. Tôi khởi nghiệp cách đây đã gần chục năm rồi, và việc khuyến khích tinh thần khởi nghiệp thì cũng là muôn thuở. Cổ vũ thì đúng, nhưng việc mọi người biến nó thành trào lưu thì không đúng.
Nhiều bạn trẻ hiện nay, đôi khi chỉ vì bất mãn với công việc hiện tại, chỉ vì không muốn đi làm thuê mà khởi nghiệp để có thể làm chủ, đây là tư tưởng vô cùng nguy hiểm. Còn việc nhà nước cần có nhiều doanh nghiệp hơn là chuyện chắc chắn. Hiện nay Việt Nam mới chỉ có khoảng 500.000 doanh nghiệp, nhưng bên Mỹ thì đã lên đến đơn vị hàng triệu rồi.
Khi đủ chín chắn, trưởng thành và suy nghĩ thấu đáo thì mới nên lập nghiệp. Nhiều bạn mới ra trường là muốn khởi nghiệp ngay, cũng tốt, nhưng tỷ lệ thành công ở nhóm này rất thấp, vì các bạn chưa có đủ trải nghiệm.
Nhiều startup chia sẻ họ gặp khó khăn trong việc huy động vốn vì khởi nghiệp thì đôi khi 5 năm hay 10 năm mới có thành quả nên khó thuyết phục nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư Việt Nam, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Tôi không cho là như vậy. Việc đầu tư ngắn hay dài phụ thuộc vào khẩu vị của nhà đầu tư. Nhà đầu tư cũng có nhiều loại, có người thích đầu tư dài hạn, có ông lại chỉ thích ngắn hạn. Tôi có kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam, họ đầu tư dài hơi lắm, chứ ít khi nào họ đầu tư vào các dự án ngắn và trung hạn, 5 năm hay 10 năm là chuyện bình thường.
Quan trọng là các bạn phải chọn đúng nhà đầu tư có khẩu vị phù hợp với mình, và nếu thực sự muốn kêu gọi được nhà đầu tư chất lượng thì nên tập trung vào hoạt động của mình.
Cụ thể hơn về khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, với việc xuất thân là kỹ sư công nghệ thông tin, ông đánh giá thế nào về nhân lực công nghệ thông tin hiện nay?
Kỹ sư công nghệ thông tin Việt Nam sáng tạo, họ có khả năng outsourcing và giải quyết các vấn đề cho rất nhiều công ty nước ngoài khác. Về mặt trí tuệ, người Việt Nam không thua ai cả, kể cả Ấn Độ họ cũng làm thuê cho mình mà. Cái mà họ thiếu là thiếu thực thi và thiếu duy trì. Từ một ý tưởng, để đi đến sản phẩm là một quãng đường rất dài, khi có sản phẩm rồi, duy trì được hoạt động của nó cũng lại là một câu chuyện khác nữa.
Ông đánh giá thế nào về môi trường khởi nghiệp Việt Nam trong thời điểm này?
Hiện nay, điều kiện để khởi nghiệp là vô cùng thuận lợi, thuận lợi hơn rất nhiều so với 5 năm, 10 năm về trước. Thứ nhất là về logistic, thứ hai là môi trường kinh doanh được chính phủ và các hệ sinh thái khởi nghiệp hỗ trợ. Vấn đề chỉ là người founder có đủ khả năng để thành công hay không thôi.
Chính phủ đang làm rất tốt vai trò khuyến khích khởi nghiệp, nhưng từ việc cổ vũ và tạo điều kiện của Chính phủ đến việc các startup thực thi còn xa lắm. Mọi thứ cần phải thực tế hơn. Cần phải học tập các quốc gia như Isarel và Trung Quốc, họ kêu gọi được và hành động cũng rất thực tế.
Cảm ơn ông!
TS. Ngô Công Trường sinh ra và lớn lên tại Quảng Nam, xuất thân trong một gia đình nghèo khó ở miền Trung.
Ông học cấp 3 tại khối phổ thông chuyên Toán, Đại học Khoa học Huế, sau đó học ngành cơ điện tử - Đại học Bách khoa TP HCM. Ngay từ năm nhất, ông đã trải qua rất nhiều công việc để tìm đam mê cho mình và thử xem lĩnh vực nào là điểm mạnh của bản thân.
Ông chọn làm những việc không liên quan đến ngành kỹ thuật mà mình đang học, từ việc tự tổ chức cuộc tranh tài game Play Station cho các sinh viên tại TP HCM, cho đến việc giữ xe, giữ nón bảo hiểm, bán hoa, rồi làm gia sư, thiết kế cơ khí 2D-3D, marketing trung tâm Anh ngữ quốc tế... để tìm tòi khả năng kinh doanh cho riêng mình.
Sau khi tốt nghiệp đại học, ông quyết định ở lại Sài Gòn làm việc, sau đó trải qua khá nhiều vị trí tại các công ty đa quốc gia từ nhân viên thực tập, quản trị viên tập sự, nhân viên, quản lý cấp trung đến quản lý cấp cao.
Năm 2010, khi đang ở vị trí quản lý của một công ty đa quốc gia, được xem là mơ ước và mục tiêu phấn đấu của rất nhiều người, ông đã từ bỏ và chọn con đường khởi nghiệp vì nghĩ rằng khi đã quyết định làm gì thì phải làm thật nhanh. Hơn nữa, xu hướng của ông là hành động, vì nếu có ước mơ mà không có kế hoạch hành động thì sẽ chỉ là mơ giữa ban ngày và trở thành ảo tưởng hay mộng tưởng.