"Dịch Covid-19 bùng nổ khắp nơi gây lo lắng và hoang mang tột độ. Bản thân tôi cũng mất ngủ mấy đêm nay", ông Lữ Thành Long chia sẻ. Sự lo lắng này không chỉ là vấn đề sức khoẻ của gia đình, bản thân, mà phần nhiều đến từ tình trạng của công ty cũng như kinh tế Việt Nam nói chung.
Bởi công ty sẽ phải ứng phó như thế nào, nền kinh tế sẽ như thế nào trong khi dịch có thể kéo dài trong 6 hay thậm chí 8 tháng nữa.
Theo ông, không chỉ những ngành hàng dịch vụ như hàng không, du lịch, khách sạn… bị ảnh hưởng bởi Covid-19, ngay cả những doanh nghiệp trong ngành phần mềm hay nhiều ngành khác nữa cũng bị tác động. Bởi lẽ thế giới ngày hôm nay là một chuỗi cung ứng dài bất tận được xích nối với nhau rất chặt chẽ.
"Một con ngựa đau cả tàu sẽ bị ảnh hưởng", ông Long nhấn mạnh. Nhiều doanh nghiệp đã cắt giảm lương, nhân sự, đơn cử như khách sạn Hanoi Emerald Waters Hotel & Spa đã phải cho nhân viên nghỉ việc 4 tháng với mức trợ cấp 1,5 triệu đồng/người. Lương sếp và lương nhân viên đều ở mức 4 triệu đồng/tháng.
Hãng Pandora cũng đã sa thải 1.200 nhân viên trên toàn hệ thống, HSBC chuẩn bị sa thải 10.000 nhân viên hay Cathay Pacific Airlines yêu cầu 27.000 nhân viên nghỉ không lương trong 3 tuần…
Những con số, động thái này hàm nghĩa các tác nhân tiêu cực, các tin xấu có thể đến rất nhanh với bất cứ ai trong xã hội. Câu hỏi đặt ra ở đây, theo ông Long, là làm gì để đưa công ty, nền kinh tế thoát khỏi tình trạng khủng hoảng này.
Ông nhấn mạnh câu trả lời sẽ là không thể nếu xã hội giữ một thái độ sợ sệt, hoang mang và co cụm như hiện nay.
"Chúng ta sợ không dám đến gặp khách hàng, chúng ta sợ không dám đến trường, chúng ta sợ đến nỗi sao lãng cả công việc hàng ngày,... tâm trí chúng ta ngập tràn trong sợ hãi cả trong mơ và trong câu chuyện hàng ngày", ông cho biết.
"Liệu chúng ta có nên vượt qua nỗi sợ hãi này để tập trung vào công việc? Liệu chúng ta có nên duy trì cuộc sống bình thường trong khi chờ đợi khoa học tìm ra giải pháp?", ông đặt câu hỏi.
"Tôi chợt nhớ về những hình ảnh trẻ em vẫn đến trường cho dù bom đạn thời chiến tranh vô cùng tàn khốc. Người nông dân tay súng, tay cày. Các bạn nghĩ thế nào về điều này? Phải chăng chúng ta nên cùng nhau vượt qua nỗi sợ hãi để cuộc sống và nền kinh tế vẫn tiếp tục phát triển?".