7h30 sáng, những lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn Mizuno Nhật Bản đã có mặt tại trường Tiểu học Trần Quốc Toản, Hà Nội để tham dự một giờ thể dục của học sinh. Mỉm cười nhìn những đứa trẻ thoải mái trong giờ học, ông Akito Mizuno, 72 tuổi, tỏ ra hài lòng khi những đứa trẻ được vận động nhiều và thích thú với tiết học thể dục.
Một ngày trước đó (giữa tháng 9/2018), Tập đoàn Mizuno của Nhật Bản đã tổ chức trao tặng dụng cụ thể thao cho Bộ GD&ĐT, hướng tới ký thỏa thuận hợp tác phát triển giáo dục thể chất trong trường Tiểu học của Việt Nam. Trong buổi lễ, cả phía Việt Nam và Nhật Bản đều thể hiện sự nghiêm túc trong việc đưa Mizuno Hexathlon, phương pháp giáo dục thể chất kiểu Nhật, vào trường Tiểu học trong bối cảnh cải cách giáo dục đang là chủ đề nóng ở Việt Nam.
Cải thiện tầm vóc trong thời đại smartphone
Người Nhật vốn có vóc dáng nhỏ bé và thể trạng yếu hơn so với các khu vực khác. Tuy nhiên, ngay từ sau Thế chiến thứ 2, Nhật Bản đã tiến hành nỗ lực cải thiện tầm vóc bằng chế độ dinh dưỡng và tăng cường tập luyện, dẫn tới sự cải thiện đáng kể chiều cao và cân nặng.
Mizuno Hexathlon ra đời sau khi tình trạng giảm sút thể lực ở trẻ em trở thành một vấn đề nghiêm trọng tại Nhật Bản; sự phân cực giữa trẻ vận động và trẻ không vận động cũng như hiện trạng trẻ em chưa được giáo dục đầy đủ về tư chất và năng lực để quen với việc vận động suốt đời.
Chương trình được thiết kế để trẻ em hiểu cách thực hiện các dạng vận động cũng như tầm quan trọng của vận động an toàn trong cuộc sống thường ngày, đồng thời nắm được các hoạt động và kỹ năng cơ bản cũng như thái độ lạc quan và vui vẻ - vốn rất cần thiết trong cuộc sống hiện đại.
Theo nghiên cứu của Mizuno, trẻ em Việt Nam cũng đang gặp những vấn đề tương đồng liên quan tới vận động, bao gồm cả vấn đề sức khỏe và thể lực. Trong khi đó, những khiếm khuyết về dinh dưỡng, môi trường ô nhiễm cùng áp lực học hành kết hợp với sự bùng nổ của Internet và smartphone khiến vấn đề càng trở nên nghiêm trọng.
Trong khi đó, giờ học thể chất ở trường không nhiều và chưa được chú trọng. Phần vì thiếu dụng cụ, phần vì giáo trình cũ nên trẻ em ít có cơ hội vận động cũng như rèn luyện thể lực. Ở Việt Nam, thể dục là một tiết học chứ không phải một giờ vận động. Bên cạnh đó, mỗi lớp thường có số lượng lớn học sinh nên các em không được vận động quá nhiều.
Mizuno Hexathlon được kỳ vọng sẽ khắc phục những yếu điểm này. Lấy giáo viên làm trung tâm, trong mỗi giờ học, giáo viên sẽ là người nghĩ ra những trò chơi vận động từ những bộ dụng cụ thể thao cơ bản. Theo đó, trẻ em sẽ được thỏa sức chạy nhảy và hoàn thiện các kỹ năng một cách tự nhiên nhất. Ba kỹ năng "chạy", "nhảy" và "ném" sẽ được rèn luyện nhiều nhất.
Hơn một năm thử nghiệm tại Việt Nam, Mizuno Hexathlon sử dụng giáo trình và bộ dụng cụ do Mizuno Nhật Bản cung cấp. Những giáo viên hạt nhân của Việt Nam được tuyển chọn và đào tạo tại Nhật Bản nhằm đáp ứng được các yêu cầu của chương trình vận động mới. Họ cũng sẽ trở thành nòng cốt trong việc phát triển chương trình vận động kiểu Nhật cho học sinh tiểu học Việt Nam.
