Theo ông Quang, nhà ở xã hội và nhà thương mại giá rẻ là một trong các chiến lược quan trọng trong việc phát triển và quản lý nhu cầu nhà ở đang tăng nhanh và gắn liền với việc phát triển các khu đô thị mới có tầm nhìn quản lý tốt.
"Đây là một kinh nghiệm phát triển nhà ở đã được hình thành và tích lũy hàng trăm năm tại các nước Âu – Mỹ và như thế, Việt nam có thể kế thừa kinh nghiệm phát triển của các nước tiên tiến đề giải quyết nhu cầu nhà ở ngày càng bức bách theo tiến độ ngày càng tăng nhanh của quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa", ông Quang nhấn mạnh.
Theo ông Quang, trong khoảng gần mười năm gần đây, các hành lang pháp lý cần thiết cho việc phát triển và quản lý nhà ở xã hội ngày càng đầy đủ và hoàn thiện mà mới nhất là Chính phủ đã ban hành nghị định 100/NĐ-CP/2015 về việc quản lý và phát triển nhà ở xã hội, đã tạo ra nhiều động lực mới và có những thành quả bước đầu hết sức đáng khích lệ để đáp ứng nhu cầu nhà ở của xã hội, nhất là các đối tượng có thu nhập thấp và chưa có nhà ở ổn định tại các khu vực đang có tốc độ đô thị hóa nhanh như TP.HCM, Hà Nội.
"Trong chiến lược phát triển và quản lý nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ của Nam Long từ các năm 2004 đến nay, các ưu đãi về tài chính, pháp lý xây dựng theo nghị định 100/ NĐ – CP/ 2015 được lưu ý và vận dụng nhằm đảm bảo quá trình triển khai dự án đạt các yêu cầu về thời gian, chất lượng và kiểm soát tốt chi phí", ông Nguyễn Xuân Quang nhấn mạnh.
Tuy nhiên, trong thực tế khi nghiên cứu và triển khai nhà ở xã hội tại TP.HCM, ông Quang nhận thấy nhiều vấn đề cần giải đáp và khuyến nghị.
Thứ nhất là việc hình thành cơ quan quản lý phát triển nhà cấp quốc gia và thiết lập các kênh tài chính – tiết kiệm nhà ở theo thông lệ và kinh nghiệm quốc tế. Tại Việt Nam, tổ chức này đặc biệt quan trọng trong vai trò là đầu mối cho các kế hoạch, qui hoạch phát triển không gian đô thị, nâng cấp và tái chỉnh trang đô thị tại các thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẳng, và cung cấp quỹ nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập hạn chế để mua và thuê nhà ở….
Thứ hai, nhu cầu nhà ở xã hội và nhà thương mại ngày càng bức thiết bởi cơ cấu dân số đang bước vào cơ cầu dân số vàng, với 70% dân số trong độ tổi lao động từ 15 – 59 tuổi. Do đó, quan trọng nhất là hình thành và triển khai kế hoạch hành động cụ thể: Ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật riêng cho nhà ở XH, nhà thương mại gia rẻ; Qui hoach ngân hàng quỹ đất công để phát triển nhà ở xã hội tại các tỉnh/ thành phố; Hình thành cơ chế ưu đãi vượt trội về tài chánh, tín dụng và thuế cho người mua nhà và các tổ chức phát triển nhà.
Thứ ba cần thúc đẩy giải quyết hai vướng mắc lớn nhất trong phát triển nhà ở xã hội như chi phí giải tỏa và đền bù giải phòng mặt bằng cho các dự án phát triển nhà ở xã hội; Ban hành khung định mức để hạch toán các chi phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đấu nối cho các dự án phát triển nhà ở xã hội hiện nay.