Tại đại hội cổ đông thường niên 2021 của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (mã KBC), Chủ tịch Đặng Thành Tâm không dưới 3 lần nhắc tên "anh Điền": "Xin phép quý vị cổ đông chờ anh Điền phát biểu".
Ông Vũ Hữu Điền là Giám đốc phụ trách Danh mục đầu tư Công ty Dragon Capital, Giám đốc phụ trách quỹ VEIL, quỹ quản lý danh mục cổ phiếu có giá trị gần 2,3 tỷ USD là cổ đông lớn của Kinh Bắc từ đầu năm 2021.
Trong vòng 2 tháng, nhóm các quỹ của Dragon Capital bao gồm cả VEIL mua vào liên tục cổ phiếu KBC, tổng khối lượng mua vào 9.246.900 cổ phiếu. Tại thời điểm tháng 3/2021, tỷ lệ sở hữu của nhóm Dragon Capital tại KBC là 47.052.900 cổ phiếu, tương đương 10,01% cổ phần tại Kinh Bắc.
Tuy nhiên, sau ĐHCĐ, không biết vì lí do gì, Dragon Capital mạnh tay bán cổ phiếu KBC. Khởi đầu là Amersham Industries Limited, quỹ này vừa mua vào 1 triệu cổ phiếu KBC vào đầu tháng 3, chỉ 3 tuần sau đến 26/3 đã bán ra 4,3 triệu cổ phiếu. Các quỹ khác trong đó VEIL bán ra 3 triệu cổ phiếu. Tính đến 14/5, nhóm Dragon Capital đã bán tổng cộng 15.120.000 cổ phiếu KBC, giảm sở hữu còn 31.923.900 cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 6,79%.
Giá cổ phiếu KBC trong giai đoạn Dragon Capital mua vào tăng trần liên tục từ 15.000 đồng/cp lên cao nhất 45.000 đồng/cp và sau đó đi ngang và rơi liên tục trong tháng 5, chạm đáy 30.700 đồng/cp vào ngày 20/5, giảm 31,7% trong vòng 4 tháng.
"Quá tam ba bận" của Dragon Capital
Tại ĐHCĐ của Kinh Bắc, ông Vũ Hữu Điền đã chia sẻ lý do Dragon Capital quay lại mua cổ phiếu KBC. Thực tế, VEIL đã từng là cổ đông của KBC từ năm 2014 và 2017: "Dragon Capital đã đầu tư vào KBC rất lâu, một lần thua và một lần huề vốn, lần thứ ba này không thành công vượt bậc thì chúng tôi sẽ không đầu tư vào Kinh Bắc nữa. Hiện nay chúng tôi nắm giữ gần 10% KBC, chúng tôi nhận thấy KBC đạt đủ 3 điều kiện thiên thời địa lợi nhân hoà. Chiến tranh thương mại Mỹ Trung, dòng vốn FDI rút khỏi Trung Quốc đổ vào Việt Nam rất nhiều. Các ông lớn như Samsung Apple đều đổ vào Việt Nam, KBC có thể tận dụng nguồn vốn FDI vào khu công nghiệp và các dự án BĐS của Kinh Bắc. Sốt đất khắp nơi mà chúng ta lại giữ được các đại dự án, 10 năm trước Kinh Bắc rất khó khăn nhưng vẫn giữ được Tràng Cát. 3 tháng đầu năm nay KBC đấu giá thành công nhiều khu công nghiệp mới và KBC sẽ trở lại lợi hại hơn xưa. Tôi chưa nói đến tương lai về doanh thu, lợi nhuận..ban lãnh đạo KBC phải hiện thực hoá kỳ vọng của Kinh Bắc nhưng KBC đang ở vị trí tốt để trở thành một trong 3-5 công ty BĐS hàng đầu Việt Nam trong thời gian tới".
Sau bài phát biểu này, đến cuối tháng 3/2021, nhóm Dragon Capital bắt đầu chốt lời mạnh cổ phiếu KBC. Bắt đầu gom cổ phiếu ở vùng giá 15.000 – 45.000 đồng/cp, sau đó bán mạnh ở vùng 36.000 đồng/cp, có lẽ lần thứ ba quay trở lại với KBC, VEIL không lỗ.
