Kết nối giữa doanh nghiệp – người nông dân từ trước đến nay được nhận định là bài toán không dễ giải. Nhiều sự hợp tác đã phải bỏ lửng với lý do, rào cản khác nhau, đến từ cả hai phía. Tuy nhiên, cũng có một số doanh nghiệp dỡ bỏ được những khó khăn này, cùng người nông dân làm giàu. Tập đoàn Lộc Trời là một trong số đó.
Những năm trở lại đây, mô hình cánh đồng mẫu lớn của Tập đoàn này, rộng khoảng 30.000 ha, quy tụ nông dân sản xuất có quy mô hay việc phát hành cổ phiếu cho nông dân… được xem là ví dụ điển hình cho sự hợp tác thành công giữa doanh nghiệp và nông hộ.
Nhưng kết quả này không tự nhiên mà có được. Trao đổi với chúng tôi tại Hội nghị 10 năm thực hiện Nghị quyết trung ương 7 về nông nghiệp nông thôn, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Lộc Trời cho biết, tất cả phải bắt đầu từ xây dựng niềm tin.
Theo ông Thòn, bản thân người nông dân rất cần và muốn được tham gia cùng doanh nghiệp. Tuy nhiên, họ luôn cảm thấy bất an.
Sự hợp tác với doanh nghiệp có thể dẫn đến trạng thái: Khi nông dân có lợi, họ sẽ tính đến chiêu bài làm sao có thu về nhiều nhất mà quên đi nghĩa vụ, cam kết đã ký, dẫn đến phản ứng của doanh nghiệp đa phần ứng xử lại bằng pháp luật.
Người bị thiệt luôn là người nông dân, theo ông Thòn. Bởi doanh nghiệp có lợi thế hơn về thông tin, hiểu biết, quan hệ, còn người nông dân, dù có lợi, nhưng chỉ là những món vụn vặt và sẽ phải trả giá khi có tranh chấp. Dần dần, lòng tin của những người này bị hạn chế khi được đề xuất hợp tác.
"Kiện thắng nông dân để làm gì?", ông Thòn đặt câu hỏi. Điều quan trọng hơn, theo ông là tìm được tiếng nói chung, sự đồng ý hợp tác lâu dài của những người này. Chính vì vậy, ông đã thử làm ngược lại.
Cụ thể, ông Thòn cho biết Lộc Trời không đưa các vấn đề phát sinh với nông dân giải quyết bằng công cụ pháp lý.
"Hợp đồng được coi như bảng phân công công việc. Anh làm gì, tôi làm gì, lúc nào phải làm, trách nhiệm của mỗi bên… để còn nhắc nhau. Các vấn đề được giải quyết bằng thương lượng", ông nói.
"Bao giờ người nông dân cũng ở thế khó hơn mình", ông nói và cho biết doanh nghiệp có thể chịu thua thiệt một chút ở thời gian đầu, giúp nông dân hiểu đâu là lợi ích, trách nhiệm, nghĩa vụ của họ.
"Sau này khi người ta có niềm tin với mình, tận tâm cùng làm với mình, hợp tác có hiệu quả thì kết quả đó sẽ được bù trừ cho những khoản này", ông Thòn chia sẻ.
Ông giải nghĩa sự hợp tác không phải xét đến một việc, một người cụ thể của hiện tại mà phải nhìn dưới một chuỗi sự việc, hành động lâu bền. Điều này giúp cho doanh nghiệp về lâu dài không bị thiệt. Bản thân doanh nghiệp làm nông nghiệp, muốn có lợi nhuận, thì phải đầu tư từ nông dân, theo ông Thòn.
"Nông dân là gốc, là sức khoẻ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có tích luỹ thì một ngày nào đó cũng phải phân phối cho nông dân trong trường hợp cụ thể", ông nói và giải thích thêm "Cái tôi nói là khoản đầu tư về niềm tin. Niềm tin đó sẽ tích luỹ thành vốn, thành sức chịu đựng của doanh nghiệp trong tương lai".
Ông Huỳnh Văn Thòn cũng hay nhắc đến triết lý "phân phối và phân phối lại lợi nhuận một cách hợp lý và đạo lý" khi làm với người nông dân. Giải thích triết lý này, ông cho biết "hợp lý" có hàm nghĩa trong lúc làm ăn, doanh nghiệp cần biết đến người nông dân, khi họ gặp khó khăn thì phải hỗ trợ.
"Đạo lý" sẽ cho phép doanh nghiệp trong trường hợp không cần chi nhưng vì đạo lý vẫn được chi. Đơn cử như hỗ trợ những người nông dân không nằm trong chuỗi sản xuất của Lộc Trời.
Còn phân phối lại là khi có được phải biết chia, cái nào để dành, cái nào để đầu tư, cái nào cho nhân viên, cho xã hội… "Phân phối đó nếu hợp lý sẽ là đạo lý", ông Huỳnh Văn Thòn nói.