Kinh doanh đem lại những điều tốt đẹp cho xã hội
Ông Akito Mizuno, Chủ tịch tập đoàn Mizuno Nhật Bản, nhấn mạnh công ty không đặt nặng vấn đề kinh doanh trong việc hợp tác với Bộ Giáo dục Việt Nam. Đây cũng là một phần trong hàng loạt các hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản.
"Mizuno nhận được sự hỗ trợ đắc lực của chính phủ Nhật Bản trong việc triển khai chương trình tại Việt Nam. Đó là niềm tự hào khi được Chính phủ giới thiệu ra nước ngoài như một thương hiệu quốc gia trong lĩnh vực thể thao của Nhật Bản", ông Akito Mizuno nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bản thân ông Akito cũng tin tưởng, khi mọi người hiểu việc làm của một thương hiệu là tốt cho xã hội, đóng góp tích cực cho khả năng vận động của trẻ em, nó cũng sẽ mang đến những lợi ích nhất định cho doanh nghiệp. Đó cũng là cách thu lợi về lâu về dài mà một doanh nghiệp muốn tồn tại 100 năm tiếp theo cần phải thực hiện.
"Là doanh nghiệp, chúng tôi không thể bỏ qua lợi nhuận nhưng có những cách kiếm tiền mà vẫn mang lại nhiều điều tốt đẹp cho xã hội", ông Akito Mizuno, chủ tịch tập đoàn Mizuno Nhật Bản, chia sẻ.
Theo Chủ tịch tập đoàn Nhật Bản, những công ty bất chấp tất cả vì lợi nhuận chỉ có thể thu về thành quả một lần. Việc đặt mình vào vai người tiêu dùng và làm tốt nhất có thể để đổi lấy sự hài lòng của khách hàng chính là điều quan trọng để đảm bảo công ty có thể tồn tại lâu dài.
Thách thức khi dân số bị già hóa
Ra đời năm 1906, Mizuno đã trải qua nhiều sóng gió để tồn tại và phát triển. Trước những biến cố nghiêm trọng, bao gồm 2 cuộc Thế chiến 1 và 2, thương hiệu thể thao Nhật Bản đã trải qua những giai đoạn vật lộn thực sự để có thể tồn tại. Mục tiêu tồn tại trong 100 năm kế tiếp cũng tiềm ẩn nhiều thách thức với Mizuno, nhất là trong tình trạng dân số già ở Nhật Bản cũng như những thay đổi mạnh mẽ bởi cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 trên khắp thế giới.
"Có lẽ, giai đoạn khó khăn nhất với chúng tôi là trong những năm Thế chiến 2 và sau đó. Chiến tranh xảy ra, người dân hoàn toàn không chơi thể thao. Để tồn tại, chúng tôi buộc phải chuyển sang kinh doanh các mặt hàng khác, từ sản phẩm nấu ăn tới những món đồ chẳng liên quan gì đến thể thao. Sau chiến tranh, khủng hoảng nguyên liệu khiến việc sản xuất cũng gặp nhiều thách thức", vị chủ tịch hơn 70 tuổi của Mizuno chia sẻ.
Một trong những thách thức khác của Mizuno chính là tình trạng dân số già ở Nhật Bản. Dù đang hướng tới thị trường toàn cầu nhưng Nhật Bản vẫn là sân chơi quan trọng với Mizuno. Để có thể đảm bảo sự phát triển của tập đoàn, giải quyết những khó khăn ở thị trường nội địa là bài toán buộc phải có lời giải.
"Dân số Nhật Bản dù có già hóa nhưng so với trước đây, người già bây giờ có sức khỏe tốt hơn nhiều. Họ vẫn chơi thể thao bởi nó mang lại sức khỏe và duy trì khả năng vận động. Nhận biết nhu cầu đó, chúng tôi cũng tạo ra những sản phẩm chuyên biệt, giúp người già có thể vận động tốt và dễ dàng hơn", ông Akito nhấn mạnh.