Kết quả kinh doanh quý I/2021 của KBC tăng đột biến, doanh thu thuần đạt 2.002 tỷ đồng cao gấp hơn 3 lần cùng kỳ, biên lãi gộp tăng mạnh từ 44% lên 56%. Lãi sau thuế 714,5 tỷ đồng cao gấp 7,6 lần so với quý 1/2020. LNST thuộc về công ty mẹ là 599 tỷ đồng tương đương EPS đạt 1.276 đồng – Đây cũng là mức lãi cao nhất theo quý trong lịch sử hoạt động của Kinh Bắc.
Kết quả kinh doanh của Kinh Bắc lãi đột biến nhưng Dragon Capital vẫn chốt lời. "Anh rất tốt nhưng em rất tiếc", câu này có lẽ áp dụng đúng trong mối quan hệ DC- Kinh Bắc trong tháng 5/2021. Có lẽ, là do nhóm Dragon Capital cần nguồn lực để gom các cổ phiếu khác, và họ bán không chỉ KBC mà hàng loạt công ty bất động sản và xây dựng khác như KDH, CII, dành nguồn vốn tập trung vào nhóm cổ phiếu ngân hàng (VPB, ACB, TCB) và các trụ cột của VN30 (VIC, VHM, NVL, HPG).
Top 10 trong danh mục của VEIL tại ngày 18/5/2021
Sự trở lại của ông Đặng Thành Tâm
Chia sẻ tại ĐHCĐ, ông Đặng Thành Tâm cho rằng: "Tôi là cổ đông nên tôi sẽ mong muốn mua thêm cổ phiếu. Mỗi cuộc đời có một vận hội, mỗi công ty có bước đường, KBC đã vượt qua những khó khăn nhất định và bây giờ KBC rất uy tín nên đấu thầu ở đâu cũng thắng. KBC làm khu công nghiệp biến nhiều vùng đất thành đất trù phú. Bắc Ninh hiện nay GDP/đầu người đứng thứ nhì cả nước, gấp đôi Hà Nội và TP.HCM, Bắc Giang như Silicon Valley đều là công lao KBC. Những năm trước giá cho thuê KBC của KBC không được cao, nhưng đến giờ thiên thời địa lợi nhân hoà giá cho thuê cao hơn nên công ty lãi hơn. Riêng tại Tràng Cát công ty tư vấn quốc tế định giá 60.000 tỷ, Tràng Duệ 3 được điều chỉnh vào khu kinh tế 687ha, bên cạnh đó, KBC được cấp đô thị phục vụ công nhân là chính, KBC phát triển bền vững. Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Nguyên đều mời gọi. Năm nay sẽ có bùng nổ nhưng tôi nghĩ sẽ nổ rất to. Ai biết nổ to như thế nào thì mua cổ phiếu không thì tiếc ngẩn ngơ".
Đã từng có thời điểm, ông Đặng Thành Tâm "bạc tóc" vì nợ
"Việt Nam đang rất giỏi chống dịch. Chủ tịch Samsung Việt Nam cho biết năm rồi Trung Quốc và Hàn Quốc nhờ nhà máy Samsung ở Việt Nam mà Samsung đủ sản phẩm bán ra thế giới. Samsung làm việc chặt chẽ với tôi để tìm một nơi tạo thành một Silicon Valley tại Việt Nam cho những doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam. Sắp tới tôi sẽ làm diễn đàn đầu tư rất lớn ở Long An, Vũng Tàu, và họ chọn chúng ta làm đối tác. Đối tác nước ngoài chọn mặt gửi vàng và KBC gọi là "có duyên". Cổ đông hết sức bình tĩnh để đón nhận nhiều tin "shock". Hiện nay chúng ta có 6 dự án Khu công nghiệp trình Chính phủ cùng lúc nên năm nay chúng ta có sự bùng phát rất lớn. Ở đây 90% chúng ta có smartphone và đối tác này sẽ tiếp tục đi với chúng ta 5 khu nữa. LG hiện nay cam kết đầu tư với Hải Phòng vài tỷ USD nữa và họ rất khát khao khu Tràng Duệ giai đoạn 3", ông Đặng Thành Tâm tự tin về hoạt động kinh doanh của KBC hiện nay.
