Căng thẳng Mỹ - Trung với lượng hàng lớn chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam, nhiều Hiệp định thương mại (FTAs) được ký kết, dệt may theo đó là một trong số các mặt hàng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng vượt bậc, nhiều quan điểm cho biết.
Tuy nhiên, thực tế xuất nhập khẩu dệt may bắt đầu biến động từ cuối năm ngoái, 8 tháng đầu năm nay tình trạng khan hiếm đơn hàng ngày càng phổ biến. Thậm chí đơn hàng của một số doanh nghiệp đến thời điểm này mới chỉ bằng khoảng 2/3 so với cùng kỳ. Điều này dấy lên lo ngại mục tiêu xuất khẩu đạt 40 tỷ USD trong năm 2019 khó có thể đạt được.
Nguyên nhân theo giới chuyên gia, FTAs ban đầu được kỳ vọng sẽ có tác động mạnh, nhưng lại chưa mang đến nhiều lợi thế cho doanh nghiệp xuất khẩu. Ngược lại, những bất lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc đã khiến sức mua của các nhà sản xuất giảm, xuất khẩu sợi sang Trung Quốc cũng giảm theo.
Đặc biệt, bên cạnh yếu tố thị trường, yêu cầu của khách hàng ngày càng cao và áp lực giảm giá, trong khi các rào cản thương mại như: thuế nhập khẩu, kiểm định chất lượng vẫn là một trở ngại lớn với các doanh nghiệp Việt Nam.
Đồng quan điểm, chia sẻ với chúng tôi, Chủ tịch May Việt Tiến (VGG) – ông Vũ Đức Giang – cho biết trong xu thế chuyển đổi rất nhanh của ngành may mặc, doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển phải có những giải pháp chiến lược phù hợp, từ đó mới thu hút được các nhà mua hàng. Đặc biệt, với ngành may mặc nguyên liệu đầu vào cực kỳ quan trọng, ông Giang nhấn mạnh, bởi "Nếu không chủ động đầu bào thì FTAs cũng không mang lại hiệu quả!".
Riêng May Việt Tiến, là một thương hiệu dệt may lâu đời tại Việt Nam, Công ty được biết đến với phân khúc thời trang công sở cơ bản dành cho nam giới tuổi trung niên. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, Việt Tiến đang mở rộng sang phong cách trẻ trung nhằm bắt kịp xu hướng mới.
Công ty cũng đầu tư hàng chục tỷ đồng cho Trung tâm nghiên cứu và phát triển mẫu Dương Long, trong đó giai đoạn 1 chính thức khánh thành với vốn đầu tư 50 tỷ đồng, tổng vốn dự kiến cho cả giai đoạn 2 hơn 100 tỷ đồng.
Trung tâm có quy mô 3.000m2, bao gồm các khu vực chức năng: thiết kế sáng tạo, kỹ thuật, may mẫu, sản xuất hình ảnh truyền thông, hình thành môi trường sáng tạo đầy tính nghệ thuật và thời trang, từ ý tưởng sau đó đưa vào sản xuất công nghiệp, đáp ứng yêu cầu công nghệ thời trang trong sản xuất kinh doanh ODM và OBM.
Với định hướng đa dạng chủng loại sản phẩm, đáp ứng xu hướng thời trang theo phong cách, cá tính riêng của mỗi khách hàng, Việt Tiến cung cấp mới dịch vụ may đo theo yêu cầu thông qua cửa hàng Viettien House và trang thương mại điện tử, tạo ra những thiết kế riêng biệt, sản xuất đơn hàng nhỏ, linh hoạt và giao hàng trong thời gian ngắn.
"Đây là kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng để Công ty đổi mới đến năm 2040, nhằm tạo lực hấp dẫn cho các nhà mua hàng. Thông qua chiến lược mới, Việt Tiến kỳ vọng thúc đẩy doanh số xuất khẩu đạt 2 chữ số", ông Giang nói thêm.
Được biết, doanh thu xuất khẩu Việt Tiến hiện vào mức 8.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng chính trong tổng doanh thu với mức tăng trưởng quân bình 7-8%/năm.
Về kinh doanh, kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, Công ty ghi nhận doanh thu 3.906 tỷ, tương ứng lợi nhuận sau thuế 176 tỷ đồng. Việt Tiến đang có hệ thống với 1.390 cửa hàng trên khắp cả nước; thương hiệu Công ty cũng đã xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á với 20 cửa hàng ở Lào, 6 cửa hàng ở Myanmar.