Ông Đặng Thành Tâm đã có những thời điểm cực kì khó khăn. Năm 2007 ông trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán nhờ sở hữu các khu công nghiệp và cổ phiếu ngân hàng, viễn thông. Năm 2012, KBC lỗ 484 tỷ đồng, tài sản của ông Tâm trong năm đó giảm 574 tỷ đồng, sau khi hàng loạt cổ phiếu ông sở hữu như KBC, SGT, NVB, ITA mất từ 40-60% giá trị. Năm 2012, trong một bài trả lời phỏng vấn VnExpress, ông Tâm cho biết tập đoàn KBC và ITA (do chị của ông Tâm là bà Đặng Thị Hoàng Yến) nợ ngân hàng chưa tới 500 triệu USD, tính theo tỷ giá lúc bấy giờ khoảng 10.000 tỷ đồng.
Đã từng là đại biểu Quốc hội, nhưng nặng gánh với khoản nợ trái phiếu 1.000 tỷ đồng, người giàu nhất sàn chứng khoán một thời phải xin Ngân hàng Nhà nước cho lùi thời hạn thanh toán trong bối cảnh không thể vay thêm tiền ngân hàng suốt hai năm 2012 -2013. "Thời điểm đó, không một ngân hàng nào cho KBC vay tiền, nhưng chúng tôi vẫn sống", ông Đặng Thành Tâm chia sẻ.
Những năm 2007-2010, khi ở thời điểm đỉnh cao, KBC đầu tư tràn lan từ ngân hàng, viễn thông…Tuy nhiên sau đó, ông Tâm cay đắng thừa nhận: "Ở Việt Nam ai nghe tới ngân hàng cũng thích lắm, mình cũng thế thôi, cứ thấy người ta ăn khoai thì mình vác mai đi đào. Có một thời kỳ người ta đổ xô mua cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu chứng khoán và cứ nhắm mắt mua là lãi. Đến giờ thì không ai dám tham gia nữa, cả nền kinh tế hôm nay gánh hậu họa vì đã mù quáng lao như vậy, tôi cũng thế thôi. Giờ thì đương nhiên chúng tôi phải tính lại, không phải bỏ chạy mà là một bài toán thực tế, biết rõ thế mạnh của mình ở đâu để tập trung sức lực, còn lĩnh vực không biết thì tốt nhất sống chết thế nào cũng phải giải phóng, không thể đeo đuổi mãi. Đến nay, tôi và các cổ đông khác cùng tham gia với tôi không còn nắm giữ một xu cổ phiếu Ngân hàng Phương Tây. Với các ngân hàng khác, chúng tôi phải điều tiết lại, đắt hay rẻ cũng phải thoái vốn để tập trung cho sản xuất kinh doanh chính của mình".
Không phải ai cũng đủ dũng cảm để đứng lên ở thời điểm khó khăn và "rũ bùn đứng dậy sáng loà" như Đặng Thành Tâm của thời điểm hiện tại. Mặc dù cổ phiếu KBC giảm 30% giá trị so với đỉnh, ông Đặng Thành Tâm hiện nay đang trong top 50 người giàu nhất sàn chứng khoán, với giá trị cổ phiếu nắm giữ lên tới gần 3.285 tỷ đồng. Trong đó, ông đang sở hữu 85,25 triệu cổ phiếu KBC (18,15%), hơn 29 triệu cổ phiếu ITA (3,1%) và 17,53 triệu cổ phiếu SGT.
Trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát tại Bắc Ninh và Bắc Giang, nơi KBC đang có 2 khu công nghiệp là KCN Quế Võ và KCN Quang Châu, ông Đặng Thành Tâm cho biết các KCN tạm dừng hoạt động cùng với các KCN khác trên địa bàn tỉnh Bắc Giang để đảm bảo công tác phòng chống dịch. Việc này là đúng đắn, kịp thời để hạn chế rủi ro đối đa cho toàn xã hội. Đây là việc bất khả kháng và KBC đang nỗ lực phối hợp với chinh quyền địa phương để phòng chống dịch, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp sớm ổn định sản xuất.
"Là đơn vị kinh doanh hạ tầng KCN, khi sự việc này xảy ra, Tổng công ty chúng tôi cũng không tránh khỏi sự ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng hạ tầng trong thời gian chống dịch, giãn cách..tuy nhiên hiện tại tổng công ty không có thiệt hại về kinh tế", thông cáo ghi rõ.